Viết về tuổi thơ

Sách cho trẻ em và sách lấy đề tài thiếu nhi phong phú vô vàn ở trong mọi thứ tiếng, nhưng tùy vào cách tự nhìn vào mình mà cái nhìn tuổi thơ của nhà văn đi theo hướng “tích cực” hay “tiêu cực”, “hồng” hoặc “đen”, “tươi đẹp” hay “u buồn”. Không có nhiều lựa chọn trong mảng sách cực kỳ dễ viết nhưng vô cùng khó hay này. Hoặc là tô hồng quá đáng, dựng ra những hoạt cảnh thần tiên trong suốt tinh tang những tiếng chuông dịu dàng, hoặc bôi đen vô chừng, mua nước mắt cho những cậu bé khổ đau chịu dập vùi đầy nghị lực, những cô bé rách rưới nhưng nhất định không để cho xấu xa cuộc đời lan nhiễm vào tâm hồn vị tha, nhân ái.

Một nhà văn từng nói, tình mẫu tử là điều thiêng liêng cuối cùng mà văn chương vốn lâu nay xoay ra khốn cùng đủ kiểu, nhạo báng mọi thứ, còn chưa dám đụng đến. “Cứ điểm” cuối cùng còn tương đối trụ vững được trước những đợt tấn công như axít xói mòn tất thảy của văn chương; khi mà sự dòm ngó cuộc đời không còn là bất nhã, phân tích kiệt cùng mọi thứ xấu xa của nội tâm được tuyên dương, mỗi thế hệ nhà văn lại tiến thêm một bước trong quá trình tấn công vào mọi thứ tồn tại ở trên đời (và cả những thứ thật ra không tồn tại). Nhưng hẳn là vẫn còn một cái gì đó khiến mỗi khi nhà văn chạm tới tuổi thơ là tức thì họ chùng xuống, lòng mềm lại, và ta thấy không ít nhà văn thông thường bạo liệt đến tức thở bỗng trở nên vô cùng mềm mại, dịu dàng khi viết truyện thiếu nhi (Salman Rusdhie chẳng hạn). Tuổi thơ và ký ức của tuổi thơ giống như là một phần giúp người ta cân bằng, hoặc giúp người ta tưởng rằng mình có thể cân bằng trên đường đời, chặng đường có thể hiểu là luôn luôn “đi lên” nhưng hoàn toàn cũng có thể là miệt mài “đi xuống”. Nhưng đó rất có thể cũng là một sự tô hồng kiểu khác, tô hồng “một cách vô thưởng vô phạt” như Jean-Jacques Rousseau nói; hoặc là nó không hề “vô thưởng vô phạt”.

Bởi tuổi thơ rắc rối hơn nhiều, có thể còn nhiều vấn đề hơn mọi phần đời khác của con người, bởi sau này còn xuất hiện một yếu tố chi phối rất nhiều cách nhìn, cách nghĩ và cách sống: sự buồn chán, còn ở thời bé, người ta chưa biết buồn chán, và con thú nhỏ hùng hục sống ấy rất có thể đen tối và nguy hiểm, ngây thơ và nguy hiểm, nguy hiểm cũng chính vì sự ngây thơ: sự nguy hiểm lớn nhất là sự nguy hiểm không để lại manh mối gì cho tiếc nuối và sám hối. Vậy nên tuyệt đại đa số tác phẩm cho thiếu nhi tốt đẹp và âu yếm, nhưng cũng có tuổi thơ thực sự hiểm ác, đen tối không thể cứu chữa như những tuổi thơ trong các tiểu thuyết của Hervé Bazin, nơi những đầu óc non nớt chỉ chăm chăm nghĩ đến những gì ác độc, nơi hận thù còn chưa bị thời gian xói mòn mà nguyên khối, bức bối và sẵn sàng bùng phát bất kỳ lúc nào.

Lẽ dĩ nhiên, để an toàn, giống như với những bông hoa người ta chỉ nghĩ đến sự làm đẹp và làm thơm cho đời mà sẵn sàng lờ đi khả năng gây chết chóc của chúng, tuổi thơ “phải” là chốn an toàn, ít nhất cũng là ốc đảo giữa sa mạc, nơi chỉ cần hướng mắt về là thấy lòng nhẹ nhõm; người ta quên mất rằng những hình dung ác độc và xảo trá ngày nay bắt nguồn từ quá khứ, từ khi còn rất nhỏ. Bầu không khí văn chương cho và về tuổi thơ sẽ được hoan nghênh nhiệt liệt không phải vì độ “thật” của nó, mà vì độ “chênh” của nó với sự thật; và ở đây sẽ chẳng ai hơi đâu mà đi chất vấn tác giả về tính chất giả tạo, sự bài trí khéo tay, vân vân và vân vân. Độc giả Việt Nam nhiều năm vẫn mê “Cánh buồm đỏ thắm” và giờ đây vẫn hào hứng với những truyện thiếu nhi sót lại từ một thời dường như tốt đẹp, chẳng hạn như “bác Phiodor” hay “cá sấu Ghena” của nhà văn Nga Uspenski danh tiếng.

 

Có lẽ chính vì những điều nhiêu khê trên đây mà Astrid Lindgren mới vĩ đại đến thế. Truyện của bà có một điều gì đó rất khác biệt: “Pippi Tất dài” hay “Karlsson trên mái nhà” là những sáng tạo độc đáo hết mức. Sự nhân ái ở kẻ yếu là điều tất yếu đến nỗi hình như không phải là sự nhân ái nữa. Lòng tốt nằm ở chỗ những kẻ hoàn toàn biết rằng mình có thể và đủ sức làm điều xấu (thậm chí làm điều xấu còn rất vui), nhưng đã không làm.

Nhị Linh


From the same category