Võ Hạ Trâm: tại Việt Nam không nhiều người có thể vừa hát vừa lồng tiếng

Võ Hạ Trâm nổi lên như một lựa chọn hàng đầu cho các vai diễn lồng tiếng đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc thượng thừa. Cô là người góp vào thành công không nhỏ trong việc kéo nhiều đối tượng khán giả đến rạp thưởng thức các bộ phim hoạt hình như “Frozen” hay “Zootopia”.

Trâm thừa nhận, một ca sĩ chỉ vẫy vùng trong không gian âm nhạc khu biệt như cô, có cơ hội tiếp cận đến khía cạnh thương mại một cách đường hoàng là nhờ những khán giả sẵn sàng bỏ tiền mua trải nghiệm với các bộ phim lồng tiếng Việt.

Khán giả dần nhớ đến Võ Hạ Trâm qua các vai lồng tiếng trong phim hoạt hình. Kể ra cũng là ngã rẽ bất ngờ với một ca sĩ thực lực như chị nhỉ?

Ban đầu, tôi chỉ casting cho phần hát của vai Anna trong “Frozen”. Khi tôi đến studio thu âm, nhà sản xuất người Hồng Kông nghe được giọng tôi và đề nghị anh Đạt Phi cho tôi lồng thử một phân đoạn nhỏ cho vai Anna xem thế nào. Tôi cũng không dám nhận lời ngay đâu vì sợ làm hỏng cả bộ phim bom tấn. Anh Đạt Phi nhiệt tình thuyết phục, tôi mới cầm kịch bản vào thu thử chừng 15-20 phút. Ngay sau đó nhà sản xuất quyết định ký hợp đồng với tôi dù trước đó vai này đã có một diễn viên khác thực hiện lồng tiếng được nửa đường rồi, nhà sản xuất phải đền hợp đồng cho người ấy. Trên thế giới, người hát thường sẽ là người lồng tiếng luôn nhưng tại Việt Nam, chúng ta chưa thể đào tạo ra những ca sĩ kiêm luôn hai vai trò đó nên vẫn hay tách bạch.

Yêu cầu dành cho người hát và lồng tiếng cao đến thế nào?

Một nghệ sĩ nhạc kịch của nước ngoài có thể kiêm được nhiều vai trò như lồng tiếng, hát, nhảy, diễn xuất. Ví dụ Anne Hathaway vừa diễn, vừa hát rất hay ca khúc “I dreamed a dream” trong phim “Những người khốn khổ”, hay Hugh Jackman trong phim “The greatest showman” cũng có thể hát, nhảy, diễn xuất điêu luyện.

Còn ở Việt Nam, diễn viên không hát được, ca sĩ thì không thể lồng tiếng hay diễn xuất. Hiện tại trong các trường đào tạo diễn viên cũng có bộ môn thanh nhạc nhưng nó không quan trọng, còn trường dạy thanh nhạc thì không có lớp diễn xuất. Nếu muốn có các nghệ sĩ đa tài, đa lĩnh vực thì môi trường đào tạo phải bài bản hơn.

Việc lồng tiếng ảnh hưởng khá nhiều đến diện mạo bộ phim, đối tượng khán giả và suất chiếu, khiến doanh thu bị ảnh hưởng. Chị có ý thức được điều đó không?

Các nhà sản xuất sẽ không mời tôi nếu họ chú trọng về thương mại hay hiệu ứng truyền thông. Võ Hạ Trâm không phải một cái tên đình đám để kéo nhiều khán giả đi xem phim. Những bộ phim tôi từng lồng tiếng có thể không đề cao doanh thu mà nhà sản xuất quan tâm đến việc truyền tải thông điệp nhân văn nhiều hơn. Khi Disney đầu tư tiền bạc và chất xám để làm một bộ phim bom tấn cỡ “Frozen”, “Zootopia”, tất nhiên họ không muốn nó chỉ chiếu tại Mỹ mà còn lan rộng tinh thần, thông điệp tới các nước khác. Đó là lý do vì sao phim hoạt hình Mỹ khi đến các nước châu Á đều làm phiên bản lồng tiếng riêng.

Các bộ phim hoạt hình Hollywood có thể phục vụ từ trẻ em đến người lớn. Điều này dẫn tới thực trạng nhiều khán giả trưởng thành không chấp nhận san sẻ suất chiếu lồng tiếng cho các em nhỏ, và thậm chí phản đối việc lồng tiếng ngay từ đầu. Đó có phải là sự ích kỷ không, theo chị?

