Trần Hùng John – John và Hùng vẫn luôn tồn tại cùng một lúc - Tạp chí Đẹp

Trần Hùng John – John và Hùng vẫn luôn tồn tại cùng một lúc

Sống
johnny_hung_tran_do-2-684x1024
Trần Hùng John

– Trên trang cá nhân của anh từng đăng bức ảnh một miếng trầu với dòng caption: “Mọi người biết cái này là gì không? Mình vừa thử xong, đắng quá!”. Người Việt có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, tôi muốn chúng ta bắt đầu câu chuyện ngày hôm nay từ miếng trầu của anh…

Tôi thử ăn trầu khi đang về ăn giỗ ông nội của fiancée (hôn thê). Ngày xưa ở bên Mỹ, tôi cũng đã từng nhìn thấy bà ngoại ăn trầu cùng bạn bè. Khi đi xuyên Việt, cũng bắt gặp hình ảnh thú vị này nên có dịp thì thử luôn nhưng cũng chỉ một lần đó thôi và không có ý định ăn tiếp vì thấy đắng quá!

– Có thể xem hành trình Trần Hùng John trở về Việt Nam cũng chính là hành trình “John đi tìm Hùng” – như tên cuốn sách đầu tiên của anh. Sau 7 năm, John đã tìm thấy Hùng chưa? Chân dung của anh ấy như thế nào?

Sau 7 năm, tôi nhận ra là Hùng vẫn luôn ở đó, là một phần của John. John và Hùng vẫn và sẽ luôn tồn tại cùng một lúc trong con người mình. Tôi rất tự hào và vui vì trong người vừa có một phần John rất Mỹ và vừa có một phần Hùng rất Việt Nam, rất thích ăn đồ ăn Việt như mắm tôm, cá khô.

– Điều gì thúc giục anh trở về Việt Nam? Sau chừng ấy năm sống và làm việc tại đây, điều đó còn có ý nghĩa với anh nữa không?

Tôi muốn đóng góp cho đất nước bằng những ý tưởng, dự án của mình, bằng việc truyền cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam dám nghĩ, dám làm hơn. Sau nhiều năm, đây vẫn là mục tiêu của tôi. Chắc chắn mục tiều này không dễ dàng. Vì cách tư duy và văn hóa của thế hệ cũ vẫn còn tồn tại trong nhiều gia đình, thậm chí cả nơi làm việc. Người Việt Nam mất nhiều thời gian để thích nghi với ý tưởng và cách làm mới. Tôi hy vọng có thể đẩy nhanh tiến độ đó.

– Trong khi gia đình, người thân vẫn ở bên Mỹ thì anh lại một mình trở về Việt Nam. Cảm giác ở hẳn Việt Nam như thế nào? Đến bây giờ anh còn gặp phải những trở ngại gì nữa?

Không nhiều trở ngại lắm ngoại trừ thời gian đầu thì có hơi nhớ nhà. Trong tương lai tôi sẽ xây dựng một dự án hoặc làm công việc gì đó để có thể đi lại giữa Việt Nam và Mỹ.

johnny_hung_tran_do-1-684x1024

– Để có thể tồn tại trong một môi trường mới, anh đã phải thay đổi những gì để hòa nhập? Có phải hy sinh gì không?

Hy sinh đầu tiên và lớn nhất (tính đến thời điểm này) là không được ở gần gia đình. Khi bắt đầu xác định sống và làm việc lâu dài ở Việt Nam, tôi cũng đã phải làm quen với môi trường, khí hậu, cách làm việc của người Việt Nam. May mắn thay tôi là người rất dễ thích nghi với môi trường mới, thế nên bản thân không phải thay đổi gì nhiều. Tôi chỉ phải học cách hiểu rõ con người, văn hóa, thói quen để chọn cách làm, cách tiếp cận phù hợp và hiệu quả.

– Được biết, anh có một dự án bóng rổ tên là ASA. Anh có thể giới thiệu một chút về dự án này?

ASA là viết tắt của American Edu-Sports Academy. Tên tiếng Việt là Học viện Giáo dục Thể thao Hoa Kỳ. Đây là dự án tôi làm cùng bạn bè. Bọn tôi hợp tác với một học viện chuyên đào tạo bóng rổ ở Mỹ tên là Shooting For Success để đưa chương trình học cũng như các huấn luyện viên chuyên nghiệp từ Mỹ về Việt Nam.

