Gia đình ngăn cản khi quyết định về Việt Nam
Từng làm các vị trí điều hành hoạt động marketing tại NhomMua và Tiki.vn, giờ đây Trần Lâm đang khởi nghiệp một lần nữa với dự án WisePass, được anh thành lập cùng với một người bạn từ năm 2014 tới nay. Anh cũng đã mua nhà và lấy vợ tại Việt Nam, chọn đây làm nơi an cư lạc nghiệp lâu dài. Trần Lâm đã có dịp ngồi xuống cùng trò chuyện với TTVH & Đàn Ông về hành trình mà anh đã đi qua và những kế hoạch đầy tham vọng sắp tới của mình.
– Điều gì đã thôi thúc anh khởi nghiệp ở Việt Nam sau nhiều năm rong ruổi khắp thế giới?
Tôi chọn Việt Nam làm nơi để bắt đầu, vì chưa ai khác từng làm như thế. Về cơ bản, đó là một thách thức: Liệu có thể thành lập một công ty công nghệ tại một nước đang phát triển như Việt Nam, đưa nó ra khắp toàn cầu, và đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD? Tôi hy vọng rằng mình có thể làm được điều đó. Đó là động lực thôi thúc tôi thức dậy mỗi sáng, làm việc hết mình, và suy nghĩ cách để không ngừng cải tiến sản phẩm.
– Có nhiều người Việt Nam than phiền về việc thiếu cơ hội kinh doanh ở trong nước, nhưng nhiều người nước ngoài thì lại vô cùng hào hứng tìm kiếm cơ hội mới ở đây. Nghịch lý này theo anh là từ đâu?
Đây là chuyện xảy ra ở gần như mọi nước khác trên thế giới. Ở đâu người dân cũng than phiền về luật lệ của nước mình. Ở Pháp thì nhiều người than phiền về thuế, ở Việt Nam cũng có vấn đề khác. Đó không phải là hiện tượng quá khác thường. Với cái nhìn của riêng tôi thì hiện nay Việt Nam có mức tăng trưởng GDP tốt, nhưng không phải ai cũng được hưởng lợi đồng đều từ sự tăng trưởng đó.
Việc hành xử như thế nào, tiêu cực hay tích cực, là tùy vào cái nhìn của mỗi người. Theo cá nhân tôi, thì những người từ nước ngoài sẽ lạc quan vì họ biết một thứ gì đó rất hữu dụng, chẳng hạn như trường hợp tập đoàn Rocket Internet (Đức) tới Đông Nam Á để xây dựng nên những công ty thương mại điện tử như Lazada hay Zalora. Họ có tầm nhìn rõ ràng, và lạc quan về triển vọng của khu vực này. Tôi còn nhớ vào năm 2012, chúng tôi thấy họ tới đây và đặt câu hỏi rằng họ đang làm gì thế này. Chỉ sau 4-5 năm, họ vươn lên vị trí số 1 khu vực và Lazada được Alibaba mua lại với cái giá 1 tỷ USD. Họ đã thua lỗ rất nhiều lúc ban đầu, và bây giờ vẫn thế nhưng họ có tầm nhìn rõ ràng. Họ lạc quan vì biết mình đang làm gì.
– Gia đình anh đã nói gì về quyết định làm việc lâu dài tại Việt Nam của anh?
Thực ra, gia đình tôi chẳng vui vẻ gì lắm đâu, vì lo rằng có quá nhiều rủi ro và thị trường Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng. Do đó ai cũng khuyên tôi thôi thì xin việc lại rồi đi làm thuê. Vấn đề là tôi đã có máu làm giàu trong người rồi, nên không thể quay lại với chuyện đi làm công ăn lương lần nữa. Mọi người sợ tôi sẽ bị thất bại, và điều đó cũng có thể xảy ra lắm chứ, nhưng tôi thà nắm bắt cơ hội ngay bây giờ, thay vì tìm kiếm sự an toàn để rồi về sau phải hối tiếc.
New York, Paris là để đi chơi, Việt Nam là để ở
– Chắc hẳn cuộc sống tại Việt Nam sẽ ít nhiều khác biệt so với những nơi anh đã từng sống?
