Dòng thời gian 50 năm sau ngày Bắc – Nam nối liền một dải chứng kiến một Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ, với sự cống hiến không ngừng nghỉ của hàng triệu người con đất Việt. Trong đó, không ít kiều bào đang sinh sống, học tập ở nước ngoài chọn trở về quê hương để gây dựng sự nghiệp. Những người con máu đỏ da vàng mang theo tinh hoa, kiến thức từ quốc tế về quê hương, ấp ủ trong mình lý tưởng xây dựng đất nước sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Jenny K Trần là một trong những nhà thiết kế tiên phong viết nên câu chuyện đầy cảm hứng về tailroing (âu phục) dành cho phụ nữ Việt Nam. Tình yêu với tailoring chớm nở từ lúc cô trở thành nhà thiết kế thời trang cho dòng menswear của Burberry London. Trong 7 năm tu nghiệp tại Anh Quốc, cô đã thừa hưởng, tiếp nhận những kiến thức, kỹ thuật may đo hàng đầu từ giới nghệ thuật và thời trang. Quá trình này góp phần định hình tư duy, ngôn ngữ thiết kế, đồng thời nuôi dưỡng mạch nguồn cảm hứng vô giá cho sự nghiệp thời trang của cô về sau.

Thời điểm năm 2016, Jenny K Trần nhận thấy ngành may đo, nhất là mảng âu phục dành cho nữ còn nhiều hạn chế trong làng mốt Việt. Đây vừa là một thị trường ngách đầy tiềm năng, vừa là một bài toán khó cho cô khi làm thời trang ở Việt Nam. Không an phận với công việc trong mơ, đầy triển vọng tại nhà mốt danh tiếng của Anh Quốc, Jenny K Trần quyết định về nước. Nhà thiết kế chọn Việt Nam làm không gian sáng tạo để phát triển sự nghiệp, thỏa lòng đam mê cháy bỏng về tailoring. “Rời bỏ công việc mà nhiều người mong ước ở Burberry là quyết định không mấy dễ dàng, nhưng niềm hạnh phúc và mục tiêu của tôi là xây dựng cho mình một thương hiệu riêng, nơi tôn vinh vẻ đẹp bất biến của âu phục và nâng tầm phong thái cho phụ nữ Việt bằng những sản phẩm may đo vừa quyền lực, vừa nữ tính”, Jenny K Trần chia sẻ.
Jenny K Trần đưa những kinh nghiệm của thời trang thế giới về với thương hiệu Việt Nam, sáng lập nên JENNY K TRAN. Cô mong muốn dùng kỹ thuật tailoring tôn vinh những đường cong quyến rũ của người phụ nữ. Những bộ suit chỉnh tề, cứng cáp được trung hòa bằng các chất liệu cao cấp ôm gọn lấy hình thể người mặc, và cách điệu với những chi tiết thể hiện nét nữ tính, mềm mại, dịu dàng. Theo Jenny K Trần, âu phục còn là biểu tượng khẳng định vai trò, địa vị của người phụ nữ trong xã hội. Thế nên, nhà thiết kế cũng mong muốn phụ nữ Việt Nam có thể nâng cao sự tự tin, vị thế và thể hiện bản thân qua tuyên ngôn thời trang.
Hơn 15 năm phát triển sự nghiệp điện ảnh tại Việt Nam, Kathy Uyên đã chứng kiến quá trình “lột xác” mạnh mẽ của điện ảnh nước nhà. Cô cho biết, trăn trở của ngày đầu về nước “làm cách nào để có thể tham gia vào các dự án phim” đã trở thành “làm cách nào để có thể đóng góp cho sự thay đổi điện ảnh Việt”. Kathy Uyên có nền tảng vững chắc về kỹ thuật diễn xuất khi có thời gian dài cọ xát ở kinh đô điện ảnh Hollywood. Ngoài đóng phim, cô cũng gia nhập đội ngũ sản xuất tại hãng phim Happy Madison Productions, Warner Brothers và tham gia buổi tuyển chọn diễn viên của DreamWorks.

