“TẾT Ở ĐÂU, NHÀ Ở ĐÓ”
Câu chuyện “Tết – đi hay ở” một lần nữa lại được đặt lên “bàn cân” trên mạng xã hội và tất nhiên, đó là một câu chuyện không có hồi kết. Tuổi trẻ, ai cũng vậy, luôn muốn bản thân được trải nghiệm, được đặt chân đến nhiều vùng đất mới. Để thấy được thế giới rộng lớn còn mình thì nhỏ bé như thế nào, và để thấy mình trưởng thành hơn sau mỗi chuyến đi.
Nhưng rồi họ chợt nhận ra một điều, càng đi xa họ lại càng “thèm” phút giây đoàn viên, sum họp bên gia đình. Từ cảm hứng trên, Đẹp đã mời những travel blogger nổi tiếng và những người con sống xa quê hương nói lên suy nghĩ của họ về việc “Tết – Đi hay ở”. Và Đẹp nghiệm ra được điểm chung giữa những bạn trẻ có máu “phiêu lưu” này: Dù họ có ở nơi nào xa lạ trên trái đất “Chỉ cần tâm an thì nhà ở đâu, Tết ở đó.”
Tổ chức sản xuất: Huyền Lê – Thực hiện: Trung Phạm – Huyền Phạm
Đọc thêm
– Tâm Bùi:”Tôi không muốn mình lẻ loi ngày Tết”
– “Phượt thủ” Hoàng Lê Giang: “Ngày nào cũng quan trọng, không nhất thiết phải đợi đến Tết”
Cái Tết đầu tiên mà tôi xa nhà lại không phải là một chuyến đi. Đó là một cái Tết gặm nhấm nỗi nhớ quê hương khi tôi đang du học tại Hua Hin, Thái Lan.
Năm ấy, tôi cùng các du học sinh Việt Nam khác đứng ra tổ chức đón giao thừa cho những sinh viên đồng hương đang theo học tại Webster University Thailand. Sau khi giao thừa qua đi, buổi tiệc kết thúc, tôi ngồi một mình ở góc bãi biển đêm Hua Hin, cảm xúc tuột xuống đến bất ngờ.
Cái Tết đầu tiên xa nhà quả không dễ chịu chút nào với một cậu thanh niên trẻ. Dù có bạn bè xung quanh, dù cộng đồng sinh viên Việt Nam ở Hua Hin cũng có bánh chưng, bánh tét, các bạn nữ cũng mặc áo dài đến trường ngày Tết nhưng không thể nào sum vầy bằng gia đình.
Khi ấy, tôi mới cảm thấy thật sự trân trọng những khoảnh khắc đoàn viên, cả nhà quây quần bên mâm cơm Tất niên ấm áp, cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện năm cũ và hy vọng vào một năm mới sung túc, an lành.
7 năm ở Thái, cũng là 7 lần đón Tết Songkran với người bản địa nên tôi rất ấn tượng với cái Tết ở đây. Có cả những cái Tết Songkran yên bình, có cả những cái Tết Songkran đầy xung đột và chết chóc, khi mà tôi phải lăn lộn ngoài đường phố để chụp ảnh và ghi nhận tình hình với tư cách là một phóng viên.
Dù chuyện gì đã xảy ra, tôi vẫn ấn tượng với Songkran bởi ở đó tôi đã học được nhiều điều từ một nền văn hóa khác biệt và đậm chất truyền thống ở một quốc gia láng giềng.
Tết đi chơi hay ở nhà, bản thân tôi cho rằng đây không phải là vấn đề đáng đem ra bàn cãi vì mỗi người một hoàn cảnh và đam mê khác nhau. Riêng tôi, Tết nào tôi cũng đi du lịch cùng với gia đình. Có những người chọn đi chơi cùng bạn bè hoặc đi một mình xuyên Tết. Tôi nghĩ họ có lý do của họ.
Vả lại, chuyện du lịch hay đi khám phá nhiều khi là cái duyên, là cơ hội chứ không phải chuyện rập khuôn theo một chuẩn mực nào. Tôi nghĩ những người đã đam mê du lịch rồi thì họ cũng không thích sự rập khuôn như vậy đâu. Quan trọng là những ngày còn lại trong năm bạn đối xử với gia đình mình như thế nào.
Tên: Trần Việt Phương (Travip). Tuổi: 36
– Lần đầu tiên đi du lịch nước ngoài: 2003 tại đất nước Thái Lan
– Đã đến: 22 quốc gia và vùng lãnh thổ
– Quốc gia ấn tượng nhất: Nga
– Hành trang không thể thiếu: Máy ảnh
– Nói gì về Việt Nam khi gặp bạn bè quốc tế: Khi nào đi Việt Nam nhớ báo trước, tôi sẽ dẫn bạn đi nhiều nơi đẹp bất ngờ
– Chuyến đi khiến mình hạnh phúc: Ấn Độ và Nepal.
– Bộ phim/cuốn sách truyền cảm hứng lên đường: “Bác sĩ Ai-bô-lít”, “Cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn”, “Chuyện ngụ ngôn Lev Tolstoi”, “Chuyện cổ tích Ấn Độ”,…