Từng nhìn cuộc sống qua “cửa sổ máy bay và những khách sạn ở nhiều thành phố xa lạ”, từ khi có con, thế giới của YouTuber Trị Nguyễn chỉ gói gọn trong căn nhà cùng vòng lặp làm việc, chăm con, nấu nướng, dọn dẹp. Làm bố là một trải nghiệm chưa bao giờ ngừng khiến Trị cảm thấy kỳ diệu, cho dù phải nói lời tạm biệt với rất nhiều thú vui của một người độc thân.
Khoảnh khắc nào khiến một chàng trai tự do nhận ra rằng mình đã sẵn sàng có con?
Tôi và vợ đều là những người thích sự an toàn, chắc chắn, trước khi làm gì đều chuẩn bị rất kỹ, nhất là vợ tôi (nhà sáng tạo nội dung Giang Ơi – PV). Câu hỏi “mình đã sẵn sàng chưa?” thực tế đã tồn tại trong gia đình tôi một thời gian dài trước khi chúng tôi chính thức có con. Từ lúc biết tin vợ có bầu đến trước khi con sinh ra, tôi vẫn sợ lắm (cười). Nhưng khi bế bé Mây trên tay thì tôi biết lúc này không sẵn sàng cũng phải sẵn sàng thôi.
Thay đổi lớn nhất của anh từ khi làm bố là gì?
Từ một người ưa dịch chuyển, giờ đây tôi chỉ dịch chuyển… trong nhà là chính, muốn ra ngoài cắt tóc cũng rất vất vả. Lúc Mây mới ra đời, tóc tôi dài quá gáy, cộng thêm sút cân, mặt hóp vào, nhìn khác lắm (cười).
Giờ anh đã quen với vai trò mới này chưa?
Thú thật là tôi vẫn chưa quen với công việc toàn thời gian này. Tôi là người thích khám phá những vùng đất mới, nhiều khi nghĩ về những nơi mình chưa được đi hoặc những việc mình chưa có cơ hội làm, tôi vẫn tưởng tượng một ngày nào đó cuộc sống trước đây của mình sẽ quay trở lại.
Tôi vốn dĩ có thể đối mặt với nhiều áp lực nhưng mỗi khi con khóc mãi không ngừng, tôi cảm nhận được rõ sự kiên nhẫn của mình đang bị thử thách. Tuy nhiên, tôi cũng tận hưởng việc con đang ở đây và lớn lên từng ngày, vì tôi biết mọi cột mốc thay đổi của con đều là những khoảnh khắc duy nhất không bao giờ có thể có lại.
Từng làm một vlog chia sẻ về yêu cầu công việc của một người bố tốt, dựa vào “JD” tự đưa ra, anh có thấy mình là một “nhân viên” tốt?
Tự nhận thì không dám, nhiều khi tôi không biết làm sao để tôi đủ tốt cho con. Như mọi ông bố khác, tôi cũng mắc lỗi, cũng lóng ngóng. Có những cột mốc con phát triển nhanh quá, tôi không theo kịp nên đã có một vài “tai nạn” nhỏ xảy ra, như làm con ngã chẳng hạn. Nhưng tôi biết chắc là mình đã cố gắng hết sức.
Trong nhà, anh và vợ chia sẻ công việc như thế nào?
Tôi và vợ chia ngày. Chủ nhật thì cả hai đều nghỉ để trông con. Thứ 2-4-6 tôi làm việc, thứ 3-5-7 thì vợ tôi làm việc. Chia vậy để cả hai đều cảm thấy có sự cân bằng, không ai bị thiệt, ai cũng được làm những công việc mình muốn.
Tất cả mọi việc từ kiếm tiền đến nấu ăn, dọn nhà, chăm con, tôi và vợ đều có thể đổi qua đổi lại vì hai người có kỹ năng khá tương đồng. Tuy vậy, có những việc chỉ một người làm thôi, người kia cũng làm được nhưng không khéo bằng hoặc không muốn làm. Ví dụ như thay tã, tôi có thể làm được nhưng vợ tôi sẽ khéo hơn. Những lúc đó nhiệm vụ của tôi là làm trò, đánh lạc hướng con. May vá, giặt giũ thì tôi không được động vào, bù lại những gì liên quan đến công nghệ hoặc sửa chữa thì tôi sẽ đảm nhận. Đó là những sự phân công rõ ràng theo sở thích và khả năng.
Ai theo dõi anh đều biết anh giỏi chăm con, giỏi nấu nướng, giỏi làm việc nhà, điều rất hiếm gặp ở đàn ông, đặc biệt là đàn ông Việt Nam. Điều gì đã tạo nên con người anh của hiện tại?
Bố mẹ tôi có 4 người con, tôi là con thứ ba. Khi tôi còn nhỏ, mẹ gửi tôi xuống nhà ông bà ngoại. Ông bà thương nên giữ tôi lại và nuôi đến lớn. Tôi không trách ba mẹ vì cùng một lúc phải san sẻ tình thương cho 4 đứa con. Nhưng cũng chính từ đó, trong tôi có một suy nghĩ là nếu có gia đình, chắc chắn tôi sẽ dành nhiều thời gian cho vợ và con mình.
Nhiều người quan niệm đàn ông nên ra ngoài kiếm tiền thay vì ở nhà làm những công việc của phụ nữ, anh nghĩ thế nào?