Có cơ hội tham gia vào các dự án Việt Nam, Kathy Uyên gây ấn tượng qua vai diễn trong “Chuyện Tình Xa Xứ” (2009) và “Để Mai Tính” (2010). Bên cạnh các giải thưởng, món quà lớn nhất Kathy Uyên nhận được có lẽ là sự ủng hộ nồng nhiệt từ phía khán giả. Điều này đã thôi thúc cô định hướng phát triển tại quê nhà. Sau đó, hành trình theo đuổi bộ môn nghệ thuật số 7 của cô tại Việt Nam có phần chững lại khi không có kịch bản đủ hay, vai diễn chưa đủ cá tính, hay lời mời đóng phim không nhiều. “Nhưng tôi tự nói với chính mình, tại sao phải ngồi đợi người khác mang cơ hội đến cho mình mà không phải là chính mình tạo ra nó?”, Kathy Uyên nói về khởi nguyên đưa cô trở thành một biên kịch, chuyên gia hướng dẫn diễn xuất và đạo diễn.
Ở cương vị một chuyên gia, Kathy Uyên nghiên cứu, đánh giá tình hình diễn xuất chung của diễn viên Việt Nam. Từ đó, cô lên kế hoạch giảng dạy giúp họ hiểu và áp dụng kỹ thuật diễn xuất của Hollywood một cách nhuần nhuyễn. Ở vị trí đạo diễn, Kathy Uyên đưa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam độc lập, bản lĩnh, cá tính lên màn ảnh rộng. Bởi cô nhận thấy họ vẫn đang bị kìm kẹp bởi những định kiến, khuôn mẫu xã hội từ xa xưa. Nữ đạo diễn cho biết phụ nữ trong phim của cô dù không hoàn hảo, nhưng luôn có màu sắc riêng, họ sống thật và tỏa sáng từ chính nội lực bên trong. “Tôi muốn đưa sự thông minh, giỏi giang, tài năng và cá tính của người phụ nữ Việt Nam lên màn ảnh rộng. Tôi muốn thay đổi vị trí, đưa họ lên ‘kèo trên’, làm chủ cuộc chơi, trao trả quyền lực xứng đáng thuộc về họ cả trong cuộc sống, công việc lẫn các mối quan hệ”, Kathy Uyên bày tỏ.
Cuộc gặp gỡ định mệnh tại Dubai đã đưa Laure Chevallier – doanh nhân người Pháp và Tuân Lê – giám đốc sáng tạo người Mỹ gốc Việt cùng nhau về Việt Nam – nơi cả hai cùng lập nghiệp và tìm thấy “ngôi nhà” cho chính mình. Tuân Lê nhận định Việt Nam là cái nôi của sự sáng tạo trong thiết kế và xây dựng thương hiệu. Trong dòng chảy sáng tạo, đổi mới, người Việt đang từng bước tạo nên những dấu ấn, chuyển biến tích cực ở đa dạng lĩnh vực dù thị trường vẫn còn nhiều thách thức. “Đôi mắt Tuân lấp lánh mỗi khi nói với tôi về sự sáng tạo, đổi mới và cầu tiến của thị trường Việt Nam. Những yếu tố đó khiến chúng tôi nhận ra rằng mình muốn là một phần của dòng chảy này”, Laure tiết lộ.

Tuân Lê và Laure Chevallier đứng sau các thương hiệu quán cà phê, mô hình creative studio và tiệm bánh có tiếng tại TP.HCM, với tinh thần mới lạ, giao thoa bản sắc địa phương và quốc tế. Theo Laure, TP.HCM là một điểm đến hoàn hảo, nơi có không gian làm việc, quán cà phê với nhiều dịch vụ, trải nghiệm độc đáo giúp kích thích tư duy và cảm hứng sáng tạo. Với Bakes – tiệm bánh Pháp giữa lòng Sài Gòn, cô từng sáng tạo những món bánh lấy cảm hứng từ Việt Nam. Từ đó, cô cũng mong muốn khám phá và mang đến một Việt Nam mới lạ dưới góc nhìn ẩm thực từ một người Pháp ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Tuân Lê mong rằng các thương hiệu và nhà sáng tạo sẽ không dừng lại ở việc mở cửa hàng, mà có thể đào sâu vào bản sắc riêng, tạo ra những trải nghiệm thực sự khác biệt và ý nghĩa. “Đây không chỉ là cơ hội để họ khẳng định mình mà còn giúp đưa ẩm thực và nghệ thuật Việt Nam vươn xa hơn trên bản đồ thế giới”, Tuân Lê chia sẻ.
Rời xa những thành phố xa hoa để theo đuổi con đường kinh doanh tại Việt Nam, Tuân Lê và Laure Chevallier ban đầu dự định ở lại Việt Nam chừng 2-3 năm. Dần dà, 2-3 năm ấy tiếp diễn tới bây giờ. Theo năm tháng, Việt Nam lại có thêm những sự đổi thay, níu giữ những người đã lỡ đặt chân đến đây. Tuân Lê nói rằng Việt Nam là nơi mọi người dám thử nghiệm những điều mới mẻ, bất chấp rủi ro tài chính hay sáng tạo. Chính họ đã góp phần họa nên một bức tranh lớn đầy màu sắc cho một đất nước nhỏ bé tỏa sáng rực rỡ trên bản đồ thế giới. Thế nên, Tuân Lê và Laure Chevallier vẫn chọn tiếp tục phát triển bản thân, sự nghiệp ngay tại “ngôi nhà” của mình: “Mỗi năm qua đi, tôi lại yêu Việt Nam hơn và từ lúc nào đó, tôi đã ngừng đề ra kế hoạch. Chúng tôi bây giờ chỉ đơn giản là tận hưởng hành trình”.
TÔI LÀ NGƯỜI VIỆT NAM – ĐI KHẮP MUÔN NƠI ĐỂ TRỞ VỀ TỔ QUỐC
NTK Jenny K Trần: Chinh phục thời trang may đo
Nữ đạo diễn phim “Chị Chị Em Em” Kathy Uyên: “Tại sao phụ nữ không tự tạo cơ hội cho chính mình thay vì ngồi chờ?”
Tuân Lê – Laure Chevallier: Tạp chí Đẹp số 292