Trồng chanh dây để… khoe facebook

Với màu sắc bắt mắt cùng hương vị chua chua ngọt ngọt, chanh dây là thức uống khoái khẩu của nhiều người mỗi dịp hè về. Khoa học đã chứng minh trong loại quả này có nguồn vitamin A và C, sắt, kali và các thành phần dinh dưỡng rất có lợi cho sức khoẻ. Hạt chanh dây có lớp cơm nhầy bao quanh làm cho chanh có mùi thơm lạ, lại bổ xung thêm chất xơ, nhưng hầu hết mọi người lại bỏ đi phần hạt mỗi khi dùng. Nếu yêu thích loại trái cây hấp dẫn này, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng hạt của chúng để tự trồng lấy một cây ngay trong nhà mình nhé. Vừa có trái dùng, lại vừa có thêm cái để… đem khoe trên facebook.

 

Chanh dây là loại cây được lai ghép từ Đài Loan. Trái có hình tròn, khi chín có màu tím tươi. Loại cây này không những có chứa nhiều chất bổ có lợi cho sức khỏe mà còn được dùng chữa bệnh tim mạch, hen suyễn, béo phì…
Chanh dây là dạng cây thân leo, dễ trồng, phát triển mạnh và không cần chăm bón quá nhiều. Nhiệt độ trồng thích hợp đối với cây chanh dây là từ 16 – 30 độ C. Cây cần có ánh nắng đầy đủ, khí hậu ấm áp và khuất gió. Nên trồng chúng ở những nơi tránh được sương giá vì chúng không chịu được lạnh. Nếu cắt tỉa thường xuyên, đúng kỹ thuật thì cây sẽ cho ra nhiều hoa và đậu nhiều trái. Khi trồng chanh dây bạn nên chú ý vào 3 thời điểm là  khi cây mới trồng, lúc ra hoa và khi hình thành quả. Loại cây này có thể trồng bằng hạt hoặc dâm cành đều được. Để thực hiện trồng chanh dây bằng hạt của chúng thì ta cần tiến hành qua các bước sau:

Bước 1: Chọn “già”, bỏ “trẻ”

Chọn trong số những trái chanh dây mua ở chợ về những trái già, có phần da hơi nhăn một chút. Vì những trái như vậy sẽ có phần hạt “chín muồi” hơn, để cho tỷ lệ hạt nảy mầm cao hơn. Đôi khi chỉ từ những chi tiết nhỏ như vậy cũng góp phần quyết định tương lai của “công cuộc” trồng cây tại nhà sẽ ra sao.


Những trái có vỏ nhăn nheo sẽ cho hạt nảy mầm tốt hơn.


Bổ đôi quả chanh dây, lấy thìa xúc hết hạt đem vào bát và rửa sạch phần thịt bám trên hạt và để ráo.


Đây là hạt chanh dây sau khi đã được làm sạch.

Lúc này bạn đã có thể đem chúng đi gieo xuống đất được, nhưng để hạt nhanh nảy mầm thì có một mẹo nhỏ là bạn nên ngâm những hạt giống này vào trong nước ấm một thời gian trước khi đem chúng đi ươm.

Bước 2: Bắt đầu cuộc sống mới.


Cần chuẩn bị những khay nhựa như thế này để tiến hành gieo hạt giống.


Phủ kín khay bằng đất để bắt đầu quá trình gieo hạt giống.

Sau khi hạt giống được ngâm trong nước ấm từ 24 – 36 tiếng thì vớt ra và đem tiến hành gieo vào từng ô của khay đất vừa chuẩn bị.  Lúc này đặt những khay đã gieo hạt dưới ánh sáng đèn sưởi chuyên dụng, hoặc đơn giản là mang chúng ra cửa sổ để tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, giúp quá trình nảy mầm được diễn ra nhanh hơn. Nhớ duy trì độ ẩm cho khay bằng cách phun nước một ngày 2 lần.

