Vì sao Balzac chỉ mê nàng nạ dòng? (P1) - Tạp chí Đẹp

Vì sao Balzac chỉ mê nàng nạ dòng? (P1)

Sao
Các nhà tiểu sử khẳng định rằng Balzac có từ 3 đến 10 người con ngoài giá thú, nhưng số lượng phụ nữ mà nhà văn Pháp này chinh phục được là bao nhiêu thì họ không đếm xuể. Và trong cơ man nhan sắc đó, có hai  người đóng vai trò rất đặc biệt trong cuộc đời ông.

Chân dung chàng trai trẻ Honore de Balzac (những năm 1820)

Người thứ nhất, Laura de Berny, là mối tình đầu say đắm và là động lực giúp Balzac quyết tâm theo đuổi văn nghiệp. Người thứ hai, Evelyna Ganskai, là tình yêu sau cuối đồng thời là người vợ chính thức đã ở bên ông những ngày cuối đời…. Điều đáng nói là cả hai người đàn bà thuộc dòng dõi quý tộc này khi gặp Balzac thì họ đều đã chồng con đề huề…

Khát vọng của chàng trai cô đơn

Honore Balzac sinh năm 1799 tại thành phố Tours (Pháp), trong gia đình một chưởng khế. Bertran, cha của nhà văn, ngay từ thời trẻ đã tự đổi cái họ nông dân Balsa của mình thành Balzac – một dòng họ quý tộc lâu đời ở Pháp dù chẳng hề có dây mơ rễ má gì với nó. Nỗi khát khao về dòng dõi của người cha hẳn là đã “di truyền” sang cậu con trai cả Honore – sau này chính cậu còn thêm vào cái họ Balzac ấy một chữ “de” quý phái nữa.

Thời thơ ấu Honore de Balzac hầu như không sống cùng cha mẹ. Từ 4 tuổi Honore đã được gửi vào trường nội trú, và suốt 11 năm sau đó cậu sống trong các ký túc xá buồn tẻ cùng những đồng môn luôn giễu nhại cậu là “nhà thơ” vì cái tội ham tập tọng viết lách. Mẹ của Balzac vốn là một phụ nữ bẳn tính và thiển cận. Bà không đủ nhạy cảm để hiểu tâm tư cậu con trai. Lớn lên với mặc cảm cô đơn ngay trong gia đình mình, gặp bất kỳ người phụ nữ nào Honore cũng khao khát tìm kiếm trước hết là tình mẫu tử, tình tri kỷ và sau đó là tình yêu đôi lứa. Và khi 22 tuổi, chàng trai trẻ Balzac đã gặp được Laura de Berny, người phụ nữ 45 tuổi có thể mang lại cho chàng đầy đủ những tình cảm ấy.

Madame Laura de Berny – mối tình đầu có tuổi đời gấp đôi Balzac

Thời kỳ này Balzac đã tốt nghiệp trường luật ở Paris và hoàn toàn có thể nối nghiệp cha. Nhưng sau hai năm làm việc tại một văn phòng luật sư, chàng hiểu rằng mình không hợp với công việc này. Balzac đã thuyết phục cha hùng hồn đến nỗi cuối cùng ông đành chấp nhận chu cấp cho con trai mỗi tháng 120 Franc trong vòng một năm nữa để chàng có thể chuyên tâm cho viết lách. Với khoản tiền ấy Balzac chỉ có thể thuê một căn phòng nhỏ và chi tiêu mỗi ngày vỏn vẹn 18 xu. Trong thư gửi em gái thời kỳ này chàng hài hước viết: “Anh trai của em đang vinh hạnh được nuôi dưỡng y như một vĩ nhân, hay nói một cách khác, là đang sắp chết vì đói”.

