Trong danh sách những món ăn nổi tiếng của Hội An, người ta thường nhắc tới cơm gà bà Buội. Nấu một món ăn ngon đã khó, tạo nên nét đặc sắc riêng, phát triển nó lại càng chẳng dễ dàng. Vậy mà từ khi thành lập năm 1955 tới nay, quán Cơm gà bà Buội đã 60 năm tuổi.
Để được thực khách yêu mến bền lâu, ngoài vị ngon khó quên mà bà Buội mang tới cho món cơm gà, còn có phần không nhỏ đến từ tâm sức của anh Cao Ngọc Bình – con trai bà. Ngày nào cũng vậy, anh Bình dành phần lớn thời gian cho bếp và quán cơm. Từ 6-7 giờ sáng, anh vào bếp, tập trung chế biến cùng mọi người. Tới giờ mở bán, ông chủ nhà hàng lại tất bật rót trà, hoặc tự tay trộn từng suất cơm nhằm giới thiệu tròn vẹn hương vị đặc trưng của cơm gà bà Buội tới thực khách. Bất cứ ai có dịp gặp gỡ, đều dễ dàng cảm nhận sự nhiệt tâm, hết lòng mà người đàn ông này dành cho nghiệp bếp và món cơm truyền thống của gia đình. Ít ai biết rằng, ẩm thực đến và gắn bó với anh vào thời điểm sóng gió của cuộc đời, khi tai nạn bất ngờ lấy đi một cánh tay.
Anh Cao Ngọc Bình cùng nhân viên
– Ngày trước, tới tuổi cần lựa chọn nghề, tôi nghĩ: “Dù là thời nào, mọi người cũng quan tâm tới ăn ngon, mặc đẹp. Mẹ đã thành công với nghiệp bếp, hay mình chọn nghề may, phát triển nó cho tốt để củng cố thêm kinh tế”. Thế là tôi theo nghề may, rồi thành nghề, tưởng chừng mọi việc cứ thế an bài. Nhưng sau một tai nạn, tôi hiểu ra duyên nghiệp chính là món cơm gà của mẹ. Bởi mẹ đã lo cho cả gia đình từ món cơm gà này. Bên cạnh đó, ở bất kì hoàn cảnh nào, đây luôn là công việc mà tôi có thể làm tốt.
– Khi ở bệnh viện, hồi phục tương đối là tôi bắt đầu dùng cánh tay còn lại để tập viết, tập làm mọi thứ. Một thời gian sau khi xuất viện, tôi trở lại với nhịp sinh hoạt bình thường, có thể tự chạy xe máy. Vậy nên nấu nướng không phải là trở ngại với tôi. Ngoài cơm gà, tôi vẫn thường vào bếp làm thử nhiều món ăn khác nữa.
Mang thai tôi mà mẹ vẫn tất bật với hàng quán mỗi ngày. Thành ra, chắc tôi “thấm” vị cơm gà từ khi còn trong bụng mẹ. Hồi còn nhỏ, dù các anh chị làm cơm theo đúng cách mẹ chỉ dẫn, tôi vẫn luôn nhận ra cơm nào do chính tay bà nấu và cơm nào anh chị nấu. Đối với tôi, việc truyền tải hương vị cơm gà của gia đình rất tự nhiên, không mấy khó khăn. Điều tôi chú trọng lúc đó là phát triển món ăn.
– Anh có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
– Đã quyết định nối nghiệp, tôi không muốn chỉ nấu ngon mà còn phấn đấu hoàn thiện thêm món ăn. Đầu tiên, tôi tìm cách tăng chất lượng của gạo. Ngày xưa, cuộc sống còn khó khăn, chưa có nhiều loại gạo để lựa chọn. Nhưng giờ điều kiện sống, thị trường nguyên liệu cũng đa dạng, nên tôi quyết định tìm kiếm dòng gạo có khả năng tạo hạt cơm không chỉ bùi, ngọt mà còn săn và tơi. Thêm nữa, giá trị dinh dưỡng của dòng gạo này cũng khá cao.
Món tương ớt của quán rất ngon
– Vậy điều đầu tiên anh nghĩ tới khi kinh doanh ẩm thực là gì?
– Tôi muốn từng suất cơm đưa tới khách hàng đều thơm ngon, tròn vị, cân bằng dinh dưỡng. Hạnh phúc của người làm bếp là nhìn thực khách ăn hết cơm, thấy ngon miệng, thấy khỏe hơn. Vậy nên khi nấu tôi cố gắng hướng dẫn tỉ mỉ cho mọi người làm cùng mình. Có người hỏi “không sợ lộ bí quyết à?”, nhưng thực ra với cá nhân tôi, nấu ăn ngon là nhờ việc cảm nhận hương vị. Mang tới cho đồng sự của mình sự chia sẻ thấu đáo thì mọi người mới hiểu, mới chung tay cùng tôi giữ vững, phát triển Cơm gà Bà Buội được.
Anh Cao Ngọc Bình cùng vợ
– Cảm ơn anh, chúc anh và gia đình luôn tràn đầy sức khỏe, bình an và hạnh phúc!
Bài: Lam An
Ảnh: Duy Minh