Tránh đổi mới liên tục nhưng chắp vá - Tạp chí Đẹp

Tránh đổi mới liên tục nhưng chắp vá

Tin Tức

Để chữa trị khuyết tật này, GS Hoàng Tụy cho rằng phải đụng đến tất cả ngõ ngách của giáo dục và chữa trị tận gốc.

/Uploaded/ledl/2012_10_15/1258541245.nv.gif

Nhiều nhà giáo dục đề nghị cần phải có một cuộc cải cách giáo dục thật sự chứ không chỉ là những đổi mới vụn vặt.

Nói một cách khác, cần một cuộc cải cách thật sự. Đây cũng là quan điểm kiên định của ông suốt hơn một thập kỷ qua. GS Hoàng Tụy nói:

– Giáo dục là một hệ thống phức tạp theo nghĩa khoa học của từ này, cần phải tiếp cận và đối xử như một hệ thống phức tạp. Có nghĩa khi hệ thống đó lâm vào khủng hoảng trầm trọng, triền miên thì muốn cứu nó, phải tìm cho ra căn bệnh là gốc đang tàn phá, ngấm ngầm nhưng khốc liệt mới mong chữa chạy và mở ra con đường cho nó được. Từ 15 năm nay, nhiều người đã liên tục cảnh báo giáo dục của ta không chỉ lạc hậu (điều đó ai cũng nhìn thấy), mà nguy hiểm hơn là đang đi lạc hướng xa rời con đường chung của nhân loại, phát triển lạc điệu so với thế giới văn minh.

– Như vậy, theo GS, những cố gắng thời gian qua không đem lại thành quả mới nào? Những năm qua trường học các cấp nhìn từ bề ngoài vẫn phát triển, nhiều thế hệ học sinh được đào tạo, trong đó có những học sinh trình độ tốt?

– Tôi không phủ nhận tất cả những cố gắng của ngành GD-ĐT. Nhưng phải nói rằng trong bối cảnh giáo dục đang đi sai đường, lún sâu vào sự lạc hậu, yếu kém thì việc giữ được thành quả nhất định như thời gian qua không phải thành tích của nhà quản lý mà là công sức của giáo giới cả nước.

– Năm 2004, GS đã đại diện cho 24 GS trong và ngoài nước kêu gọi một cuộc chấn hưng giáo dục. Hiện nay, Bộ GD-ĐT và Ban Tuyên giáo trung ương lại đang trình đề án đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện. Theo GS, đề án đổi mới này có đi theo đề nghị của GS và nhiều nhà giáo dục khác đã kiến nghị trong thời gian qua không?

– Với thực trạng giáo dục hiện nay, cần phải có một cuộc cải cách nghiêm chỉnh chứ không nên cải tiến, cải lùi, đổi mới liên tục nhưng vụn vặt, chắp vá, không thể điều chỉnh cục bộ qua cơ chế phản hồi. Với cách như đã và đang làm chỉ khiến tình hình rối ren, tồi tệ hơn, chỉ thêm tốn kém tiền của, công sức của dân mà rốt cuộc lại về điểm xuất phát. Điển hình như cái vòng xoay trong việc chống tiêu cực thi cử, chống bệnh thành tích ấy. Cứ chống, cứ phát động hết phong trào này đến phong trào khác, nhưng bệnh chạy theo thành tích ảo, tiêu cực thi cử vẫn nặng nề.

– Vậy theo GS, một cuộc cải cách hay chấn hưng giáo dục cần bắt đầu từ đâu?

– Theo tôi, lối ra duy nhất bây giờ là cải tạo cấu trúc, xây dựng lại từ gốc, thay đổi cả thiết kế hệ thống. Nói cách khác phải thực hiện những biến đổi có tính cách mạng, theo cách nói của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi khẳng định khuyết tật cấu trúc, cái lỗi thiết kế hệ thống của giáo dục là nguyên nhân sâu xa mà từ đó đẻ ra khó khăn, vấp váp. Để thiết kế lại cấu trúc, trước tiên phải nghiên cứu và thay đổi triết lý giáo dục, thay đổi tư duy, quan niệm cơ bản về mục tiêu, đường lối, cung cách làm giáo dục. Nói ngắn gọn như chúng ta thường nói, nhà trường không thể chỉ dạy chữ, dạy kiến thức mà còn phải dạy người.