Nhưng cuộc nếm mật nằm gai ấy chẳng mang lại kết quả mong  đợi. Vở kịch thơ đầu tay của Balzac đã bị chê bai ngay từ trong “Hội đồng gia đình”. Nhưng Balzac không đầu hàng. Chàng quyết định đến Paris…

Tại thủ đô, Balzac đã mon men đến các salon văn học, làm quen với giới viết lách và xuất bản để tìm hiểu xem phải viết như thế nào mới được ưa chuộng. Thời kỳ này chủ nghĩa lãng mạn đang thịnh hành với những tên tuổi như Byron, George Sand, Alfred de Musset… Balzac bèn viết các truyện ngắn về tình yêu lãng mạn, nhưng tất cả đều là những thử nghiệm quá non nớt… Để kiếm sống chàng bắt đầu viết báo, dạy tiếng Pháp. Khi cha mẹ chàng chuyển đến sống ở ngoại ô Paris, Balzac liền nhận làm gia sư cho một gia đình quý tộc sống gần đó – nhà  de Berny. Và chính tại đây, Balzac đã gặp Laura – bà chủ nhà có 7 đứa con và thậm chí đã lên chức ngoại bà.      

Mối tình đầu gây sốc

Sau những buổi dạy kèm cho cậu con trai nhỏ nhà Berny, Balzac thường nán lại trò chuyện với bà chủ Laura và các cô con gái. Dần dần ngay cả khi không có giờ dạy chàng cũng thường xuyên sang nhà Berny chơi cả buổi. Mẹ của Balzac thấy vậy rất lấy làm phấn khởi vì nghĩ rằng con trai mình đang tán tỉnh cô con gái 17 tuổi nhà Berny. Nhưng bà đã ngã ngửa khi biết đối tượng khiến Balzac si mê không phải là cô con gái xinh đẹp mà là mẹ của cô ta!

Nhưng Balzac thì có cái lý của riêng mình khi đem lòng yêu người đàn bà nhiều tuổi gấp đôi chàng… Người đàn ông trưởng thành dữ dội, cuồng nhiệt Balzac hóa ra thời trai trẻ lại cực kỳ nhút nhát. Chàng thường lảng tránh các cô gái bởi mặc cảm mình vụng về, thấp bé, bởi sợ mình sẽ trở thành trò cười nếu ăn diện bảnh bao đi tán tỉnh họ. Hơn nữa, giao du với các thiếu nữ chàng chẳng thấy có gì ích lợi hay thú vị. Điều mà Balzac cần lúc đó là một phụ nữ trưởng thành, chín chắn, người có thể giúp chàng tìm thấy bản ngã, gieo cho chàng niềm tin vào bản thân.

Và Laura de Berny chính là hiện thân của người phụ nữ ấy. Sau này, Balzac thổ lộ: “Với tôi, nàng là mẹ, là bạn gái, là người thân, người đồng hành, nhà tư vấn,– Nàng đã khiến tôi trở thành nhà văn, nàng an ủi tôi thời trai trẻ, nàng đánh thức đam mê trong tôi, nàng khóc và cười với tôi, nàng luôn đến bên tôi như loài hoa cẩm chướng đầy ân nghĩa, loài hoa xoa dịu nỗi đau… Nếu không có nàng, tôi đã chết đi một cách tầm thường”. Có thể nói Laura đã dành cho Balzac tất cả những gì mà một người phụ nữ có thể dành cho một người đàn ông. Về mối thâm tình kéo dài đến 10 năm này (1822-1833), về sau Balzac đã  viết: “Không gì có thể so sánh với tình yêu cuối cùng của người phụ nữ dành tặng cho một người ông mới yêu lần đầu”.

Thực ra, ban đầu, Laura cũng không đáp lại tình cảm của nhà văn trẻ nhưng chàng đã tấn công bà bằng những lời lẽ quá nồng nàn: “Hôm qua nàng mới xinh đẹp làm sao! Đã bao lần nàng hiện lên lộng lẫy và quyến rũ trong giấc mơ của ta, nhưng ta phải thú nhận rằng hôm qua nàng đã vượt lên cả đối thủ của mình – bà chúa duy nhất trong các giấc mộng của ta”.

