Mỗi thời con người lại có những mối lo lắng khác nhau. Như thời chiến tranh, con người lo về bữa ăn mỗi ngày vì nguồn thực phẩm hạn hẹp, ăn hôm nay mà không biết ngày mai còn gì để ăn hay không. Thời hiện đại, khi thực phẩm ngập kín các chợ và siêu thị, người ta lại lo ăn vào…có bị làm sao không? Đó là một câu hỏi đáng quan tâm, khi mà thường xuyên có những thông tin trên báo chí về các loại hóa chất độc hại ẩn trong thực phẩm, các loại rau quả. Thậm chí một vài cửa hàng bán rau sạch nổi tiếng cũng có những bài báo nghi ngờ về việc sử dụng hóa chất không an toàn. Vậy nên tóm lại, tự mình trồng cây, trồng rau để ăn vẫn là tốt nhất. Nếu bạn thật sự “quyết tâm” muốn trồng cây, rau nhưng diện tích nhà lại có hạn, đừng lo, chúng ta có thể trồng dạng vườn đứng với… túi vải treo.
Trồng cây trong túi treo, giải pháp tuyệt vời cho ngôi nhà phố.
Trồng vườn đứng có ưu điểm lớn về việc tiết kiệm diện tích và tránh được những nguy cơ “trời ơi đất hỡi” từ các loại thú nuôi nghịch phá cây, rau. Trồng kiểu này vừa tận dụng được những khoảng tường trống, vừa là một cách trang trí hút mắt và thú vị.Với những ai thích sự đơn giản, dễ dàng, tốn ít chi phí thì trồng vườn đứng bằng túi vải treo quả thực là sự lựa chọn sáng suốt.
Túi vải – may hay mua?
Bạn có thể mua vải về hay tận dụng vải cũ để tự may một chiếc túi treo nhưng Đẹp Online khuyên tốt nhất là mua luôn loại túi có sẵn để đỡ tốn công sức. May một chiếc túi chuyên dụng để trồng cây, rau không hề đơn giản, phải đảm bảo những đường may và chỉ may đủ sức chắc chắn để chịu được sức nặng của đất, của cây. Hơn nữa chất vải cũng phải chịu được những tác động từ môi trường bên ngoài như nắng mưa trong một thời gian dài. Nếu vải không tốt, chỉ sau một mùa mưa thôi cũng có thể bị mục, thủng và đất từ túi sẽ rơi xuống. Loại vải thích hợp nhất cho túi vải treo là bằng chất liệu sợi Polyester.
Túi vải chất liệu sợi Polyester
Hiện có thể mua các loại túi trồng vườn đứng ở các cửa hàng bán dụng cụ làm vườn, hoặc đơn giản hơn là mua hàng giảm giá trên các trang deal, vốn đang bán khá phổ biến mặt hàng này. Tùy theo kích cỡ và chất liệu mà túi có giá thành khác nhau, giao động từ 150 – 300.000/VND. Với chi phí rẻ như vậy, việc mua một chiếc túi chuyên dụng có sẵn sẽ tiết kiệm thời gian và công sức rất nhiều cho bạn.
Sau khi tự may hay mua sẵn túi, hãy thử đổ nước đầy khoảng 1/2 túi kiểm tra mức độ thoát nước. Sẽ thật nguy hiểm cho cây nếu chiếc túi không thoát được nước hay thoát nước quá kém. Mỗi khi trời mưa thì nó sẽ trở thành “bể bơi” để cây của bạn đắm chìm trong làn nước mát rồi sau đó chết vì úng. Khi thấy túi không thể thoát nước, có thể chọc một số lỗ nhỏ đủ để nó vượt qua được những cơn mưa vừa là “bạn” vừa là… “thù” với cây.
Kiếm tra sự thoát nước sau khi may hoặc mua túi.
Bí quyết trồng cây túi treo
– Nên treo ở đâu?
