Hàm Trần – “An toàn nhất là khi ở Việt Nam” - Tạp chí Đẹp

Hàm Trần – “An toàn nhất là khi ở Việt Nam”

Sống
ham-tran_do-1-684x1024
Đạo diễn Hàm Trần

Từng chỉ muốn là người Mỹ

– Suy nghĩ về quê nhen nhóm trong anh từ khi nào?

Tôi chưa từng có ý định quay về mãi cho đến khi điện ảnh là chất xúc tác để văn hóa nguồn cội trong tôi trỗi dậy. Mọi chuyện bắt đầu khi tôi đang học năm ba ngôn ngữ Anh cũng là thời điểm tôi bắt đầu ham làm phim. Khoảng thời gian đó, một nhóm kịch sinh viên Việt Nam tên Club O’ Noodles được biểu diễn ở Trung tâm Nghệ thuật Trình diễn. Tôi đã rất ngạc nhiên vì thường nơi đó chỉ dành cho người da trắng biểu diễn mà thôi, trong khi đây lại là một nhóm sinh viên người Việt đấy.

Khi xem Club O’ Noodles trình diễn, cô bạn người Mỹ đi cùng chẳng hiểu gì cả trong khi tôi đã cười rất nhiều và cảm nhận trọn vẹn nội dung đầy tinh thần văn hóa của người Việt trong ấy. Đó chính là lúc tôi phát hiện Việt Nam và quyết định phải trở về với văn hóa của dân tộc mình.

Sau đó tôi tham gia vào Club O’ Noodles, quen biết diễn viên Mai Thế Hiệp, rồi từ chỗ là người biên kịch cho nhóm, cuối cùng tôi trở thành đạo diễn. Sau này anh Hiệp và nhóm đã giúp tôi rất nhiều khi làm phim ngắn “Ngày Giỗ”.

– Và anh quyết định về “nhà”?

Ban đầu tôi cũng khá lưỡng lự. Rời Việt Nam từ khi còn rất nhỏ và lớn lên như một người Mỹ. Ngay cả khi ở giữa Little Saigon, tôi và bạn bè cũng chỉ nói tiếng Anh, chính vì vậy mà đến tận bây giờ tiếng Việt của tôi vẫn chưa sõi. Tôi đã từng chỉ muốn làm người Mỹ thôi, sống kiểu Mỹ, ăn đồ Mỹ, có bạn gái cũng là người Mỹ. Liên hệ về tinh thần của tôi với Việt Nam lúc đó gần như là số không.

Nhưng kể từ khi dọn hẳn về đây hai vợ chồng tôi như có sinh khí hẳn lên. Thật ra là vợ tôi. Hồi trước ở Mỹ, Jayne (vợ đạo diễn Hàm Trần, là một nhà thiết kế người Thái Lan – PV) cái gì cũng không thích nhưng về Việt Nam rồi thì không có gì là cô ấy không thích (cười). Vợ vui thì đời vui. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến tôi muốn ở đây lâu dài.

– Có khó không để quay trở về và làm việc tại một nơi vừa quen vừa lạ với anh?

Đến giờ thì chưa. Cuộc sống ở đây với tôi rất thoải mái, an toàn. Mọi người sống thư thái, an nhiên ngay cả khi đầu tắt mặt tối. Muốn gì cứ bước ra đường là có. Muốn gặp bạn bè a lô “cà phê không?” là 15 phút sau đã thấy đông đủ cạnh nhau rồi.

Hoàn toàn khác với khi ở Mỹ. Chỉ riêng chuyện muốn ăn phở thôi cũng đã khó trần ai, huống chi cần tụ tập bạn bè ở cách nhau cả ngàn cây số. Càng ngày tôi càng thấy nhiều bạn bè từ Mỹ chuyển về Việt Nam sống nhiều hơn. Riêng tôi cũng đã ba năm chưa về Mỹ. Thật ra tôi chỉ làm phim và làm phim thôi, nên chưa từng nghĩ đến điều gì chưa thích nghi được với cuộc sống hiện tại.

– Có vẻ anh rất hài lòng với việc làm phim tại đây?

Đúng vậy. Chẳng có rào cản ngôn ngữ hay văn hóa gì cả. Dẫu rằng đạo diễn ở Việt Nam thì kiêm nhiệm nhiều vai trò. Ví như tôi phải tự mình lựa chọn trang phục cho nam chính rồi cùng nhà sản xuất chạy vòng quanh Sài Gòn tìm bối cảnh, trong khi ở Tây thì đạo diễn chỉ tập trung làm việc với diễn viên mà thôi. Nhưng không hiểu sao khi về đây tôi cảm thấy được bảo vệ, an toàn nhờ những nhà sản xuất. Họ là những người đã từng làm đạo diễn nên biết công việc của một đạo diễn là như thế nào.