Và rốt cục, vào một đêm tháng năm, Laura de Berny đã mềm lòng… Hôm sau Balzac viết những dòng thật hoan hỉ: “Ôi Laura! Ta đang viết cho nàng, và bao phủ quanh ta là sự im lặng của đêm – một màn đêm đầy ắp nàng, và trong ta đang thức dậy hồi tưởng về những nụ hôn nồng cháy của nàng. Ta có có thể nghĩ về điều gì khác nữa?… Lúc nào ta cũng thấy trước mắt mình chiếc ghế băng của hai ta; ta cảm thấy đôi cánh tay thân thương của nàng đang run rẩy xiết chặt ta, còn những đóa hoa trước mặt ta dầu đã héo tàn nhưng vẫn giữ nguyên mùi hương ngây ngất”.

Bìa cuốn tiểu thuyết “Bông huệ trong thung” của nhà văn Balzac bản tiếng Việt

Không chỉ dành cho Balzac tình yêu thương, sự săn sóc, Laura de Berny còn là người tư vấn cho chàng mọi vấn đề, giúp chàng hiểu gu thẩm mỹ của giới quý tộc, đánh thức tiềm năng của một tiểu thuyết gia nơi chàng. Phấn khích bởi tình yêu và sự ủng hộ của Laura, Balzac có thêm động lực mới để bắt tay vào công việc… Khi  các dự án xuất bản của Balzac gặp trắc trở, Laura không chỉ động viên nhà văn trẻ mà còn giúp đỡ chàng cả về tài chính. Tuy nhiên, chuyện tình cảm của họ đã gặp phải không ít lời đàm tiếu. Để tránh tổn thương đến con cái và người chồng già đã gần như mù lòa, về sau Laura đã chủ động chuyển thứ tình yêu sắc dục với nhà văn trẻ thành tình tri kỷ cao thượng.

Với dung mạo và tính cách đặc biệt, Laura de Berny đã trở thành nguyên mẫu cho nhân vật chính trong cuốn “Bông huệ trong thung” của Balzac. Tuy nhiên, theo lời nhà văn, đó mới chỉ là bản sao nhạt nhòa của Laura mà thôi. Có thể nói, tất cả những gì Balzac viết về Laura đều hòa giọng vào  một bài ca duy nhất – bài ca thể hiện lòng biết ơn, ngưỡng mộ với “người phụ nữ cao quý và vĩ đại”.

Sau Laura, Balzac cũng chỉ thích kết giao với những phụ nữ hơn hẳn mình về tuổi tác và kinh nghiệm sống. Những cô nàng xinh đẹp trẻ tuổi thích nhận nhiều hơn là cho chẳng  đem đến cho nhà văn chút cảm hứng nào. “Nàng 40 tuổi sẽ làm mọi điều cho bạn, nàng 20 – sẽ chẳng làm gì hết!”, Balzac viết.

Honore de Balzac không chỉ khác biệt với các nhà văn đương thời bởi lối viết độc đáo (tả cảnh để nói người) mà còn bởi một thời gian biểu kỳ quái: ngủ từ 6 giờ chiều đến nửa đêm, sau đó thức dậy và ngồi viết liên tục cho đến khi nào xong mới thôi. Tuy vậy, phải đến năm 1829, sau khi tiểu thuyết “Những người Chouans” ra mắt, vinh quang mới mỉm cười với Balzac. Tiếp đó, một loạt tác phẩm của ông được ra lò với những nhân vật xuyên suốt nhiều tác phẩm. Trong số đó, nổi tiếng nhất phải kể đến “Miếng da lừa” “Vỡ mộng”, “Ơgiêni Grăngđê”, “Bước thăng trầm của người kỹ nữ”…

(Còn tiếp)


Bài: Phan Minh Ngọc

Ảnh:wikipedia, biography, myartprints

logo
 

>>> Có thể bạn quan tâm: Những năm 1930, nước Mỹ đã trải qua một thời kỳ hết sức khó khăn. “Cuốn theo chiều gió” – bộ phim dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Margaret Mitchell ra mắt và thành công vang dội trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang trị vì đất Mỹ. Vai nữ chính trong phim “Cuốn theo chiều gió” của Vivien Leigh  – nàng Scarlett O’Hara xinh đẹp và đầy bản lĩnh – đã trở thành biểu tượng để người dân xứ cờ hoa hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

13/02/2014, 16:11