Nếu bạn muốn trồng rau trong nhà, nên đặt vị trí túi treo ở ngay cạnh cửa sổ để cây dễ dàng hứng được ánh nắng mặt trời. Nhưng trồng trong nhà thường ít khi mang lại kết quả tốt nhất cho các loại cây, rau.Vậy nên để yên tâm hơn và có cơ sở mơ mộng về những “vụ mùa” xanh mướt, tươi tốt thì nên đặt vị trí túi ở ngoài vườn, trên sân thượng, nơi mà cây hoàn toàn được “giao lưu” thoải mái với nắng, mưa…
Trong ngôi nhà phố, lý tưởng nhất là treo túi trên sân thượng.
– Treo sao cho chắc?
Với những người lười thì câu hỏi này thường được trả lời gọn nhẹ là: “Đóng đinh xong treo lên là xong!”. Tuy nhiên không thể đảm bảo được với một vài chiếc đinh có thể “gánh trách nhiệm” nâng đỡ đến cả chục cây trong chiếc túi treo. Hãy bỏ chút thời gian để “công cuộc” trồng trọt tại nhà có phần chuyên nghiệp hơn bằng cách làm một thanh treo vững chãi. Tùy theo độ dài của chiếc túi vải treo mà lựa chọn độ cao làm thanh treo cho thích hợp. Sau khi đóng thanh treo vào tường, hãy gắn những chiếc móc một đầu vào thanh, đầu còn lại vào chiếc túi vải. Được “nương tựa” vào nơi chắc chắn, túi vải sẽ không bị gặp viễn cảnh rơi từ trên xuống, đất và cây “chia lìa” mỗi nơi mỗi ngả.
Chiếc túi treo “hững hờ” kiểu này rất khó để chống chịu qua mùa mưa bão.
Nên gia cố thêm bằng hệ thống thanh treo.
Thanh treo được móc vào túi sẽ làm chủ nhân yên tâm hơn về sự chắc chắn.
– Đổ đất, gieo hạt, tưới nước thế nào?
Đừng vì quá… thừa đất mà lấp kín đến cả miệng túi, đất sẽ rất dễ bị rơi vương vãi ra ngoài. Khi đổ đất hữu cơ vào thì chỉ cần cách miệng túi khoảng 3 – 4cm là đủ. Khoảng cách này vừa cho cây sinh trưởng và phát triển. Nếu bạn trồng loại cây, rau có rễ cần phát triển mạnh thì nên chọn loại túi có ngăn dài để chứa được nhiều đất hơn. Khi gieo hạt giống thì vùi hạt xuống đất khoảng từ 1-2 cm còn nếu trồng sẵn cây con thì cố gắng vùi rễ của chúng xuống sâu để dễ dàng hấp thụ chất dinh dưỡng từ đất.
Đổ đất vừa đủ để không làm đất tràn ra ngoài.
Không giống như việc trồng trong chậu cây có lỗ thoát nước dưới đáy, việc “tưới tắm” cho cây trong túi vải đòi hỏi bạn phải từ tốn hơn hẳn vì việc thoát nước của nó chậm hơn bình thường. Mỗi lần tưới nước thì lượng nước tưới ít hơn nhưng đòi hỏi phải tưới nhiều lần hơn so với trồng cây trong chậu.
Trồng cây trong túi cần lưu ý hơn mỗi lần tưới nước.
Lựa chọn cây, rau trồng
Nhìn chung, kiểu trồng cây trong túi vải thích hợp với hầu hết các loại cây, rau không đòi hỏi quá nhiều đất để phát triển bộ rễ vững chắc. Chiếc túi rất tuyệt cho những loại rau quả ngắn ngày phục vụ bữa ăn cho gia đình như rau muống, rau cải, mồng tơi, cà chua, ớt…v.v…
Ngoài việc dùng để trồng cây, rau phục vụ nhu cầu thực phẩm sạch thì cũng có thể áp dụng kiểu trồng này với những loại cây hay loại hoa chuyên dùng để trang trí nhà cửa.
Các loại rau quả ngắn ngày là thích hợp nhất trong việc trồng trong túi.
Khu vườn nhỏ xinh kết hợp cách trồng thường và trồng bằng túi treo trở thành một “thiên đường” rau sạch, giúp gia đình luôn yên tâm mỗi khi sử dụng.
Bài: Darking
Ảnh: GardenH & Greeninfo
Xem thêm: “Bí kíp” phải đọc nếu trồng cà chua