Vợ ơi, chuyện nhỏ!

Tình cờ đọc được tâm sự của chị em, tôi cũng có đôi điều muốn bày tỏ. Tôi với mấy ông bạn hay đùa với nhau là thói quen ghẹo gái không thể mất đi mà nó chỉ “ẩn hiện” lúc này hoặc lúc khác! (khi có mặt “bà xã” hay không).

Phiền toái khi “đong gái”

Nói ghẹo gái là để cho vui, nhưng mà để cho ai vui? Xin thưa là tất cả đều vui. Người được ghẹo cảm thấy vui vì nghĩ mình còn được cánh đàn ông chú ý, người ghẹo cũng vui vì thấy mình còn duyên. Đôi khi những người khác chứng kiến cũng bị thu hút vào câu chuyện và “góp thêm tiếng cười”. cuộc sống đã nhiều căng thẳng, có thêm tiếng cười chẳng phải sẽ vui vẻ hơn không?

Và rõ ràng việc vui đùa, nói giỡn vài câu trong trường hợp này là vô hại. bằng chứng là đến giờ tôi chưa thấy vợ tôi phàn nàn gì. Còn trêu đùa đến mức người xung quanh (chưa kể vợ) thấy khó chịu, phản cảm thì đúng là… phiền toái.

 

Tôi từng chứng kiến ở một quán ăn, ông khách nọ sau khi “sương sương” vài chai thì buông lời chọc nghẹo cô chủ quán. Mặc dù chị tỏ rõ thái độ khó chịu nhưng anh ta vẫn cợt nhả khen món này ngon, món kia ngon rồi giả lả gợi ý được chị khuyến mại bằng “hiện vật” hay “hiện thân”. Chồng chị này thoáng nghe “thằng khác” nó ghẹo vợ mình cũng “ngứa con mắt bên phải…” anh nín nhịn hồi lâu nhưng “càng nhân nhượng thì địch càng lấn tới”. Một lúc sau, anh nhảy bổ ra trước mặt ông khách khiếm nhã định “nói chuyện phải quấy”, may là những người khác kịp can ngăn. Vị khách nọ cáo lỗi đồng thời cáo lui nên “bạo lực” đã không kịp xảy ra. Thật là hớ hênh cho ông ta khi ghẹo  nhầm “hoa” đã có chủ.

Cho nên tôi đã nói ghẹo gái không phải lúc nào cũng vô hại. Không dòm trước ngó sau, có ngày rước họa vào thân. Nói vài câu đẩy đưa cũng phải ý tứ, có duyên chứ không khéo thì các cô lại mắng cho thêm bẽ mặt.

Có nên quan trọng hóa vấn đề?

Nói ra thì thật là… xấu hổ, nhưng có những khi chọc gái thì chúng tôi mất trí nhớ tạm thời, bất chợt quên mất là mình… có vợ. Đó chỉ là khoảnh khắc chúng tôi sống với bản năng của mình còn vợ thì đã có hẳn một góc trang trọng trong tim tôi rồi. Thêm nữa, cánh đàn ông chúng tôi đã gặp phụ nữ mà “câm như hến” hay “lừ lừ như tàu điện” thì có khi bị… nghi ngờ giới tính, còn “năng động” một chút thì bị quy kết tội trạng này kia.

Mà nói thật là các bà vợ cứ nhiều khi làm ra vẻ “chị hai” quá nên chúng tôi muốn bỡn cợt bông đùa cũng khó, đành “phát huy tố chất” với những người phụ nữ khác. Ở nhà, chồng nói chuyện khôi hài mà vợ… không biết cười, thậm chí còn nhăn nhó và mắng là nói chuyện… vô duyên. Trong khi đó cũng những câu chuyện đấy, chúng tôi được các chị em ở cơ quan tán thưởng hết lời. Thử hỏi với tình cảnh đó, một người chồng hoạt ngôn làm sao mà không “rào đón” các nữ dồng nghiệp để mọi người cùng xả stress.

Tôi may mắn có vợ hiểu và thông cảm cho bản tính thích sự vui vẻ, xởi lởi của chồng nên ít khi ghen bóng, ghen gió. Nếu thấy chồng mình khen cô này cô nọ chút xíu mà dằn vặt đau khổ là đã nghiêm trọng hóa vấn đề và chuốc khổ vào thân. Chị em càng làm ầm ĩ thì chỉ làm không khí gia đình căng thẳng, mất vui. Phòng xa tất nhiên là cần nhưng siết luật quá chặt thì đàn ông lại càng muốn thoát ra hơn. Chị em nên nhớ là những anh chàng “bẻm mép”, “ba hoa” (như tôi!”), lại thường “vô hại” đấy ạ!

Theo Hồ Đức (Thủ Dầu Một, Bình Dương)

Thế giới gia đình


From the same category