Tối giản ngay!

 

BST Celine Thu Đông 2013-14 

Thi thoảng khi có dịp nói chuyện với những người lớn tuổi còn nhớ đến thời trang cách đây ba thập kỷ, hay đọc những mảnh báo tư liệu được scan lại rồi “truyền tay” trên mạng về các bộ sưu tập của thời trang tiên phong Nhật Bản, từ “minimalism” lại làm tôi băn khoăn. Tại sao có thể đặt kiểu dáng thanh mảnh với các chất liệu mềm mại đắt tiền của Jil Sander (minimalism thập kỷ 1990), các thiết kế lịch sự với chất liệu qua xử lý cứng cáp, ráp mảng của Celine (minimalism đương đại) bên cạnh phong cách “dáng không cần đẹp, chất liệu không cần xịn” của các NTK đến từ Nhật Bản. Một bên là sự giản lược sạch sẽ mỹ miều, một bên là vẻ đẹp của sự tàn phá, hỗn loạn – tưởng như nằm ở hai thái cực khác nhau của thời trang. Tôi đoán là chúng ta đã quá quen dùng đến mức lạm dụng từ “tối giản/minimalism” để chỉ sự đơn giản tinh tế của trang phục, vẻ đẹp mà không cần nhiều trang trí hoặc cần phải loại bỏ trang trí. Minimalism ở đây là sự tinh tế được hiểu qua những tính toán cắt may để đạt đến sự hoàn thiện gần như tuyệt đối, qua các chất liệu đắt tiền hoặc dùng công nghệ mới. Và đây cũng là cách nhìn phổ thông nhất về thời trang tối giản. Ở mức cực đoan, chúng ta cũng có thể coi tối giản tức là giảm thiểu trang phục đến chỉ còn “ý tưởng về trang phục”. Quấn một miếng vải quanh người, choàng “bao tải” lên vai, nhất là khi miếng vải bao tải đó màu đen (tượng trưng cho sự “giảm thiểu màu sắc”), rách và sờn (không hề đẹp long lanh), thô (kết quả của những sợi bông được dệt một cách đơn sơ nhất), cũng có nghĩa là giảm thiểu trang phục đến mức chỉ còn là một mảnh vải tầm thường, biến chuyện ăn diện thành việc che chở cơ thể như con người thuở sơ khai. Có lẽ đây cũng chính là cốt lõi của tính tối giản trong thời trang của Comme des Garcons hay Yohji Yamamoto.

BST Celine Thu Đông 2013-14

Mở đầu cuốn “Less is More: Minimalism in Fashion” (Càng ít càng nhiều: Trường phái tối giản trong Thời trang), tác giả Harriet Walker viết rằng: “Lịch sử của thời trang trong thập kỷ 20 cũng chính là lịch sử của trường phái tối giản minimalism”. Theo sự gợi ý của tác giả, chúng ta có thể đi rộng hơn một chút, lạc sang kiến trúc, nghệ thuật, xã hội – những mối quan tâm sát sườn nhất của các NTK thời trang. Hãy bắt đầu với “Trang trí và phạm pháp” (Ornament and crime), tuyên ngôn của kiến trúc sư người Áo Adolf Loos năm 1908, “lên án” sự trang trí làm cho đồ vật hay công trình kiến trúc nhanh chóng trở nên lỗi thời, đồng thời tôn vinh “những bề mặt nhẵn nhụi quý giá”. Trường phái Hiện đại trong kiến trúc đầu thế kỷ 20 đặt tính thực dụng lên trên hết với khẩu hiệu “kiểu dáng theo công năng” – câu nói nổi tiếng được phát ngôn từ năm 1896. Cũng chính trong những năm đầu thế kỷ 20, Coco Chanel giản lược hóa thời trang: vứt bỏ corset và váy áo rườm rà của các quý cô; giới thiệu chất liệu jersey tầm thường nhất; đưa ra khái niệm màu đen không chỉ dành cho tang tóc; và vận dụng áo vest dáng hộp của đàn ông cho phụ nữ. Thời trang của Chanel giải phóng người phụ nữ khỏi sự gò bó cơ thể, giúp họ dễ dàng tham gia các hoạt động của một xã hội công nghiệp mới đang hình thành. Không những thế, kiểu dáng giản lược và việc sử dụng các loại vải công nghiệp thực dụng trong thời trang haute couture còn là sự đoạn tuyệt với quá khứ (phải chăng đây chính là ẩn ý đằng sau màu đen của chiếc váy nhỏ màu đen “a little black dress” nổi tiếng của bà?), cổ súy cho phong cách có thể vượt qua những thay đổi phù phiếm của thời trang (thì cũng là một sự ràng buộc điệu đà của phái đẹp). Sự giản lược, tính công năng, chất liệu phổ thông và phong cách hướng đến vẻ đẹp vĩnh hằng có thể coi là các tiêu chuẩn của Coco Chanel đã đặt ra cho thời trang hiện đại.