Những việc tôi làm như nấu ăn, dọn dẹp có thể nhiều người thấy đó không phải việc dành cho đàn ông. Tôi cũng từng thấy nhiều bình luận trên mạng nói tôi… không đáng mặt đàn ông. Nhưng tôi nghĩ nếu đi làm nhiều quá thì thời gian đâu để nhìn con lớn lên từng ngày? Hiện tại tôi ở nhà, vừa nấu ăn vừa trông con mà vẫn có thể kiếm ra tiền không thua gì những người đi làm ở ngoài. Vợ tôi cũng vậy, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc với điều đó.
Xung quanh anh có nhiều người đàn ông sẵn sàng vào bếp và thay tã cho con như anh không?
Hàng xóm và bạn bè xung quanh tôi đều có cuộc sống tương đồng với tôi. Có những người còn chăm chỉ hơn, nấu ăn giỏi hơn và giữ nhà cửa gọn gàng hơn tôi nhiều.
Vợ chồng tôi nhìn vậy thôi chứ cũng có nhiều lúc bừa bộn, không phải khi nào nhà cửa cũng sạch sẽ tinh tươm như trên video. Vì tôn trọng khán giả nên khi lên video tôi phải dọn nhà một chút. Nhưng tôi cũng không ngại cho mọi người thấy sự bề bộn của mình để mọi người bớt áp lực về một cuộc sống hoàn hảo mà họ nghĩ là tôi đang có.
Hai vợ chồng và một con nhỏ, anh có cần thêm sự trợ giúp từ người ngoài không?
Chúng tôi từng thuê người giúp việc nhưng sau vài ngày lại tự quyết định trông con. Không phải vì người ta không tốt hay thiếu chuyên nghiệp, mà cá nhân tôi cảm thấy không ổn. Khi con ở cùng một người, con sẽ có xu hướng học và bắt chước người đó. Tôi thì muốn con bắt chước ngữ điệu, cách sử dụng từ ngữ của tôi, vậy nên cách duy nhất là tôi dành thời gian cho con thôi.
Một ngày làm bố của anh diễn ra như thế nào?
Vào ngày phụ trách trông con, tôi thường dậy lúc 7 giờ, bế con rồi làm đồ ăn sáng cho cả nhà. Nấu ăn dặm cho con là một phạm trù rất mới, cách nấu không cần nhiều gia vị, dầu mỡ nhưng phải đủ sáng tạo để con muốn ăn. Đó là bài toán mà mỗi sáng tôi đều phải đau đầu nghĩ. Cho con ăn xong, tôi dọn dẹp, chơi với con, rồi khi con ngủ lại tranh thủ chuẩn bị bữa trưa. Buổi tối nấu cơm hoặc cả nhà có thể ra ngoài ăn. Cứ thế kết thúc một ngày, và lặp lại.
Đâu là đặc quyền của đàn ông độc thân?
Không trách nhiệm, nhiều tự do. Và vui.
Còn đặc quyền của đàn ông đã có gia đình?
Có sự chắc chắn, an toàn và mục tiêu phấn đấu rõ ràng.
Anh thích nhất điều gì khi làm bố?
Thấy con lớn lên với sự kết hợp hài hòa giữa tôi và vợ. Con cho tôi cơ hội được một lần nữa học về thế giới này.
Còn thời gian cho bản thân thì sao?
Thật ra tính chất công việc của tôi không phải lúc nào cũng cần ngồi làm. Những lúc thư thả, tôi vẫn đi cắt tóc, trồng cây… Con càng lớn tôi càng có nhiều thời gian cho bản thân. Tôi vẫn giữ những thói quen từ trước như tập thể dục, ăn uống đúng giờ vì tôi quan niệm mình muốn dạy con cái gì thì phải làm tấm gương trước. Những lúc cần gặp bạn bè tôi vẫn có thể sắp xếp.
Anh từng chia sẻ rằng vợ và con là hai điểm yếu lớn trong cuộc đời một người đàn ông. Vì sao lại thế?
Có chuyện này ba vợ từng kể tôi nghe: ngày xưa nhà ba mẹ vợ có một chiếc cầu thang hướng ra cửa, mỗi khi ba dắt xe ra khỏi nhà, thấy con gái ngồi ở cầu thang nhìn mình, nhiêu đó cũng khiến ba phải dắt xe vào lại, ôm con gái thêm một lúc rồi mới đi được.
Tôi cũng tưởng tượng nếu tôi đang hí hửng xách giày đi đá bóng mà thấy con ngồi ngay cầu thang thì tôi cất giày luôn chứ đi làm sao được. Tôi thấy thật lạ là mình đã gạt bỏ đi khá nhiều thú vui để dành thời gian cho vợ con. Hoặc khi kiếm ra tiền, tôi cũng nghĩ tiền này mình sẽ đầu tư như thế nào để con có được sự giáo dục tốt và cuộc sống vợ chồng sau này được ổn định. Mỗi khi nhìn vào hai “điểm yếu” này, tôi lại có động lực hơn.
MEN WE LOVE
Đẹp trò chuyện cùng năm trong số những người đàn ông có thành tựu sự nghiệp nổi bật nhất trong năm 2022 theo đánh giá của chúng tôi và khám phá được những khía cạnh bất ngờ về mỗi người, dù rằng với
số đông, họ đều là những nhân vật đã vô cùng quen thuộc.
Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy – Sản xuất: Hellos.
Đọc thêm bài cùng chuyên đề:
– Tùng Dương: Tôi tàn nhẫn và không chung thủy với chính mình
– Nghệ sĩ Hà Lê: “Tôi đang ở một nơi tốt hơn”
– Chef Hoàng Tùng: “Cuộc đời tôi luôn về đúng quỹ đạo khi cần thiết”
– Hoàng Rob: Kẻ mộng mơ đã thôi mơ mộng
– Trị Nguyễn: Nghề làm bố “full-time”