Trần Duy Quang: Chạy bộ là cuộc hành xác dễ gây nghiện

Tháng 9 sắp tới, Trần Duy Quang sẽ trở thành người Việt Nam đầu tiên tham gia giải marathon Spartathlon, một trong những giải chạy khổ cực nhất thế giới với chiều dài 246km dọc Hy Lạp trong thời gian giới hạn 36 giờ.

5 năm trước, Quang bắt đầu chạy vài vòng công viên mỗi ngày như một cách giải tỏa áp lực công việc. Cho đến khi anh tình cờ biết giải chạy đường núi Sapa (Sapa Vietnam Moutain Marathon), mục đích của việc chạy bộ mới trở nên rõ ràng hơn. Lần đó, Quang hoàn thành 42km cung đường chạy thử thách nhất Việt Nam trong 6 giờ 27 phút. Anh cũng dần “nghiện” việc chinh phục các loại địa hình, cứ tầm 2 tháng, bạn bè lại thấy Quang đăng lên Facebook những bức ảnh anh đang leo dốc, băng rừng trong cuộc thi nào đó.

TRẦN DUY QUANG (1989)
Cố vấn thể thao của Genetica (Công ty chuyên giải mã gien/di truyền có trụ sở tại San Francisco, Hoa Kỳ)
Từng là quán quân các giải chạy:
+ Vietnam Moutain Marathon
2017 (100km)
+ Ultra Asia Race 2017 (160km)
+ Dalat Ultra Trail 2018 (70km)
+ Ultra Angkor Trail 2018 (32km)
+ Vietnam Trail Marathon 2019 (70km)
Lý do chạy?
Ban đầu vì sức khỏe, sau này vì đam mê.
Điều hạnh phúc nhất khi chạy?
Cảm giác tự do trên những cung đường.

Chạy bộ đường dài vốn được coi là môn thể thao hành xác bởi vận động viên phải chạy hoặc đi bộ gần như liên tục, thức trắng hàng chục tiếng đồng hồ, có khi khởi hành giữa đêm khuya. Các giải chạy vượt núi mà Quang tham gia thường khó khăn hơn nữa khi anh phải đối mặt với thời tiết lạnh có lúc dưới 0 độ, không khí loãng và dễ gặp chấn thương hơn đường bằng. Mỗi chuyến đi thi như vậy, Quang phải tự lo chi phí đi lại, ăn ở, và nếu trở thành quán quân, giải thưởng nhận được chỉ là… kỷ niệm chương.

Quang từng gặp rất nhiều tai nạn trên đường chạy: lạc trên núi gần 20 phút lúc 1 giờ sáng rồi lầm lũi dò dẫm theo dải phản quang ẩn hiện giữa sương mù, cán đích với cơ đùi bị rách và chưa kể – đổ không ít tiền vào các giải chạy. Đổi lại tất cả những điều đó, Quang gặp được những runner đáng nể. Từ cô gái Việt đã hoàn thành giải chạy xuyên qua 4 sa mạc trên 4 châu lục, cụ ông hơn 70 tuổi chạy ngon ơ 100km hay anh bạn người Đà Nẵng bị tai nạn từng liệt nửa người vẫn hoàn thành 42km đường đua.

Với Quang, chạy bộ không chỉ là một môn thể thao mà nó còn thay đổi hoàn toàn con người anh, cả ngoại hình lẫn tính cách. Quang gầy hơn, đen hơn nhưng khỏe khoắn, kiên nhẫn và cư xử điềm đạm hơn. Từ một nhân viên kinh doanh, anh có cơ hội làm cố vấn thể thao ở một công ty lớn.

Bây giờ, cứ hết giờ làm, Quang lại xỏ chân vào giày, chạy 15-20km hăng hái trên các con đường ở Sài Gòn. Cuối tuần, anh leo núi hay chạy xuyên rừng ở Đồng Nai, Đà Lạt, Vũng Tàu để chuẩn bị cho cuộc đua mới. Mục tiêu của anh là mang tên runner Việt Nam đến các giải marathon khắc nghiệt trên thế giới như Spartathlon, Patagonian… Không ít bạn bè bị Quang rủ rê vào cuộc hành xác này đều thừa nhận anh đã đúng: “Chạy ngày đầu tiên thấy mệt, sau mấy tháng dễ bị chấn thương nhưng vượt qua mốc đó rồi thì chạy sẽ biến thành đam mê”.

                                                       FEATURE – CHẠY!

“Chạy bộ là nghệ thuật đỉnh cao đầu tiên của nhân loại, là hoạt động sáng tạo theo cảm hứng nguyên thủy. Rất lâu trước khi chúng ta nguệch ngoạc vẽ lên trên vách hang động hay vỗ theo nhịp vào những thân cây rỗng, chúng ta đã hoàn thiện nghệ thuật kết hợp hơi thở, trí não và các cơ bắp thành chuyển động tự thân tiến lên phía trước, vượt qua địa hình hoang dã. Và khi tổ tiên của chúng ta cuối cùng cũng vẽ nên những bức tranh đầu tiên trong hang động, thì các hình vẽ đầu tiên là gì? Một vết cắt xuống, hình tia sét xuyên qua một hình ảnh – Người Chạy Bộ” – nhà báo Christopher McDougall viết trong cuốn sách “Sinh ra để chạy”.

Ai cũng có thể chạy, chỉ cần một lý do. Loài người nguyên thủy chạy để tránh thú dữ, chạy để kiếm ăn. Loài người văn minh chạy để kết nối cộng đồng, để khỏe, để thử thách sức chịu đựng của bản thân hoặc để đua với cuộc sống. Lắng nghe câu chuyện của những người chạy bộ trong chuyên đề này, rất có thể bạn cũng sẽ tìm được cho mình một lý do để chạy.

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy
Sản xuất: Hellos. – Trợ lý sản xuất: Huey
Nhiếp ảnh: Khánh Nguyễn
Trang điểm: Andy Phan (Duy Quang, Linh Chi, Thịnh Pencil), PSI (Thu Thủy)

Đọc thêm
– Trang Hạ: Thiền động của một người chạy
– Thịnh Pencil: Chàng họa sĩ tìm được vợ nhờ… chạy bộ
– Hoa hậu Thu Thủy: Nếu muốn chạy, luôn có một con đường
– Trần Duy Quang: Chạy bộ là cuộc hành xác dễ gây nghiện
– Nguyễn Linh Chi: Con linh dương mơ trở thành báo gấm


From the same category