"Trùm lừa" trong trào lưu "bổn cũ soạn lại" - Tạp chí Đẹp

“Trùm lừa” trong trào lưu “bổn cũ soạn lại”

Review

Được chuyển thể từ tác phẩm “Tên trùm bịp bợm thành Venice” của Jules Romains, “Trùm lừa” từng một thời làm mưa làm gió ở sân khấu Idecaf  với dàn diễn viên gạo cội như Thành Lộc, Hữu Châu, Kim Xuân, Thành Hội, Mỹ Duyên, Đại Nghĩa… đến nay, được sự ưu ái của khán giả, vở kịch được tái dựng với nhiều diễn viên trẻ hơn, mang lại luồng gió mới cho “Trùm lừa”.

Vở kịch kể về ông Phú Quý, một người giàu có bậc nhất trong thành phố, không con cái, bỗng dưng muốn chơi khăm những người bạn luôn chăm chăm ngó vào tài sản của mình. Ông cùng gã đầy tớ Bạch Hồ nghĩ ra trò lừa, giả bạo bệnh để những kẻ cơ hội như bà luật sư Hoàng Hôn, ông chủ hiệu buôn Đại Lượng, cô gái nhảy Thanh Nhã, lão chủ tiệm đồ cổ phải liên tục săn đón, hi sinh hòng có được tên trong bản di chúc. Nhưng mọi người đâu biết rằng mình cũng chỉ đang nằm trong một trò lừa đảo lớn hơn.

Vở kịch này được diễn lần đầu tiên vào thời kì hoàng kim của Idecaf về kịch bản chuyển thể, với những vở từng ghi lại dấu ấn như “Cậu đồng”, “Cô chủ quán xinh đẹp”… Giai đoạn này, các vở kịch thường tập trung vào chiều sâu nhân văn, ý nghĩa châm biếm trào phúng sâu cay hơn là thỏa mãn về phần nhìn và phần nghe, nên sân khấu, âm nhạc không phải là thế mạnh của “Trùm lừa”.


 

Các phân cảnh sân khấu được biểu hiện bằng sự thay đổi của các mảnh ghép domino, cũng như mỗi khi một nhân vật xuất hiện, ô domino của người đó sẽ được lật mặt ra. Yếu tố sân khấu đơn giản này nếu để ý kỹ, sẽ thấy nó hòa quyện và góp phần khai thác sâu hơn về tính cách của từng nhân vật xuất hiện trong toàn bộ vở diễn.

Âm nhạc của “Trùm lừa” không có gì đặc sắc, nếu không muốn nói là nhàm chán với những màn nhạc đệm chuyển cảnh đơn sơ, không có những bài hát riêng trong kịch. Điều này không khó hiểu, vì “Trùm lừa” được dựng trước giai đoạn các sân khấu kịch chăm chút cho phần nhạc, tiên phong là Idecaf với “12 bà mụ” năm 2006. Nếu đã quen với những màn hát múa tưng bừng của Idecaf với “Hồn bướm mơ điên”, “Tía ơi má dzìa” thì chắc chắn bạn sẽ thấy thất vọng với “Trùm lừa.”

Các vai diễn trong kịch sau khi có thay đổi cũng tạo ra được sự khác biệt so với bản cũ. Ngoài Thành Lộc, Đại Nghĩa, Mỹ Duyên, Tuấn Khôi vẫn đảm nhận vai của mình trong nhiều năm trước, thì Lương Thế Thành, Hương Giang, Tuấn Khải vào vai chỉ dừng ở mức chấp nhận được, không vượt qua được cái bóng của người xưa.

Vai diễn xuyên suốt vở kịch là thằng đầy tớ Bạch Hồ, trước đây do Hữu Châu đảm nhận, nay giao lại cho Lương Thế Thành. Bạch Hồ là một vai diễn khó, khi tồn tại trong đó cả hai tính cách – một là căm thù cái xấu, ghét sự lừa lọc, dối gian, hai là lại thỏa hiệp, nương theo những cái xấu đó, thậm chí còn xấu xa hơn để trừng trị họ một bài học.

Ngày trước, Hữu Châu với đài từ xuất sắc của mình có thể chưa đầy một giây đổi ngay chất giọng, làm nên một Bạch Hồ ma mãnh nhưng cũng đầy trượng nghĩa, thì trong vở mới, Lương Thế Thành vào vai Bạch Hồ với nhiều nét mới lạ. Với ngoại hình cao ráo, sáng sân khấu, Thành thường đóng những vai “kép đẹp” của Idecaf và gần như được đóng khung trong những vai diễn này. Năm ngoái, Thành đã có dịp chứng minh khả năng với vai diễn được thỏa sức tung hoành trong “Miêu nữ hý miêu gia”, đến năm nay, với Bạch Hồ, Thành đã diễn chín hơn rất nhiều khi phần nào xử lý được tâm lý phức tạp của nhân vật.

