Phủ vàng cho tượng Oscar. (Nguồn: chicagotribune.com)
Như vậy, 50 tượng Oscar phiên bản “hoài cổ” sẽ được trao tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 88 diễn ra vào cuối tháng Hai này.
Trong một tuyên bố ngày 17/2, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS), bà Cheryl BooneIsaacs cho hay điểm thay đổi của tượng Oscar trong lễ trao giải năm nay chính là chất liệu bên trong.
Thay vì chất liệu hợp kim như phiên bản cũ, các nhà sản xuất sẽ sử dụng kim loại đồng cho phiên bản mới. Loại kim loại này đã được sử dụng cho phiên bản Oscar hồi năm 1929. Sau khi hoàn tất, vỏ ngoài của tượng Oscar vẫn được phủ bằng lớp vàng 24k.
Bên cạnh đó, AMPAS cũng đã đặt hàng hãng hãng Polich Tallix Fine Art Foundry làm tượng Oscar, thay vì đối tác lâu năm là công ty R.S Owens.
Quá trình làm ra bức tượng Oscar giống như phiên bản gốc của nhà điều khắc George Stanley, cả về đường nét, trọng lượng và chiều cao, rất phức tạp.
Bằng công nghệ 3D, các nhà chế tác đã tạo ra tượng Oscar “hoài cổ” trên máy tính để làm ra khuôn chuẩn. Những khuôn này được đúc trên sáp và sau đó được nung trong thạch cao ở nhiệt độ 871 độ C. Ở nhiệt độ này, lớp sáp sẽ bị loại bỏ và chỉ còn khuôn tượng Oscar thạch cao rỗng bên trong. Tiếp đó, mỗi bức tượng được đúc trong đồng nung chảy ở nhiệt độ 982,2 độ C trước khi qua quá trình đánh bóng và tráng lớp vàng 24K.
Sau khi hoàn tất, 50 bức tượng Oscar đều cao 34,29cm và nặng 3,8kg. Theo nhà sản xuất, phải mất ba tháng, 50 tượng Oscar mới được hoàn thành.
Tượng Oscar ra đời từ ý tưởng của người chỉ đạo nghệ thuật của hãng MGM – ông Cedric Gibon, người là một trong các thành viên đầu tiên của MPAS.
Nhà điêu khắc Stanley đã hiện thực hóa ý tưởng này. Ông đã tạo ra một bản tượng bằng đất sét, là nguyên mẫu cho một bản tượng bằng hợp kim thiếc pha đồng và được mạ vàng ra đời sau đó.
Từ năm 1929, khoảng 3.000 tượng Oscar đã được trao cho những cá nhân, tập thể xuất chúng hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Mỗi tượng vàng đều có số serie riêng được lưu lại trong kho dữ liệu của AMPAS.
Theo VietnamPlus