Giống như tất cả các loại cây khác thì chanh leo cần rất nhiều chất dinh dưỡng. Những dây leo của cây cần có đất màu mỡ để giúp chúng phát triển khỏe mạnh. Loại đất thích hợp với cây là loại đất có thành phần cơ giới nhẹ, có nhiều khoáng và chất hữu cơ.

Sau khoảng 2 đến 3 tuần thì hạt giống đem gieo sẽ nảy mầm. Đây là thời điểm cây yếu ớt nhất nên ta cần có sự chăm sóc đặc biệt hơn, chớ vì đãng trí mà quên “tưới tắm” cho mầm nhé. Khi được 5 tuần tuổi thì cây sẽ có chiều cao chừng 5cm.


Mầm cây xinh xắn nhú lên trông rất thích mắt.

Bước 3: Vươn mình ra… chậu lớn

Sau khoảng 6 tuần trở đi cây đã đạt chiều cao tầm 8 cm. Bước tiếp theo của quá trình này là bạn chọn lọc cây con tốt, khỏe để giữ lại trồng. Những cây èo uột, theo bạn đánh giá là kém chất lượng thì nên “say good bye”. Khi tiến hành thay từ khay sang chậu mới lớn hơn, hãy tách cây con ra một cách cẩn trọng, tránh không làm ảnh hưởng hay tác động xấu đến bộ rễ của chúng. Nếu có điều kiện thì cho mỗi cây một chậu làm “giang sơn” riêng, còn không chỉ nên trồng khoảng 2-3 cây con/chậu là tốt nhất. Tránh gieo nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng.


Mỗi cây tốt nhất nên có một chậu riêng, phần rễ dưới đất không phải “chiến đấu” với nhau giành chất dinh dưỡng.

Sau khoảng 3 tháng thì cây sẽ có chiều cao khoảng 70cm. Vì là loại cây thân leo nên lúc này cây cần có một giá đỡ chắc chắn để bám và phát triển. Nếu lần chuyển trước bạn vẫn chưa cho chúng ra một chiếc chậu to đủ dùng thì đây chính là lúc không thể lười được. Hãy mua ngay một chiếc chậu cây lớn hơn, chuyển chúng vào và bắt tay vào công việc làm giá đỡ cho chúng phát triển.

Bước 4: Tìm nơi nương tựa, chở che.

Giàn cho cây chanh leo không có gì đặc biệt và khác lạ so với các giàn bầu, giàn bí, giàn mướp… vẫn thường thấy. Tốt nhất để yên tâm về sự vững chắc thì nên làm giàn bám vào tường. Đan và kết những tấm lưới mắt cao lên trên tường để giúp cây có những mấu, cạnh để bám. Khoảng cách giữa các ô là khoảng 10 cm.


Có thể tưởng tượng cây thân leo như một… kiều nữ yếu đuối, cần sự nương tựa nơi một đại gia vững chắc (giàn leo).

Cây chanh dây có lá to, rộng bản, chia làm ba thùy có màu xanh non. Có tua cuốn nhỏ và có thể bám vào bất cứ chỗ nào. Nên cố định giàn leo bằng cách gắn các cành của chúng bằng dây để giúp gắn chặt dây leo vào giàn. Khi cây đã lên giàn cần tạo hình, tỉa cành thường xuyên, đặc biệt là tỉa bớt lá vào thời kỳ mùa mưa vừa để hạn chế nấm bệnh phát triển gây hại đồng thời nhằm ức chế sinh trưởng, giúp cho cây ra nhiều nụ, đậu nhiều trái. Khi tỉa cành cần chú ý: do cây phát triển nhanh sẽ làm cho các cành cạnh tranh nhau về ánh sáng, vây nên cần tỉa cắt các cành cấp 2, cấp 3 trên mặt giàn là tốt nhất.


Cành chanh dây từ từ bám theo giàn.

Bước 5: Nở đẹp lung linh rồi bất ngờ… phình trái.

