Trường mầm non… nông dân

Đó là những điều mà một vị khách như tôi được vinh dự đón nhận khi ghé thăm một trường mầm non ở Nhật. Người dân xứ mặt trời mọc vốn được biết đến với rất nhiều phát minh, với sự kiên cường và ý thức khiến ai cũng phải khâm phục… Nhưng tại đây, tất cả những công dân trưởng thành trong tương lai lại bắt đầu được giáo dục theo khuynh hướng không trở thành “thần đồng”, mà rất “nông dân”.

Các “bác nông dân” 3, 4, 5 tuổi làm việc hết sức cần mẫn. Bác thì xúc cát đổ vào xô rồi quàng dây quai qua người, cố sức lôi đi như đang kéo cày. Có bác lại dùng tay vốc từng vốc đất đổ vào máng, rồi vun lại cho vuông vắn như thể đang chuẩn bị đồ ăn cho gia súc.

Mấy chị thợ làm bánh chừng 4, 5 tuổi thì múc nước đổ vào tô để nhào cho cát nhão ra rồi nặn thành… sô cô la. Cũng đặt vào khay “nướng” hẳn hoi rồi mời cô giáo – đang là người phụ việc cho công việc làm bánh quan trọng của bé – và mỗi bạn một viên.

Rồi thì các vận động viên tham gia nhảy dây. Một đầu sợi dây thừng mắc vào gốc cây, đầu kia có cô giáo quay dây cho bé nhảy. Có bé tích cực nhảy được đến mấy chục cái, nhưng vẫn không mệt mà còn hăng hái chờ đến lượt tiếp theo.

Các cô giáo ở đây không mặc đẹp hay đi guốc. Ai cũng mặc áo rộng, đeo tạp dề và đi giày thể thao để giúp các bé nhảy qua các nấc thang làm bằng lốp xe hơi. Có chỗ thì đang “một… hai… ba…” xúm vào khiêng một bạn đang nằm trong chậu.

Nhìn quanh thấy các bác nông dân đều làm việc hết sức vất vả, tận tụy. Chả ai quản công sá gì cả. Có chăng chỉ là luôn ý thức giữ sức khỏe tốt để cha mẹ khỏi lo lắng. Tự giác đói thì ăn, khát thì uống mà không cần phải ép thúc, nhắc nhở.

Tất nhiên là ở nông trại mẫu giáo, chả mấy ai màng đến chuyện phải biết đọc chữ, hay làm toán dành cho lớp 1 làm gì cả. Biết lõm bõm bảng chữ cái là xịn nhất rồi. Ở đây, bé là nông dân thứ thiệt, chỉ cần biết nặn hình tròn cho thật tròn, cầm kéo, cầm xẻng, tưới cây cho thật khéo. Rồi thì tự rửa tay thật sạch, tự dọn đồ chơi mỗi lần chơi xong.

Thành tích à, cũng có nhiều điều để kể đấy. Tất nhiên là không có giấy khen đâu, mà là người thật việc thật để biểu diễn cho bố mẹ xem thôi. Đó là biết quay đúng một vòng trên thanh dụng cụ, biết nhào lộn và chống đẩy, biết pha màu. Mỗi ngày, bé có thể sản xuất ra hàng loạt bản thảo vẽ đủ thứ con, cây, người bằng chì màu. À, bé còn biết đập trứng vào bát để rán, biết giúp cô chia thức ăn ra bát. Quan trọng hơn, bé biết đồ dùng, quần áo, giày dép của mình phải để ở chính xác chỗ nào, ngăn nào, quay phải hay quay trái. Ăn quà xong biết phải vứt rác, nhỡ có làm vỏ rơi thì phải tìm lại đủ bằng được để còn bỏ vào đúng nơi quy định.

Các nông dân trông có lấm lem, nhưng mà vẫn lịch sự lắm, nói năng đi lại rất oách, mỗi lần đến lớp thì chào hỏi khắp lượt, ra về thì cảm ơn cô giáo và các bạn trong lớp. Làm nông dân mẫu giáo thật là thích tuy làm lụng có vất vả đôi chút.

Nhiều bé 6 hay 7 tuổi, sắp phải đi học lớp Một – hơi tiếc, nhưng chả sợ. Vào lớp Một thì các nông dân sẽ bắt đầu học chữ tí ti, học số và làm tính chút chút nữa, nhưng mà đúng là chỉ tẹo tèo teo thôi, còn lại thì vẫn cơ bản là nghề nông. Chả ai phải lo học gì cả, cũng chả ai cần giấy khen. Học thêm á? Nông dân chả biết cái ấy là cái gì. Chúng tớ đang còn bận với đất, cát, cây, hoa, sâu, côn trùng, màu vẽ và trăm chuyện quan trọng trên đời đã.

 

 

Những bài học từ ấu thơ của trẻ em Nhật bản

1. Mỗi bé phải có nhiều túi với nhiều kích cỡ để đựng những món đồ khác nhau. Từ sau 2 tuổi, các bé đã có thể tự phân biệt và sử dụng túi nào cho những món đồ nào rất thuần thục.  2. Con phải tự mang túi của mình.
3. Thay quần áo nhiều lần trong ngày, phù hợp với các hoạt động, và con phải tự làm việc ấy từ 2, 3 tuổi.
4. Mặc shorts trong mùa đông giúp cơ thể thích nghi với môi trường.
5. Bé từ 0 tuổi đã bắt đầu tham gia các cuộc thi đấu thể thao, biểu diễn.
6. Học mỉm cười và cảm ơn.
7. Tham gia các hoạt động ngoại khóa: leo núi, đi thăm sông hồ, vào rừng, tham quan bảo tàng, đền đài, hội chợ, các hoạt động cộng đồng, thi thể thao, văn nghệ, làm bánh, trồng cây…

 Bài: Thủy Nguyễn 

Bạn có mẹo hay trong việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần các con yêu? Hãy cùng chia sẻ với bạn đọc của Đẹp Online bằng cách gửi thông tin về địa chỉ email giadinh@dep.com.vn.

From the same category