“Nghệ sĩ thực ra chỉ là một cánh cửa để cho năng lượng sáng tạo huyền bí của vũ trụ đi qua và hiện hữu qua tác phẩm” – Joseph Boyle, nghệ sĩ Conceptual Art người Đức đã tuyên bố như thế, khi cảm giác tác phẩm hội họa của ông phải cần những hình thái mới. Với âm nhạc thì có vẻ như tuyên ngôn này của ông thật vừa vặn và đúng nghĩa với nó. Bởi âm nhạc là thứ ngôn ngữ bản năng trừu tượng và chảy qua người nghệ sĩ miên man nhất. Tôi nghe nhạc của Trí Minh và cứ luôn liên tưởng tới cảm giác này.
Có điều gì đó cứ miên man, lấp lánh và lăn tăn qua giai điệu nhạc của Trí Minh. Rồi những suy tư nhẹ nhàng day dứt mang âm hưởng dân gian trôi qua các thiết bị điện tử của Trí Minh hiện hữu ra ngoài. Tất cả âm thanh đó nhúng ta và cảm giác ảo vọng vào một khoảng không mơ mộng đầy cảm tính. Cái bồng bềnh mơ hồ ấy được tạo bởi các thiết bị nhạc điện tử và nó luôn phá bỏ các suy nghĩ thủ cựu của tôi về âm nhạc truyền thống.
Trí Minh có lẽ là một trong số ít nghệ sĩ khởi dựng con đường âm nhạc của mình bằng loại hình âm nhạc điện tử ở Việt Nam. Trong xu hướng phát triển âm nhạc điện tử từ Châu Âu thập niên 90, Trí Minh từ một nhạc sĩ được đào tạo rất cơ bản và truyền thống từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã từng bước bền bỉ tiếp cận một hình thái mới của âm nhạc thế giới. Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống âm nhạc (bố là nhạc sĩ Thuận Yến, mẹ là nghệ sĩ đàn thập lục Thanh Hương, chị là diva Thanh Lam), Trí Minh chẳng cần cố gắng với âm nhạc, nó đương nhiên là đời sống hàng ngày của chính anh. Nhưng sự chống lại, tìm mới và kiên định theo đuổi con đường âm nhạc của mình lại chính là điều khó khăn nhất với anh. Vượt ra khỏi trường ảnh hưởng lớn của Gia đình Âm nhạc không gì bằng chính sự chân thật với chính mình và với thời đại của mình. Trí Minh đã hiểu như thế, ít nhất với các hình thái âm nhạc mới mà mình theo đuổi và phát triển.
Năm 2004, Trí Minh đã có những sáng tác theo khuynh hướng nhạc điện tử qua một số ca khúc mang âm hưởng ambient với lời thơ mộng và rất “đời” như bản “Cô gái tóc vàng mắt xanh”, “Hà Nội buổi sáng”, “Chuyện tình Hà Nội” – tất cả được tuyển lựa và phát hành trong album “Hà Nội love story” như một dấu ấn đầu tiên của dòng nhạc electronic tại Việt Nam. Cùng với sự ra đời của album này, Trí Minh đã phát triển văn hóa của chính dòng nhạc này tới đại chúng người nghe ở Việt Nam. Các buổi biểu diễn nhạc điện tử có trình chiếu Vj video như một nét mới mẻ và thời thượng, đẩy cao thái độ tương tác của nghệ sĩ và các loại hình nghệ thuật khác đối với công chúng nghe nhạc.
Trí Minh với thái độ kiên trì và nhiệt huyết của chính mình đã bền bỉ thay đổi nhận thức của người nghe Việt Nam đối với nhạc điện tử, mang lại sự minh chứng đầy lãng mạn cho các công cụ máy móc mà anh sử dụng để chơi nhạc. Tinh thần đó đã lan rộng sang nhiều nghệ sĩ và các bạn trẻ khác. Một xu hướng nhạc điện tử ra đời vào thời điểm đó, các nghệ sĩ trẻ đã tôn vinh Trí Minh là người đầu tiên với sự dũng cảm đầy tài năng đưa một nét mới mẻ vào âm nhạc đương thời. Anh trở thành đại diện quan trọng nhất của Việt Nam cho xu hướng âm nhạc này khi tham gia hoạt động Âm nhạc của quốc tế ở các festival tại Vienna (Áo), Festival C/O pop tại Cologne (Đức).