“Tôi và đám bạn hay nói ‘Chỉ có ở Việt Nam’. Ví dụ alô đồng bọn cà phê là 10 phút sau có mặt. Chuyện hoàn toàn không hề có ở Mỹ. Rồi cũng ‘Chỉ có ở Việt Nam’ khi nhà hàng yêu thích của bọn tôi đóng cửa chỉ sau 3 tháng.”

ham-tran_do-4-683x1024

Bộ phim mới là về kẻ giết người hàng loạt 

– Công việc làm phim dường như chiếm hết tâm trí của anh thì phải?

Đúng vậy. Có một thời suốt 8 năm tôi không làm một bộ phim nào nên chỉ cần có cơ hội thì sẽ cố hết sức. May mắn là ở Việt Nam tôi không bị thất nghiệp vì ngành công nghiệp phim ảnh nước nhà đang rất sôi động. Thêm nữa, tại đây tôi được lựa chọn bộ phim mà mình muốn làm, không bị áp lực phải thành số một hay gì đó. Nhờ vậy nên tôi tha hồ sáng tạo với không gian điện ảnh riêng. Như anh thấy, tôi luôn đổi món để khán giả không bị nhàm. Từ hài tình cảm “Âm mưu giày gót nhọn” đến kinh dị, rùng rợn “Đoạt hồn”, rồi hành động, gây cấn “Siêu trộm”… Dự án phim tiếp theo của tôi lại là một phép thử khác, thể loại phim thrilling, phong cách cũng khác biệt.

– Anh nhận xét thế nào về sự thay đổi của điện ảnh Việt trong 5 năm anh ở đây?

Năm 2012 chỉ có khoảng 15 phim Việt còn năm ngoái ta đã có 60. Rất nhiều đúng không? Nhưng anh cũng thấy, chất lượng không tương xứng và để cải thiện thì đó là một bài toán khó nhưng hoàn toàn giải được. Nếu không chúng ta sẽ rơi vào tình trạng như điện ảnh Thái hiện nay: Khán giả hoàn toàn mất niềm tin vào phim nội địa.

Có hai điều mà các bộ phim Việt cần lưu ý chính là âm thanh và kịch bản. Làm một bộ phim đẹp về hình ảnh không khó, kỹ thuật giờ đầy đủ cả. Nhưng chính âm thanh sẽ là yếu tố đưa điện ảnh Việt Nam lên một tầm mới. Còn kịch bản sẽ quyết định bộ phim đó có hay không. Tiếc rằng nhiều nhà sản xuất Việt vẫn cho rằng chất lượng phim phụ thuộc vào một mình đạo diễn, nên họ trả công không xứng cho người biên kịch. Họ phải đầu tư cho biên kịch, như thế mới có kịch bản tốt, kịch bản tốt thì bộ phim mới có hy vọng thành công. Chính vì vậy thành bại của một bộ phim sẽ không chỉ từ người đạo diễn, diễn viên, mà còn từ biên kịch và thậm chí là nhà sản xuất. “Em chưa 18” là một minh chứng rõ ràng cho điều này.

– Tôi khá tò mò về bộ phim mới của anh. Anh đã nói đây là một phép thử mới?

Tôi tạm gọi dự án mới là “Thiên Linh Cái”. Đây là câu chuyện có thật về kẻ giết người hàng loạt đầu tiên ở Việt Nam, hắn đã giết bốn người để luyện tà thuật. Một phim thuộc thể loại tâm lý rùng rợn, có pha chút kinh dị. Có rất nhiều thứ cần nghiên cứu nên khó khăn rất nhiều, nhưng tôi rất hưng phấn với kịch bản này.

Đây sẽ là phim để tôi thử nghiệm phong cách mới, câu chuyện sẽ được kể với tiết tấu khác so với những phim trước đây của tôi. Những bộ phim trước đây có câu chuyện và nhịp phim cắt dựng nhanh thì lần này tôi sẽ đẩy tính căng thẳng lên bằng cách kể thật chậm rãi.

ham-tran_do-2-683x1024

HỎI – ĐÁP

– Lần đầu tiên trở về Việt Nam?

1999.

– Món ăn Việt ưa thích nhất?

Bún chả và chả cá Hà Nội.

– Thành phố thích nhất?

Đà Lạt và Đà Nẵng.

– Còn vùng miền?

Miền Tây, nhiều đồ ăn ngon và giàu có về văn hóa.

– Ở Việt Nam sợ nhất điều gì?

Chạy xe máy, nhất là lúc trời mưa. Trời ơi, sao mọi người có thể chạy được trong cơn mưa tầm tã như thế?

– Trăn trở nhất khi dọn về Việt Nam sinh sống?

Ba mẹ và các anh chị em vẫn còn ở Mỹ.

– Diễn viên Việt Nam yêu thích của anh?

Lê Khánh, cô ấy rất thông minh và nhiệt tình. Tôi cũng ấn tượng với Hoàng Phi.

– Anh chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ đạo diễn nào?

Stanley Kubrick.

– Nếu không làm đạo diễn thì anh làm gì?

Một ca sĩ karaoke chăng!

– Mô tả về bản thân chỉ trong ba từ:

Karaoke. Nhậu. Từ cuối có lẽ là lãng mạn.

 

Thực hiện: depweb

21/08/2017, 16:16