Tình yêu kiểu… bội thực

Nhiều cô vợ đánh đồng chồng như… con nít, chăm sóc, nhắc nhở, quản lý thái quá mà đâu biết rằng những hành động đó chỉ khiến chồng… ngộp thở!

“Tâm thư” của chồng

Vợ thân yêu!

Không biết đây là lần thứ mấy anh nghe mấy tên bạn đồng nghiệp tới nhà hỏi em: “Có thằng con lớn của em ở nhà không?”. “Thằng con lớn” mà họ nói đó không ai khác chính là… anh! Bởi em luôn bảo với mọi người đầy thích thú rằng: “Nhà em có ba con trai, hai nhỏ và một lớn!”. Ai cũng phá lên cười vì họ hiểu em muốn ám chỉ “một lớn” ấy là ai.

Chẳng biết từ lúc nào em đã “hạ bệ” anh từ “chồng” sang “con”. Cái cách em lo cho anh cứ làm anh liên tưởng em là… mẹ của anh! Cái gì em cũng muốn quản. Ngày đám cưới con gái, anh hào hứng lôi ra chiếc áo sơ mi mà anh thích, nó mới chứ có cũ đâu vậy mà em vội giật nó lại, bảo anh nghĩ sao mà lại mặc cái áo ấy rồi cất đi và lấy ra chiếc áo em tự chọn mua mà anh chẳng thích tẹo nào. Sợ to tiếng làm gia đình kém vui trong ngày trọng đại của con, anh mặc nó. Không biết có bao giờ em nghĩ, đến cái quyền mặc đồ theo sở thích, em cũng tước mất của anh.

 

Hãy nhớ rằng chồng không phải là một đứa trẻ

Anh từng nghĩ, phụ nữ ai cũng có bản năng làm mẹ, muốn được chăm sóc, vỗ về người mình thương. Thôi thì cứ để em “làm mẹ” theo cách đó với cả anh cũng chẳng sao, anh cứ thế “hưởng thụ”. Tệ hơn, anh còn cảm thấy dường như anh không còn là… đàn ông nữa, mà là một cậu bé trai tồ nhất trong mắt em.

Anh muốn là anh em à, vẫn muốn là chồng, là trụ cột trong nhà chứ không phải là “thằng con lớn” của em.

Ký tên

Chồng của em

Thương quá hóa… gàn?

Theo chuyên viên tâm lý Vũ Cẩm Vân – Hội phó Hội quán Các bà mẹ Tp.HCM, phụ nữ quan tâm, chăm sóc chu đáo cho chồng như phục vụ cho một đứa trẻ có thể vô tình khiến chồng cảm thấy xấu hổ, mất tự do. Họ thậm chí sẽ nghĩ mình trong mắt mọi người quá “yếu đuối”, vô dụng. Người chồng sẽ cảm thấy mất đi khí chất đàn ông và khả năng che chở, bảo vệ gia đình, vốn là niềm kiêu hãnh của mình.

Ở khía cạnh khác, khi quá quen với sự chăm chút của vợ, người chồng sẽ trở nên ỷ lại, xem nhẹ hoặc thậm chí coi thường những lo toan, vất vả của vợ. Tệ hơn, có thể họ sẽ nghĩ việc lo toan, chăm sóc chồng là nhiệm vụ của vợ, và rồi nghiễm nhiên chỉ có “hưởng thụ” mà quên rằng mình cần có “nghĩa vụ” đáp trả. Người vợ quá chăm chút cho chồng thường là người cầu toàn, muốn tự tay quán xuyến tất cả mọi việc trong nhà nên dễ rơi vào tình trạng bị quá tải, cảm thấy áp lực, mệt mỏi, stress do ôm đồm nhiều việc. Khi không được chồng chia sẻ, có thể người vợ sẽ cảm thấy hụt hẫng, thất vọng nghĩ rằng sự hy sinh và tình cảm của mình không được chồng ghi nhận.

Hãy để anh ấy được chia sẻ với bạn mọi thứ trong cuộc sống

Chăm chồng sao cho khéo?

Tình yêu nếu thiếu một chút sẽ khiến con người khao khát, tìm kiếm, yêu vừa đủ sẽ giúp họ tràn ngập hạnh phúc, nhưng nếu tình cảm quá dư thừa sẽ khiến người nhận bội thực, chán ngán. Điều này đúng với cả quan hệ vợ chồng. Người chồng nào cũng muốn được chăm sóc vợ con, muốn mình trong mắt vợ con là trụ cột, là chỗ dựa, là nơi mà vợ con có thể tìm đến để được chở che, tư vấn. “Muốn chăm chồng thì người vợ phải nuôi dưỡng cả “khí chất đàn ông” của chồng. Hãy cho chồng thấy anh ấy rất quan trọng trong gia đình, anh ấy sẽ rất hạnh phúc vì nghĩ mình thật sự có ích trong mắt vợ con, chứ không phải chỉ là một … đứa trẻ tồ”, chị Vũ Cẩm Vân nhấn mạnh.

4 dấu hiệu vợ nên biết

Khi nhận thấy những biểu hiện này, chị em nên nhìn lại xem có phải chồng mình đang “ngạt thở”:

–  Ngày càng trở nên lười biếng, ỷ lại, việc gì cũng đùn đẩy cho vợ.

–  Hay khó chịu, bực bội

–  Hay viện cớ để được ra khỏi nhà

–  Ít nói, thậm chí lầm lì; không hay ít khi muốn tâm sự, chia sẻ vui buồn với vợ.

Theo Thế giới Gia đình


From the same category