Giai đoạn này cây cần độ ẩm cao, nên ít nhất phải tưới 2 ngày/lần, nhất là vào mùa khô thì cần tưới lượng nước nhiều hơn giúp cho cây ra chồi, ra hoa và đậu quả liên tục. Giai đoạn ra hoa – kết trái nếu thiếu nước sẽ làm rụng hoa, trái hoặc trái teo lại. Cũng có điều hơi… éo le là bộ rễ của loài cây này dễ bị tổn thương, tưới cây “nhiệt tình” quá  không những chẳng đem lại kết quả tốt mà còn làm cây thối rễ. Vì vậy việc thoát nước cho cây cũng cần được chú ý.

Từ lúc trồng cho tới lúc cây ra bông hoa đầu tiên thường sẽ từ 5-6 tháng. Ở vùng nhiệt đới gió mùa, cây thường ra hoa tập trung từ cuối mùa mưa. Hoa của cây chanh dây khá đẹp và thơm, đường kính khoảng từ 6 đếm 10cm, gồm có đài và nhụy hoa màu trắng và phần gốc hoa màu tím sẫm. Điều đặc biệt là cả hoa cái và hoa đực đều nằm cùng trên một bông, chúng sẽ tự thụ phấn cho chính mình.


Hoa của chanh dây nở khá đẹp.

Sau khi ra hoa được 1 tuần hoa sẽ héo và bắt đầu quá trình tạo quả. Quả non mới mọc có màu xanh non. Lúc này bạn cần chú ý đến việc tỉa bớt lá chỗ quả mọc để giúp chúng đón nhận ánh sáng giúp chúng chín nhanh hơn. Từ khi hoa trổ đến giai đoạn tạo quả rồi trái chín sẽ mất khoảng 60 – 90 ngày.


Trái cây khi còn non.


Khi chanh dây dần chuyển sang màu tím đậm là lúc có thể thu hoạch.

Quả của cây chanh leo khi chín có hai màu vàng và tím, nhưng hầu hết là màu tím. Quả tròn, đường kính  khoảng 5-7cm. Trung bình một giàn chanh dây cho khoảng từ 40 đến 50 trái trong một vụ. Tùy thuộc vào điều kiện khí hậu và chế độ chăm sóc, nếu “thăng hoa” nhất có thể thu hoạch đến gần trăm quả trong mỗi vụ.


Nếu chỉ mang tính chất trồng cho vui – không chuyên nghiệp, một vụ ra khoảng 30 trái cũng đã là rất đáng khen.

Cũng giống như những loại cây dây leo khác, cây này cũng gặp phải một số loại bệnh mà phổ biến nhất là bệnh đốm nâu. Các nhánh của cây sẽ có những đốm nho nhỏ có màu nâu. dần dần lan rộng và cành sẽ bị héo úa. Ngoài ra cây còn gặp phải một số bệnh như bệnh phấn trắng, bệnh thối quả… Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của sản phẩm để khắc phục những tình trạng này.

Bước 6: “Cực kỳ quan trọng” nhưng… có thể bỏ qua.

Sau khi đã mất nhiều công sức để trồng cây và gặt hái được vụ chanh dây mỹ mãn, không gì có thể ngăn cản được việc bạn quảng bá thành quả trên mạng xã hội. Đừng coi thường việc này, những lời khen – những cái “Like” sẽ giúp bạn thêm niềm hứng khởi, trào dâng sự quyết tâm để tiếp tục trồng nhiều vụ chanh dây tiếp theo đấy.

Bài: Tùng Cover, Darking
Ảnh: Homelife, GrowerinPots
logo


Xem thêm: Bí quyết trồng cây thanh long từ hạt


Bạn muốn chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc vườn tược, sắp xếp nhà cửa của mình? Hãy gửi tới chuyên mục Nhà/Vườn của Đẹp Online qua địa chỉ email: nhavuon@dep.com.vn



 


From the same category