BST Helmut Lang Thu Đông 2013-14 

Bản thân Jil Sander luôn tránh dùng từ “tối giản” để nhắc đến các thiết kế không còn có thể bỏ đi bất cứ một chi tiết nào của mình. Bà thường dùng từ “pure”, sự tinh khiết, để nhấn mạnh việc trang phục của bà  không phải là sự giảm thiểu thành một đồ may mặc đơn thuần, tẻ nhạt, tầm thường và ai làm cũng được. Ngược lại, đây là sự tìm tòi cho một chất liệu hoàn hảo, kiểu dáng, tỷ lệ và tông màu tuyệt đối dành cho cuộc sống của người phụ nữ hiện đại. Helmut Lang cũng nhấn mạnh đến vai trò của công năng – thực ra thiết kế của ông trong thập kỷ 1990 thường được phát triển từ các loại đồng phục dành cho người lao động hay lính tráng – tức là một cách đề cao công năng trong thiết kế thời trang. Nhưng Helmut Lang cũng rất “chịu chơi” với chất liệu công nghiệp. Điển hình là bộ cánh bằng cao su mà trước khi mặc, người mẫu phải rắc phấn thơm khắp người để cao su không làm trầy da thịt. Cùng với hai NTK tiên phong, còn có một Prada tối giản “thực sự” xuất hiện trong thập kỷ 1990. Miuccia Prada đưa sự đơn điệu và tẻ nhạt của đồng phục trở thành siêu sành điệu với biểu tượng là chiếc ba lô nylon đen, chất liệu công nghiệp bền, rẻ, được bày bán như một món đồ cực kỳ xa xỉ. NTK của Celine, Philo Phoebe, đã đem thời trang tối giản trở lại “sân chơi” trong vài năm gần đây, với ý đồ một thời từng gây dựng tiếng tăm cho Coco Chanel.

BST Comme des Garcons Thu Đông 2013-14 

May đồ cho một lối sống hiện đại – tối giản không còn chỉ giới hạn trong thiết kế thời trang mà còn thể hiện lối sống mới trong hoàn cảnh xã hội phương Tây đã quá thừa thãi trong tiêu dùng. Giản lược, vừa đủ nhưng cũng rất chịu chơi.

BST Jil Sander Thu Đông 2013-14 

Bài: Thành Lukasz


 

Bạn am hiểu về thời trang, đam mê cập nhật và tìm hiểu những thông tin xung quanh các bộ sưu tập mới nhất, vậy thì còn chần chừ gì mà không gửi ngay cho chúng tôi những bài viết chia sẻ cảm nhận của bạn về các bộ sưu tập. Bài được chọn đăng sẽ hưởng nhuận bút theo quy định chung của tòa soạn. Mọi thông tin xin gửi về e-mail: thoitrang@dep.com.vn



From the same category