Đầu tiên mà nói thì tôi vẫn thấy biết ơn về chuyện được sinh ra tại Pháp, nơi tôi có được một nền tảng tốt về mặt giáo dục để lớn lên. Về mặt tư duy, người phương Tây có suy nghĩ rõ ràng, mạch lạc, có quy trình, và khi về Việt Nam thì ban đầu tôi phải tập làm quen với một lối suy nghĩ mới. Nhưng giờ đây người Việt cũng đang “Tây hóa” nhiều hơn về mặt tác phong kinh doanh, ít ra là trong lĩnh vực công nghệ.
Cuộc sống ở Việt Nam thực ra tốt và dễ chịu lắm, nhưng bạn không nên đánh mất những giá trị và sự tập trung của mình. Dù sống ở Việt Nam hay một nước phát triển hơn như Singapore, thì nhân cách, giá trị và động lực thôi thúc cá nhân mới là điều quan trọng nhất.
– Có phải nhờ hưởng được nền giáo dục tiên tiến ấy mà khi về Việt Nam anh ít gặp trở ngại trong kinh doanh?
Không phủ nhận tôi có nhiều lợi thế khi về Việt Nam mở công ty như ngôn ngữ hay kinh nghiệm làm việc ở nhiều tập đoàn đa quốc gia. Nhưng trên thực tế những yếu tố tâm lý cần thiết để thành công cũng chẳng thay đổi dù bạn sống ở đâu: Tập trung, kiên trì, bền bỉ, và giữ gìn những giá trị của mình.
Trải nghiệm ở nước ngoài hoàn toàn tuyệt vời nhưng không nên bị đánh giá cao quá mức. Đó chỉ là một yếu tố cần để thành công, nhưng không phải là duy nhất. Tôi vẫn rất trân trọng việc mình được lớn lên và hưởng nền giáo dục của Pháp, nhưng bản thân có được như ngày hôm nay chính là nhờ vào những nỗ lực theo đuổi hướng đi mà tôi đã chọn.
– Điều kỳ diệu gì ở Việt Nam mà những nơi khác không hề có?
Cưới vợ, vì ở đây tôi tìm được người phụ nữ của đời mình (cười).
– Bây giờ có lúc nào anh lại nhớ về Paris hay New York?
Tôi sẽ quay lại Paris hay New York nhưng chỉ để đi chơi và thăm thú, vì nơi tôi muốn định cư lâu dài là Việt Nam. Đó cũng là lý do chính tôi xây dựng trụ sở công ty của mình tại đây. Thỉnh thoảng tôi cũng nhớ gia đình, người thân bên ấy nhưng vào lúc này, tôi không muốn sống ở nơi nào khác. Đơn giản tôi cảm thấy hạnh phúc ở đây. Phải mất 10 năm tôi mới nhận ra điều này. Ngày trước, mục tiêu của Trần Lâm là phải đi càng nhiều nơi càng tốt. Còn bây giờ anh ta chỉ tập trung xây dựng và phát triển sự nghiệp của mình tại đây. Đôi khi bạn cần phải đi khắp thế giới thì mới biết nơi đâu là nhà.
– Xin cám ơn anh!
HỎI – ĐÁP
– Lần đầu tiên trở về Việt Nam?
Năm 1989 nhưng chính thức về luôn là năm 2010.
– Sẽ sinh sống ở Việt Nam lâu dài?
Chắc chắn. Việt Nam là nơi tôi dành trọn cả đời để sống.
– Đến tận bây giờ cái gì khó hiểu nhất về Việt Nam?
Tại sao Sài Gòn cứ tới mùa mưa là… ngập?
– Nhận xét như thế nào về phụ nữ Việt?
Điều hấp dẫn khiến tôi quyết định ở hẳn đây.
– Còn đàn ông Việt?
Thông minh nhưng chưa có khát khao chinh phục thành công.
– Món ăn Việt ưa thích nhất?
Phở.
– Nấu được món ăn Việt Nam nào?
Bún riêu và phở
– Thành phố thích nhất?
Sài Gòn nhưng bây giờ đang đổi tình yêu sang Hà Nội.