Sở dĩ tôi chọn bóng rổ một phần vì đây là môn thể thao cực kỳ có ý nghĩa trong cuộc đời tôi. Hồi còn học cấp 3, tôi là người châu Á duy nhất và thấp nhất trong đội bóng rổ của trường. Nhưng điều đó chưa hề khiến tôi vắng mặt trong đội hình chính thức. Dĩ nhiên kết quả này được đánh đổi bằng những buổi tập quên ăn quên ngủ, bằng cả mồ hôi, nước mắt và cả máu. Bóng rổ ít nhiều giúp tôi hoàn thiện bản thân, tích cóp nhiều bài học về giá trị con người, cuộc sống và có được thành công nhất định.

johnny_hung_tran_do-8-684x1024

– Anh kỳ vọng gì ở việc thành lập dự án này?

Tôi hy vọng sẽ có một lứa cầu thủ bóng rổ đầy tiềm năng cho nước nhà. Những cầu thủ này không chỉ là những người giỏi bóng rổ, mà còn nắm rõ những giá trị cốt lõi của sự thành công như: Tự tin, tính kỷ luật, tinh thần thể thao, trách nhiệm, khả năng lãnh đạo…

Bên cạnh đó, tôi tin dự án sẽ giúp nâng tầm bóng rổ Việt Nam cũng như hỗ trợ đội tuyển quốc gia đào tạo các cầu thủ và biết đâu một ngày nào đó trong tương lai Việt Nam sẽ có cầu thủ chuyên nghiệp thi đấu tại giải NBA của Mỹ.

– Trần Hùng John đã từng viết sách, thậm chí viết sách dạy con khi chưa lập gia đình. Anh còn tham gia dạy tiếng Anh cho cộng đồng, rồi thành lập dự án bóng rổ. Nhưng tôi biết đó chưa phải là tất cả…

Thật ra tôi mong sớm được trở lại với truyền hình để làm một vài chương trình hay và có ý nghĩa. Đồng thời cũng muốn được tham gia nhiều hơn vào những dự án làm cầu nối giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt là cộng đồng Việt Kiều ở Mỹ vì như anh biết đấy, vẫn còn nhiều hiểu lầm và khoảng cách giữa hai bên.

– Cảm ơn anh vì buổi trò chuyện thú vị này!

johnny_hung_tran_do-10-684x1024

 HỎI – ĐÁP

– Ở Hà Nội, anh từng ăn… “phở chửi” chưa?

Chưa. Nhưng đã ăn ở nhiều quán mà chủ quán cũng chửi khách nhiều rồi. Cảm giác là chẳng hiểu sao lại có người thích bị nghe chửi khi ăn.

– Nơi nào ở Việt Nam muốn đến mà chưa có dịp?

Sơn Đoòng.

– Có lúc nào hối hận vì đã trở về Việt Nam không?

Cũng có nhưng rất ít.

– Nếu kết hôn, sẽ chọn một cô gái…

Như fiancée (vợ sắp cưới) của tôi.

– Lần đầu tiên trở về Việt Nam vào năm nào?

2010.

– Sẽ sống ở Việt Nam lâu dài?

Tương lai thì khó biết trước.

– Đến tận bây giờ cái gì khó hiểu nhất về Việt Nam?

Giờ dây thun.

– Nhận xét như thế nào về phụ nữ Việt, đàn ông Việt?

Phụ nữ thì tuyệt vời. Còn đàn ông thì… bỏ qua nhé (cười).

– Món ăn Việt ưa thích nhất?

Bún đậu mắm tôm.

– Nấu được món ăn Việt Nam nào?

Nhiều lắm, ví dụ như thịt kho, canh chua, bánh xèo, chả giò.

– Thành phố thích nhất?

Tuy Hòa.

– Ở Việt Nam sợ nhất?

Tâm linh và ma.

– Trăn trở nhất khi dọn về Việt Nam sinh sống?

Phải xa gia đình.

– Chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ?

Mẹ.

– Mô tả về bản thân chỉ trong ba từ:

Thông minh, dễ gần, và… đẹp trai.

– Câu cửa miệng (tiếng Việt) hay nói?

Cái gì không giết mình sẽ giúp mình mạnh mẽ hơn.

– Điều tự hào nhất đã thực hiện sau khi về Việt Nam?

Biết nói, viết và đọc tiếng Việt.

– Câu tục ngữ/ca dao Việt thích nhất?

Cây ngay không sợ chết đứng.

– Người Việt ngưỡng mộ nhất (và muốn gặp nhất)?

Bác Nguyễn Lân Dũng. Nhưng đã được gặp bác nhiều rồi. Và bác Dũng cũng là đại diện nhà trai trong lễ ăn hỏi của tôi.

– Quyển sách gối đầu giường?

Nhiều quá không kể hết.

Thực hiện: depweb

21/08/2017, 16:14