Từ năm 2008 tới 2011, Trí Minh đã tổ chức 7 liên hoan âm nhạc điện tử quốc tế Hanoi Sound Stuff như một hoạt động thường niên cuốn hút nhất của âm nhạc đương đại Việt Nam, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như Robert Henke, Alva Noto Time Exile, Dickson Dee… đã trình diễn ở những festival này. Có thể coi Hanoi Sound Stuff là hoạt động có tính sáng tạo thử nghiệm lớn nhất cho nghệ thuật Việt Nam, khi có tới 60 đoàn nghệ sĩ âm nhạc điện tử và các loại hình có liên quan tới trình diễn, sự đa dạng sắc màu và tính tự do sáng tạo của cuộc giao lưu nghệ thuật ấy đã là tiền đề cho rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam tham khảo và hòa chung vào xu hướng sáng tạo mới. Trí Minh đã trở thành cái tên đầu tiên để gây sự chú ý của quốc tế tới hoạt động âm nhạc điện tử đương đại của Việt Nam.
Say mê hơi thở cuộc sống ở chính quê hương mình, Trí Minh đã phát triển cho riêng mình những nét chấm phá đầy chất dân gian đương đại, kết hợp này tạo nên hướng đi dài ăm ắp xúc cảm cho âm nhạc của anh. Ca trù và các làn điệu dân ca thẫm đầy trong âm hưởng các bản thu mới nhất của anh, các dải giai điệu lững lờ buông đầy sang trọng pha trộn nét lấp lánh tươi trẻ mang tới cảm giác thanh thản và giản dị lạ kỳ.
Khác với chính vẻ lãng mạn của mình trong giai điệu hay màu sắc âm nhạc, Trí Minh ở ngoài là một người đàn ông lạ lùng và sành điệu. Luôn thời trang đầy màu sắc kiểu hippie, người ta có thể nhận ra Trí Minh trong dáng vẻ thời thượng và đỏm dáng, đôi lúc là sặc sỡ. Trí Minh luôn rơi vào khoảng trống ở một không gian nào đó khi trò chuyện. Cứ thể như một cái máy bay hiện đại đi qua vùng trời trong xanh sặc sỡ và bị tụt vào khối mây hẫng nhẹ.
Ở Trí Minh có quãng lạ lùng nào đó rất lý trí, lên kế hoạch mọi thứ nhưng rồi lại ngất ngơ chơi nhạc miên man quên hết. Nó cứ gây cảm giác khó hiểu với ai đối diện người nghệ sĩ này. Thân thiện và xa cách đấy, nhưng sâu bên trong lại đầy cảm tính, đôi lúc là lãng mạn vang lên cùng sự trong sáng của âm thanh. Những lúc đó tôi cứ nghĩ Trí Minh thực ra là một cánh cửa để cho âm thanh của không gian nào đó mượn anh và qua những thiết bị dưới tay anh, trước mặt anh, chảy âm thầm trong các đường dây dẫn hiện hữu vang lên. Cứ kỳ lạ bền bỉ như thế, không biết Trí Minh khi nhìn lại quãng dài đó có thấy mình thực sự làm được quá nhiều cho âm nhạc Việt Nam – cho dù đó là cuộc dấn thân đơn độc đầy màu sắc và hào nhoáng?!
Trí Minh là nghệ danh của nghệ sĩ Đoàn Hữu Thắng, nhưng Trí Minh có thể cũng là một tính từ để biểu hiện sự phức tạp lãng mạn và bền bỉ với tinh thần trong sáng trong âm nhạc. Tôi nghĩ thế là quá đủ với một nghệ sĩ sáng tạo và đầy đam mê.