Thực tế xưa nay nhà trường nào cũng làm như thế cả, dù gián tiếp hay trực tiếp, dù có ý thức hay vô ý thức. Cái khác nhau chỉ ở nội dung và cách dạy người. Dạy thanh thiếu niên thành người như thế nào, đó là chỗ khác cơ bản giữa nhà trường lạc hậu và nhà trường hiện đại, tiên tiến. Có triết lý giáo dục rồi thì mới thiết kế cấu trúc, thay đổi chương trình, phương pháp dạy học, thi cử và nhiều vấn đề khác.

– Khi nói đến sự giả dối trong ngành GD-ĐT, phải chăng điều này cũng phải song hành giải quyết trong quá trình cải cách mà GS đang đặt ra?

– Giả dối chỉ là một trong những biểu hiện rõ nét nhất cái yếu kém của nền giáo dục hiện nay. Nhưng để giải quyết thì vẫn phải đi từ gốc rễ. Gốc rễ mà tôi nói đến ngoài triết lý giáo dục, cấu trúc nền giáo dục, còn có những đường lối, chính sách vĩ mô, vi mô khác nhau phải được thay đổi hoàn toàn. Trong đó, việc phải song hành thực hiện với những điều tôi đã nói ở trên là chính sách đối với nhà giáo. Tất cả những bất cập liên quan đến chất lượng, phẩm chất đạo đức giáo viên đều do những khuyết tật sinh ra từ gốc gây nên.

– Những vấn đề trong bản đề cương cải cách giáo dục vừa được GS gửi lên trung ương đã là toàn bộ “gốc rễ” cần cải cách để xây lại nền tảng giáo dục chưa?

– Trong bản đề cương đã được chỉnh sửa, tôi rút ngắn lại chỉ trình bày bốn vấn đề mà tôi thấy là then chốt: cải thiện chính sách đối với người thầy, cải cách hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề, thay đổi căn bản cung cách học và thi, đổi mới giáo dục đại học theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế… Nhưng để thực hiện cuộc cải cách này, sẽ còn nhiều vấn đề lớn phải quan tâm. Ví dụ ở các bậc học cao cần xây dựng các đại học nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu và đào tạo xuất sắc, chấn chỉnh tiêu cực trong các vấn đề đại học tư thục, xã hội hóa, thương mại hóa giáo dục vô nguyên tắc, cải tổ quản lý để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của quốc gia…

– Theo GS, để thực hiện cải cách nên làm theo cách nào để không lặp lại vết xe đổ của sự đổi mới vụn vặt, chắp vá?

– Cải cách giáo dục phải kiên quyết, khẩn trương nhưng không vội vã. Sau khi trung ương, Quốc hội thảo luận và thông qua đề cương cải cách nêu lên phương hướng chính cùng với những khâu mấu chốt cần giải quyết trong cải cách, cần thành lập Ủy ban quốc gia chỉ đạo cải cách giáo dục, bao gồm những người có năng lực và tâm huyết, vừa có tầm nhìn, vừa thật sự quan tâm đến giáo dục. Ủy ban này sẽ vạch ra lộ trình và kế hoạch thực hiện cụ thể để có thể hoàn tất công cuộc cải cách sau khoảng một thập kỷ.

– Với một lộ trình dài như thế, theo GS, điều gì cần cấp bách làm ngay trong thời gian tới?

– Để thực hiện cải cách ở những khâu cấp bách, phải tổ chức nghiên cứu những vấn đề cụ thể như chương trình – sách giáo khoa cho các cấp phổ thông, phương pháp giảng dạy cho các cấp, đổi mới thi cử… theo quan điểm tư duy mới. Tình hình đất nước hiện nay còn nhiều khó khăn, nhưng khó khăn hiện nay cũng là thời cơ để giáo dục lột xác, từ một kiểu giáo dục nặng tính giáo điều, lạc hậu, tiến lên nền giáo dục lành mạnh, trung thực, hiện đại.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến (nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD-ĐT): Cần phối hợp hành động

Cần phải có sự phối hợp hành động để mô hình mong muốn của giáo dục phổ thông được thực thi và triển khai trong toàn hệ thống. Muốn vậy điểm quan trọng đầu tiên có tính quyết định là cần có sự phân tích, tranh luận, trao đổi để đi tới nhận thức thống nhất về các yêu cầu đối với giáo dục phổ thông trong tương lai và sự cần thiết phải chuyển từ mô hình hiện nay sang mô hình mới. Sự thay đổi nhận thức này không chỉ giới hạn trong ngành giáo dục mà phải mở rộng ra toàn xã hội.