 

Vai diễn ấn tượng nhất của “Trùm lừa” là cô gái nhảy Thanh Nhã do Thành Lộc thủ diễn. Nếu nhận xét rằng Thành Lộc diễn hay, diễn xuất thần thì có lẽ đã quá thừa thải. Mỗi lần cô Thanh Nhã bước ra sân khấu, khán giả lại cười ồ vì sự điệu đà, kiêu sa trong từng ánh mắt, bước chân, đến cả cái bĩu môi mỉa mai cũng duyên dáng đến lạ. Trang phục của cô Thanh Nhã cũng được làm lại so với trước đây, khán giả sẽ được chứng kiến Thanh Nhã đa dạng sắc màu, lúc thì xanh biển cao sang, lúc thì xanh lá rực rỡ, lúc thì đỏ như “vợ ông già Noel”, khi lại đen màu quả phụ, hay trong phiên tòa xét xử ông Phú Quý, Thanh Nhã hóa thân thành cô gai Huế tím mộng tím mơ, tím buồn thương sầu mộng. Và chắc chắn, đây sẽ là vai diễn khiến mọi người bất ngờ cho đến phút cuối cùng.

Hương Giang vào vai bà luật sư Hoàng Hôn, người yêu của ông Phú Quý, vai này trước đây do Kim Xuân đảm nhận. So với cách diễn chuyên nghiệp của Kim Xuân thì dĩ nhiên Hương Giang chưa thể bằng được, nhưng nhìn chung thì Hoàng Hôn của Hương Giang cũng có được đất diễn tương đối tốt, lột tả được người phụ nữ vì vật chất có thể bẻ cong công lý, đến cuối cùng rồi thì vẫn mất tất cả mà chẳng được gì. Tương tự Hương Giang, Tuấn Khải trong vai thương gia Đại Lượng (trước do Thành Hội diễn) cũng không tạo được nhiều đột phá lắm, chỉ đơn thuần là kế thừa vừa đủ vai diễn của mình.

Những diễn viên cũ như Đại Nghĩa (ông Phú Quý), Mỹ Duyên (bà Đoan Trang), Tuấn Khôi (ông chủ hiệu cầm đồ) đều tung hứng nhịp nhàng cùng những vai diễn khác, tạo được không khí liền mạch cho cả vở diễn.

 

Với ý nghĩa “ai cũng phải chịu trách nhiệm với những việc mình làm”, “Trùm Lừa” khiến người xem băn khoăn với câu hỏi, “Liệu khi có thật nhiều tiền, con người ta sẽ ra sao?” Cái nhân văn, ý nhị của vở diễn được truyền đạt đến người xem một cách tế nhị, không ồn ào, khoa trương. Thêm vào đó, cách đặt tên nhân vật cùng những chi tiết nhỏ cũng có sự thú vị. Ả gái điếm giang hồ mang tên Thanh Nhã, ông Đại Lượng “rộng lượng” đến mức đem vợ mình là “Đoan Trang” để dâng cho “Phú Quý”. Trong phiên tòa xét xừ, vị thẩm phán bị lãng tai, đau răng, nghe cũng không xong mà nói cũng không rõ chứ. Đến cuối cùng, chỉ có cậu “Văn Minh” là dám đứng lên, lật mặt những con người đầy “Phú Quý” “Đại Lượng” hay đại diện cho pháp luật, công lý kia.

Dịp này, ngoài Idecaf dựng lại “Trùm lừa”, các sân khấu khác cũng đi theo trào lưu dựng lại kịch cũ khi Phú Nhuận có “Số đỏ” còn Phước Sang có trong tay “Lò heo quay”. Được biết trong thời gian tới, có thể Idecaf sẽ tiếp tục phục diễn các vở từng làm nên tên tuổi ngày xưa như “Cô chủ quán xinh đẹp”, “Ả cave ở nhà hàng Maxim”. Đây là một điều dễ hiểu bởi chất lượng các kịch bản sân khấu mới hiện nay không có nhiều đột phá, chỉ quanh đi quẩn lại trong yêu đương hờn giận, khá hơn thì có pha thêm chút thời sự hay yếu tố kinh dị.

Còn với các kịch bản chuyển thể cũ, mặt nội dung cũng như mức độ thành công của chúng đã được kiểm định từ ngày trước, thêm vào đó, với tầm tư tưởng rất lớn của những tác phẩm này, đến thời điểm hiện nay, các vấn đề được nói đến trong đó vẫn là sự nhức nhối, đáng suy ngẫm của xã hội. Điển hình là trong “Trùm lừa” chúng ta có thể nhìn ra được chuyện con người ta vì đồng tiền có thể bán rẻ lương tâm, thậm chí đánh mất luôn chính con người của mình, điều này không mới, nhưng cũng không bao giờ cũ. Chính về thế, việc làm lại các vở diễn cũ là một quyết định đúng đắn, đầy khôn ngoan của các sân khấu kịch hiện nay. 

Diễn trong dịp đầu năm, “Trùm lừa” cũng dính phải những phản hồi không tốt khi một số khán giả vốn dĩ đã quen với những màn ca hát hoành tráng của Idecaf cảm thấy vở diễn quá dài dòng, lê thê, chỉ toàn nói là nói. Nhưng, với những ai là khán giả trung thành của Idecaf trên 10 năm, sẽ cảm nhận được đằng sau tiếng cười ý nhị, là cả một suy ngẫm về thế thái nhân tình.

Bài: Chú Hề
Ảnh:  Idecaf FC

>>> Có thể bạn quan tâm: Lấy bối cảnh căn chung cư cũ gồm những con người thành thị sống mà chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, “Lẩu trăn” làm người ta cười, nhưng lại vẫn thấy chua cay khi nhìn thấy chính mình trong từng lớp diễn:


Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

12/02/2014, 09:03