Theo gia quyến nhạc sỹ thì tối 28/6, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu rơi vào hôn mê sâu sau khi được đưa vào bệnh viện Thống Nhất trị bệnh trước đó hai ngày.
Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu lúc sinh thời. (Ảnh: Gia đình cung cấp)
Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11/11/1924 tại Đà Nẵng, là con thứ 11 trong một gia đình có cha làm thợ may.
Thành tựu sáng tác ca khúc của Phan Huỳnh Điểu đại đa số là nhạc đỏ, nhưng ông cũng có nhiều ca khúc trữ tình đặc sắc.
Ông là tác giả của rất nhiều bản tình ca nổi tiếng như “Bóng cây Kơnia,” “Anh ở đầu sông em cuối sông,” “Thuyền và biển,” “Thư tình cuối mùa Thu,” “Những ánh sao đêm”…
Dấu ấn đặc biệt trong sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chính là ông đã “tình ca hóa” thể loại hành khúc, đem lại cho hành khúc cách mạng Việt Nam một nét mới lạ, độc đáo và hấp dẫn.
Hai bài hát “Hành khúc ngày và đêm” và “Cuộc đời vẫn đẹp sao” là một minh chứng cụ thể cho điều này.
Có thể nói đây cũng là một đóng góp giá trị của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu xét ở khía cạnh học thuật.
Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vì những đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam ở thế kỷ 20.
Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1940 và ghi tên mình vào làng sáng tác với tư cách là một nhạc sỹ với ca khúc “Đoàn giải phóng quân.”
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Phan Huỳnh Điểu gia nhập quân đội, công tác ở Liên khu 5. Trong thời gian này, ông viết một số ca khúc như “Nhớ ơn Hồ Chủ tịch,” “Quê tôi ở miền Nam”…
Sau 1975, Phan Huỳnh Điểu chuyển về Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh. Suốt sự nghiệp sáng tác, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu công bố hơn 100 ca khúc.
Trong gia tài âm nhạc đồ sộ, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu cũng để lại dấu ấn đậm nét với tài phổ nhạc từ thơ nhiều ca khúc nổi tiếng như “Những ánh sao đêm,” “Bóng cây Kơnia,” “Anh ở đầu sông em cuối sông,” “Sợi nhớ sợi thương,” “Ở hai đầu nỗi nhớ,” “Đêm nay anh ở đâu,” “Thuyền và biển,” “Thơ tình cuối mùa Thu”…
Ông còn là nhạc sỹ giàu tình yêu với các em thiếu niên, nhi đồng với nhiều sáng tác dành cho thiếu nhi như “Đội kèn tí hon,” “Nhớ ơn Bác”…
Với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20, ông được mệnh danh là “Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam.”
Theo: Lê Mây/Vietnamplus