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: Tổng điều tra để đánh giá khách quan

Mặc dù dư luận xã hội cũng khá thống nhất trong việc đánh giá một số yếu kém của giáo dục cần khắc phục, nhưng tôi vẫn đồng ý với việc để có cơ sở vững chắc cho một đánh giá khách quan cần có một cuộc tổng điều tra toàn diện, khoa học với quy mô thích hợp. Ủy ban cải cách giáo dục cần được thành lập sớm với tinh thần thật sự cầu thị, có cơ chế để tranh thủ nhiều ý kiến của đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học và nhà quản lý có kinh nghiệm nghề nghiệp, có tâm huyết. Tổ chức này nên chăng là một tổ chức có quyền lực để thực thi nhiệm vụ được giao.

Khẩn trương nhưng phải bài bản

Thay đổi căn bản, toàn diện một nền giáo dục là công trình lớn của quốc gia không thể làm vài năm mà xong. Tình thế bức thiết phải khẩn trương nhưng lại phải căn cơ, bài bản, không thể riêng một mình ngành giáo dục làm nổi.

Theo chúng tôi, trung ương cần bàn và ra nghị quyết, xác định mục tiêu, yêu cầu và những vấn đề trọng tâm cần tập trung để nền giáo dục thật sự đổi mới căn bản, toàn diện. Trong đó, việc quan trọng là thành lập một tổ chức làm nhiệm vụ xây dựng đề án tổng thể, nếu được ra phương pháp và lộ trình để trình trung ương và Quốc hội. Tổ chức này có thể là một ủy ban do người đứng đầu Nhà nước làm chủ tịch, gồm các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước am hiểu, có kinh nghiệm giáo dục liên quan đến các cuộc cải cách giáo dục của các nước. Bộ GD-ĐT có vai trò quan trọng trong hoạt động của ủy ban này, nhưng cần chấn chỉnh, kiện toàn đổi mới thật sự về năng lực và cung cách quản lý. Với cơ quan tham mưu của trung ương về công tác giáo dục, cụ thể là bộ phận khoa giáo (trong Ban Tuyên giáo trung ương) cần tăng cường đủ sức và đủ điều kiện giúp trung ương.

Bà Nguyễn Thị Bình (nguyên phó chủ tịch nước)

Đề nghị thành lập ủy ban quốc gia về cải cách giáo dục

Đã có nhiều ý kiến, kiến nghị có luận cứ rõ ràng, thuyết phục, nhưng tất cả đều chỉ có giá trị tham khảo chứ chưa có giá trị thực tiễn có thể áp dụng ngay được. Lý do là chưa có kết quả của một cuộc tổng điều tra để có các dữ liệu xác đáng tin cậy làm cơ sở soạn thảo đề án cải cách giáo dục. Đề án cải cách giáo dục chỉ có thể được soạn thảo bởi một ủy ban chuyên trách bao gồm các hội đồng chuyên gia rất giỏi và uy tín trong từng lĩnh vực giáo dục. Tôi kiến nghị cần quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về cải cách giáo dục độc lập với Bộ GD-ĐT để thực hiện nhiệm vụ: tổ chức tiến hành cuộc tổng điều tra giáo dục trong năm 2013; tổ chức soạn thảo đề án tổng thể về cải cách giáo dục trong năm 2014 để trình Chính phủ và Quốc hội thông qua và tổ chức thực hiện từ năm 2015; từ nay đến khi có đề án tổng thể về cải cách giáo dục, không tiến hành bất cứ một đề án đổi mới hoặc dự án luật giáo dục mới nào do Bộ GD-ĐT đề xuất.

GS.TS Chu Hảo

Theo Tuổi trẻ

Thực hiện: depweb

15/10/2012, 07:49