Uẩn khúc & tài tình

Đời tôi

Marcel Reich-Ranicki

Lê Chu Cầu dịch, Nhã Nam & NXB Thế giới

Đặc trưng (và cũng là cố tật) của nhiều tác phẩm hồi ức, tự truyện là tính tự bào chữa, là tiêu chuẩn kép để biện minh và hối lỗi. Làm sao cấm cản được người viết mong muốn làm cho mình thanh sạch lúc cuối đời? Thế nhưng, yếu tố ấy nhòe mờ trong “Đời tôi” (Nhã Nam & NXB Thế giới, Lê Chu Cầu dịch), quyển tự truyện của “giáo hoàng văn học Đức” Marcel Reich-Ranicki. Bởi lẽ, bản thân lịch sử mà tác giả trải qua đã chứa đựng quá nhiều biến cố, xê dịch và khó phân giải; câu chuyện của ông gợi lên những cảm xúc vượt ra ngoài cái tốt và cái xấu, ngoài phạm vi người ta có thể hài lòng hoặc trách cứ. Thời trẻ ông là nạn nhân của phát xít Đức, và khi lớn lên, “được làm” công dân Đức, ông lại là “đao phủ” trong một lĩnh vực đôi lúc quái gở và nhiểu uẩn khúc: văn chương.

Sinh ra ở Ba Lan và đi học ở Berlin, Marcel Reich từ ngày nhỏ đã vượt ra ngoài khuôn khổ, ông luôn là người đứng ngoài, tách biệt với môi trường xung quanh. Ngay từ những dòng đầu tiên, tác giả tự nhận, “suốt đời tôi chưa hề là Do Thái hoàn toàn”. Sau khi bị trục xuất khỏi Đức và phải ở trong getto Warsaw, ông không can dự vào tổ chức kháng chiến mà làm phiên dịch trong Hội đồng Do Thái, nơi chịu chỉ đạo của cơ quan công quyền Đức để quản lý và giám sát người trong getto. Biết rằng ở lại trong getto là cầm chắc cái chết, ông đề ra kế hoạch cướp tủ tiền của Hội đồng để trốn thoát, sau khi đã chứng kiến bố mẹ bị đưa đến trại tập trung ngay trước mắt mình.

Tác giả viết tự truyện vì thấy mình đáng trách? Không nhiều lời biện minh, ông thừa nhận nỗi xấu hổ khi phải sống chui nhủi: “khủng khiếp hơn cái đói là nỗi sợ chết, khủng khiếp hơn nỗi sợ chết là sự nhục nhã triền miên” (tr.213). Đặc tính “tự bào chữa” trong một số tác phẩm tự truyện đôi khi thừa mứa và nặng nề đến độ làm người đọc có cảm giác như tác giả hoang tưởng nặng. Nhưng Reich-Ranicki rất mực tỉnh táo. Lẫn khuất trong giọng kể là tâm lý kẻ ngoại cuộc, nỗi bất an, hay nói đúng hơn: nỗi sợ. Đó là điều vẫn bám theo ông đến cả đời: “Tôi muốn nói sự sợ hãi trước cây roi Đức, trại tập trung Đức, phòng hơi ngạt Đức, tóm gọn: trước sự man rợ Đức” (tr.27). Chính tâm lý ngoại cuộc ấy sẽ tạo nên chỗ đức đặc thù và độc nhất, ở trung tâm nền văn chương, báo chí và truyền thông Đức nửa sau thế kỷ 20.

Từ Ba Lan sang Tây Đức định cư năm 1958, ông có mặt trong Nhóm 47 nhưng chưa bao giờ là thành viên chính thức. Ông viết điểm sách cho tạp chí Die Zeit, rồi phụ trách mục văn học cho nhật báo Frankfurter Allgemeine (có trang văn học sôi nổi nhất thời đó) nhưng không dự một cuộc họp giao ban nào của tòa soạn. Ông giới thiệu và kết nối những thế giới quan khác biệt: văn học phương Tây và Ba Lan, giữa Đông và Tây Đức, giữa những nhà văn lưu vong như Thomas Mann, Bertolt Brecht và nhà văn từng ở lại nước Đức thời Quốc Xã như Günter Grass, Heinrich Böll.

