Được giới thiệu là bộ phim của đạo diễn Ross M. Dinerstein – tác giả từng cho ra đời những phim kinh dị như “The Pact”, “The Divide” có số điểm trên IMDb khá khiêm tốn, “Tượng ma” có lẽ đã được dự báo chất lượng từ trước.
Nội dung phim ban đầu nghe có vẻ “nguy hiểm”: một cặp tình nhân trẻ (dù diễn viên hơi già) quyết định tìm vào khu rừng vắng sinh sống để kiếm cảm hứng sáng tác, quay phim. Vô tình, họ lại dọn đến gần nhà một nghệ sĩ bí ẩn tên Jones, người chuyên làm ra những bức tượng mang ý nghĩa linh vật (totem). Cuộc sống của đôi tình nhân bắt đầu bị đe dọa bởi nỗi ám ảnh do người đàn ông tên Jones mang tới.
Dù nhìn từ khía cạnh nào, cũng khó có thể nói “Tượng ma” là một bộ phim hay. Hai diễn viên chính, Jon Foster và Sarah Jones đều chưa phải hai tên tuổi có thể làm nóng màn ảnh hay phòng vé. Điều này không khó hiểu, vì rõ ràng khả năng diễn xuất của họ không nổi bật ấn tượng. Không ăn điểm ở diễn viên, phim cũng không thể kiếm điểm từ kịch bản nội dung phim. Kịch bản dài dòng, rối rắm, cố gắng tạo ra hình ảnh của Mr. Jones bí ẩn, huyền ảo, nhưng lại không thể (điều duy nhất làm người xem cảm nhận ở Mr.Jones chỉ là sự lập dị của một gã nghệ sĩ chứ không mang tính chất ma quỷ tâm linh).
Chính vì chưa thể thành công trong việc xây dựng yếu tố huyền bí, kinh dị cho câu chuyện nên bộ phim cũng bị đứt gãy ở khả năng hù dọa khán giả. Tất cả những gì người xem cảm thấy, được gọi là “nỗi sợ” trong phim, chỉ là gương mặt thất thần, hốt hoảng, la hét của nhân vật chính. Nói đơn giản là người xem thấy nhân vật sợ, chứ bản thân họ không hề thấy sợ.
Một điểm nổi bật của bộ phim cần được nhắc tới, chính là ở việc làm theo dạng phim “giả tài liệu”. Nói dễ hiểu, tức là nhân vật chính cầm cái máy quay phim lia tứ tung để quay cảnh này, cảnh kia, để tạo cảm giác như chính người xem cũng đang tham gia vào câu chuyện.
Cách thể hiện này không mới, đã từng xuất hiện trong nhiều bộ phim trước đó, nhưng đến “Tượng ma” nó mới trở thành chóng mặt một cách kinh dị khi khung hình bị chuyển quá nhanh và liên tục. Người xem chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì máy quay đã chuyển sang hướng khác. Gương mặt nhăn nhó, căng thẳng của hai nhân vật chính là thứ mà máy quay bắt được nhiều nhất. Giống như kiểu hai bạn này “tự sướng” hơi quá đà khiến người coi ngán ngẩm.
Với những điểm trên, nhiều người sẽ thắc mắc vậy phim này có cái gì đáng để mua vé ra rạp?
1. Phim này dành cho các chàng trai muốn thể hiện bản lĩnh, kiến thức của mình trước bạn nữ. Thực ra, dẫn bạn gái đi coi “Tượng ma” là quyết định sáng suốt của bất kỳ chàng trai nào. Với nội dung khó hiểu, lơ lửng của phim, bạn trai sẽ có rất nhiều cơ hội để dự đoán tình huống phim, giải thích từng chi tiết một trong phim cho bạn mình nghe, để thể hiện bản thân am tường mọi thứ.
2. Một công dụng khác của bộ phim: dành cho những người bị mất ngủ kinh niên. Bảo đảm hơn một tiếng rưỡi phim sẽ là thời gian để bạn có được phút giây thư giãn tuyệt vời, chìm vào giấc mộng lưng chừng mà không cần tới bất kỳ loại thuốc nào gây hại cho cơ thể.
Và, với những ai dư dả thời gian, dư tiền, đã coi hết tất cả những phim ngoài rạp đang chiếu, lựa chọn cuối cùng của bạn nên là “Tượng ma”. Trên IMDb nghe nói phim được có 4 điểm mấy, khán giả trên đó có vẻ rộng lượng. Đẹp Online chấm phim này ở mức 1,5 điểm là cùng.
Bài: Chú Hề
Ảnh: IMDb
>>Có thể bạn quan tâm: Mùa phim hè năm nay, ngoài phim kinh dị Mỹ “Linh hồn báo thù” thì điện ảnh Việt Nam chỉ có một bộ phim duy nhất ra rạp nhận được nhiều quan tâm từ khán giả. Càng đặc biệt hơn khi bộ phim này cũng chọn chủ đề kinh dị tâm linh để hù người coi.