Có hai lý do khiến họ nghĩ như vậy. Thứ nhất, họ từng xem phải những bản lồng tiếng tệ. Thứ hai, họ chưa cởi mở với phim lồng tiếng vì lúc nào cũng nghĩ bản gốc do nước ngoài làm mới là tốt nhất. Việc lồng tiếng là để phục vụ cho con nít, người lớn chiều con cái thì họ bỏ tiền vào xem cùng. Nếu bộ phim đó đủ chất lượng về mặt lồng tiếng và âm nhạc thì họ mới dần thay đổi định kiến được.

Năm 2019, hai bộ phim live-action là “Aladdin” và “Vua sư tử” được lồng tiếng đã gặt hái khá nhiều thành công về doanh thu. Chị có hình dung rằng một ngày, phim Marvel cũng được lồng tiếng bởi diễn viên Việt Nam?

Điều đó phụ thuộc vào định hướng của những hãng phim lớn. Nhưng tôi nghĩ chỉ có lồng tiếng cho phim hoạt hình, live-action và phim truyền hình là khả thi thôi. Lồng tiếng cho các siêu anh hùng cao to, hầm hố không dễ dàng đâu. Thôi thì cứ hy vọng đó là câu chuyện ở thì tương lai.

Những đất nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản không phổ biến việc sử dụng tiếng Anh nên họ chấp nhận tất cả phim ảnh được bản địa hóa hoàn toàn. Họ trân trọng và cởi mở với điều đó. Còn tại Việt Nam, khán giả đang quen thuộc với tiếng Anh rồi nên họ luôn băn khoăn liệu lồng tiếng vào có được như nước ngoài không.

Chị có cảm thấy buồn trước sự e dè của khán giả Việt?

Họ có một phần đúng, vì chúng tôi không đủ thực lực để làm tròn vai như phiên bản gốc. Nếu so sánh trình độ thanh nhạc của tôi với một sinh viên nước ngoài, tôi cũng không bằng. Diễn viên nước ngoài được đào tạo rất bài bản từ bé, còn tôi 15-16 tuổi mới ý thức được việc đi học. Phải chấp nhận rồi từ từ mọi thứ sẽ tốt hơn.

Nhờ công việc lồng tiếng, có vẻ chị vừa được vùng vẫy trong không gian âm nhạc riêng, vừa được tiếp cận đối tượng khán giả đại chúng thông qua điện ảnh?

Đúng vậy. Cảm giác khi ra mắt một sản phẩm âm nhạc khác rất nhiều với khi một bộ phim mình lồng tiếng được phát hành. Ai cũng đi xem phim mà, từ con nít đến người lớn tuổi. Trong khi với âm nhạc, lượng khán giả của tôi không nhiều mà chỉ gói gọn ở một khoảng nhỏ thôi.

                   LỒNG TIẾNG CHO PHIM BOM TẤN: NÂNG TẦM HAY PHÁ HỦY?

Dù đã ăn sâu bắt rễ vào phim truyền hình và điện ảnh Việt Nam từ lâu nhưng việc lồng tiếng cho phim điện ảnh nước ngoài chiếu rạp lại gây nhiều ý kiến trái chiều trong khoảng 10 năm trở lại đây. Khán giả cho rằng bản lồng tiếng sẽ không bao giờ hay bằng bản gốc, nhất là đối với những bộ phim nhạc kịch.
Tuy nhiên, những con số doanh thu lại cho thấy điều ngược lại. Chúng chứng minh rằng việc lồng tiếng vẫn có sứ mệnh riêng, giúp khán giả lớn tuổi và nhỏ tuổi đều có thể nắm rõ toàn bộ nội dung phim.

• Từ 2012-2019, CGV đã lồng tiếng cho 12 bộ phim hoạt hình và 4 bộ phim live-action (phim người đóng) từ Disney

• Hơn ½ khán giả đến rạp lựa chọn bản lồng tiếng thay vì bản phụ đề

• Doanh thu bản lồng tiếng chiếm 47% tổng doanh thu các phim

• 4 phim có doanh thu bản lồng tiếng cao hơn bản phụ đề: “The Incredibles 2” (51%), “Ralph Breaks The Internet – Wreck It Ralph 2” (56%), “Toy Story 4” (58%) và “Dumbo” (68%)

• Số suất chiếu bản lồng tiếng phim “Aladdin” chỉ chiếm 20% nhưng doanh thu vẫn ngang bằng doanh thu bản phụ đề

Bài: Phương Thảo

Sản xuất: Hellos.

Nhiếp ảnh: Lâm Nguy

Trợ lý: Huey

Đọc thêm
Đại Nghĩa: “Nhiều người chưa xem phim lồng tiếng đã gõ phím chê bai”
“Phù thủy lồng tiếng” Đạt Phi: “Thù lao lồng tiếng phim điện ảnh cao gấp 100 lần phim truyền hình”
Võ Hạ Trâm: tại Việt Nam không nhiều người có thể vừa hát vừa lồng tiếng


From the same category