Đến đây là một câu hỏi cốt yếu: điều gì xảy ra nếu quyền lực văn chương nằm trong tay một “đao phủ” ngoại cuộc, một người Đức gốc Do Thái, nhất là trong lịch sử bùng nhùng, đầy rẫy xung đột của những nhà văn vốn giàu tính mẫn cảm và thừa lòng tự ái? Reich-Ranicki đã khuấy động nên bầu không khí văn chương sôi động bằng phong cách khắt khe nhưng rành mạch, đề cao giá trị cổ điển nhưng luôn hướng tới công chúng. Ông lập ra danh sách điển phạm (“Der Kanon”) của văn học Đức, sau này gắn liền với tên ông. Chương trình truyền hình “Bộ tứ văn học” của ông từ năm 1988-2002 thu hút hàng triệu khán giả mỗi lần phát sóng, và có sức ảnh hưởng đến nỗi, mỗi khi ông khen ngợi ai là sách của họ lập tức trở thành hiện tượng, như trường hợp của nữ nhà văn Israel Zeruya Shalev năm 2001 (từng có tác phẩm được dịch sang tiếng Việt: “Thèra”, “Đời sống tình yêu”, “Vợ chồng”).

“Đời tôi” - Marcel Reich-Ranicki

Marcel Reich-Ranicki qua đời ở tuổi 93, để ngỏ một thời kỳ phê bình văn học hướng đến đại chúng. Quyển tự truyện cũng khép lại lơ lửng và khuôn sáo (tên chương áp chót: “Là một giấc mơ”) với cái kết chưa xác quyết. Mang nỗi bất an dai dẳng, giọng riêng trong “Đời tôi” cũng gần giống những gì tác giả nói về Max Frisch, theo ông là hiện thân của văn học châu Âu: ẩn chứa ở đó là điều tất cả độc giả tìm kiếm trong văn học – nỗi đau khổ của chính chúng ta.

Từ Beirut đến Jerusalem
Thomas Friedman    
Đặng Ly dịch, Alphabooks & NXB    

Từ Beirut đến Jerusalem - Thomas Friedman

Trong loạt sách phi hư cấu về đề tài Israel được dịch gần đây, “Từ Beirut đến Jerusalem” đáng chú ý về tầm vóc, thuật lại hành trình đến Trung Đông trong giai đoạn nội chiến Liban và phong trào Intifada. Thomas Friedman đặt ra một truy vấn giản đơn nhưng không dễ có lời giải: ý nghĩa của việc có quê hương.

Tiền không mua được gì
Michael Sandel
Nguyễn Diệu Hằng dịch, NXB Trẻ,

Tiền không mua được gì - Michael Sandel

Giáo sư Harvard chuyên về đạo đức học đã quen thuộc với độc giả qua “Phải trái đúng sai”. Lần này, ông làm rõ mối ngăn cách giàu nghèo không thể bù đắp khi thị trường lấn át đạo đức. Tiền càng mua được nhiều thứ thì bất bình đẳng xã hội càng gia tăng và tính cộng đồng càng mai một. Đứng đầu trong đó là: tham nhũng và xói mòn đạo đức.

 

Bài: Trần Quốc Tân

>>> Có thể bạn quan tâm: Nếu “50 sắc thái” của tác giả E.L.James từng khiến độc giả sốc vì đụng chạm tới những ngóc ngách sâu thẳm và đầy khao khát mà con người vẫn che đậy, thì ba cuốn sách được giới thiệu trong bài viết này sẽ giúp người đọc hiểu thêm về mình, về nửa kia, hoặc thậm chí thay đổi hẳn quan niệm về tình yêu.


From the same category