Thực hư tác dụng lá sen giảm mỡ máu - Tạp chí Đẹp

Thực hư tác dụng lá sen giảm mỡ máu

Sức Khỏe

Ba tháng là giảm bệnh?


Không chỉ truyền miệng, bài thuốc trị mỡ máu cao bằng lá sen còn được lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt. Cùng với nó là các tin quảng cáo bán lá sen khô trên nhiều trang rao vặt. Một người bán hàng trên website muaban giới thiệu: “Lá sen có thể chữa được bệnh mỡ máu cao, giúp tiêu mỡ, giảm cân, chữa mất ngủ, háo khát, ho ra máu, nôn ra máu, máu hôi không ra hết sau sinh… mà không hề có tác dụng phụ. Cách dùng rất đơn giản, cho lá khô (khoảng 1 nhúm tay) vào ấm đun sôi lấy nước uống hằng ngày. Lá sen là loại thảo dược rất lành cho nên bạn có thể uống cả ngày và liên tục. Nên uống nhiều về buổi chiều và tối vì khi đó là lúc cơ thể sản sinh ra lượng mỡ lớn nhất”.

Trong vai người mua hàng, phóng viên đã liên hệ với anh Thái, người đăng thông tin rao bán trên mạng theo số điện thoại 0906 xxx 269. Anh này khẳng định chắc như đinh đóng cột: dùng trà lá sen, đặc biệt là trà lá sen khô để giảm mỡ máu, giảm béo hiệu quả là bí quyết giữ dáng của các cung tần mỹ nữ Trung Hoa cổ đại. Uống 4-6 tách trà lá sen khô mỗi ngày, có tác dụng lợi tiểu và giảm béo. Nên uống khi bụng không “quá tải” để đạt được hiệu quả cao nhất. Dùng lá sen để giữ dáng có thêm cái lợi nữa, bạn không cần phải quá ngặt nghèo trong vấn đề ăn kiêng. Bởi sau khi dùng một thời gian, tự khắc trà sẽ sản sinh chất đăng biệt thay đổi sở thích ăn uống một cách rất tự nhiên, thường là “miễn dịch” với những lại sản phẩm chứa nhiều chất béo. Từ đó có các dụng giảm cân, giữ dáng eo thon.

Không chỉ có những người bán hàng tự phát, một vài công ty dược cũng tung ra các sản phẩm chức năng làm từ lá sen và các loại thảo dược khác như mạch ba góc, hoa hòe,… được quảng cáo là có tác dụng giảm mỡ máu, giảm mỡ gan, làm chậm quá trình xơ vữa động mạch. Như để chứng minh công dụng của lá sen, tin giới thiệu về sản phẩm chức năng giảm mỡ máu từ thảo dược (đăng trên một website về giảm mỡ máu) còn dẫn ra một trường hợp ở Yên Dũng, Bắc Giang khỏi bệnh chỉ nhờ uống nước hãm từ lá sen khô. Theo đó, bệnh nhân này bị mỡ máu cao, chỉ số cholesterol trong máu là 7,3 mmol/l, trong khi mức bình thường là 3,9 – 5,2 mmol/l. Sau ba tháng uống nước hãm từ lá sen khô đều đặn mỗi ngày, chỉ số cholesterol trong máu của bệnh nhân này giảm xuống còn 4,3 mmol/l (nằm trong ngưỡng bình thường).

Thực hư tác dụng


+ Có giảm mỡ máu nhưng hiệu quả thấp

Để tìm hiểu thực hư tác dụng chữa bệnh, giảm béo của lá sen khô, phóng viên đã tìm gặp ThS. BS. Nguyễn Thị Hằng, Phó chủ nhiệm bộ môn Đông dược, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Bác sĩ Hằng cho biết: Lá sen được dùng trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian với tên gọi là Hà diệp hay Liên diệp, vị đắng, hơi chát, mùi thơm nhẹ, tính mát bình, có tác dụng thanh thử, thăng dương, chỉ huyết. Lá sen được sử dụng làm dược liệu phải là lá màu lục, còn nguyên lá, không bị sâu, không có vết thủng. Đông y sử dụng lá sen làm thuốc an thần, chữa mất ngủ, chữa sốt, miệng khô khát.

Lá sen có tính thanh nhiệt, bình can. Thành phần alkaloid và flavonoid có tác dụng chống oxy hóa lipid màng tế bào gan. Cũng vì vậy mà lá sen được sử dụng để chữa chảy máu, đại tiện, tiểu tiện ra máu, chảy máu chân răng, chống xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim, xuất huyết dưới da, sốt xuất huyết, an thần và cả giảm mỡ máu. Ngoài ra, nuciferine có trong lá sen có tác dụng giải co thắt cơ trơn, hạ huyết áp, giảm đau, an thần, chống rối loạn nhịp tim và cầm máu.

Nói về khả năng hạ mỡ máu của lá sen, bác sĩ Hằng cho biết: “Đã có một số nghiên cứu chứng minh lá sen có hạ cholesterol và lipid máu nhưng tác dụng của nó không cao, nếu không muốn nói là yếu. Vì vậy mà lá sen chỉ được dùng kết hợp với một số dược liệu khác có tác dụng hạ cholesterol (như sơn tra, bạch linh, ý dĩ, hạ khô thảo, ngũ gia bì…) nhằm mục đích điều hòa lipid máu”. Trước đây, BV. Hữu nghị Việt Xô đã nghiên cứu sử dụng lá sen cho một số bệnh nhân bị mỡ trong máu cao song kết quả chưa rõ ràng.

+ Đừng quá kỳ vọng

Nhận định về thông tin khỏi bệnh mỡ máu cao nhờ uống nước hãm từ lá sen khô của bệnh nhân ở Yên Dũng, Bắc Giang, bác sĩ Hằng cho biết: “Hiện chưa có nhiều bằng chứng chứng minh lá sen có thể giúp giảm mỡ máu hiệu quả nhanh như vậy. Đặc biệt là nếu chỉ dùng lá sen không thôi, mà không kết hợp với các vị thuốc khác. Vì vậy, bệnh nhân không nên quá kỳ vọng vào việc điều trị bằng lá sen khô cũng như các sản phẩm từ lá sen”.

Bác sĩ Hằng cũng lưu ý, người sử dụng không nên nhầm lẫn giữa giảm mỡ máu với giảm béo. Hiện tại chưa thể kết luận lá sen có tác dụng giảm béo. Nó chỉ có khả năng điều hòa lipid máu theo xu hướng giảm lipid tự do và cholesterol máu, ít nhiều sẽ có lợi cho người béo nhưng chưa chắc đã giảm béo được.

Lá sen cũng có tác dụng phụ

Trong đông y, lá sen được xác định là tính mát, bình, không động nhưng nếu dùng quá liều hoặc tùy tiện thì nó cũng có thể trở thành chất gây hại cơ thể. Bệnh nhân ngộ độc vì dùng lá sen có thể gặp các triệu chứng như: tê môi, lưỡi và niêm mạc miệng, nôn nao, hoảng hốt, da xanh xao, chân tay lạnh, vã mồ hôi, co giật, mạch nhỏ yếu, khó bắt, tim đập chậm, không đều, rối loạn tim mạch, tụt huyết áp… Ngoài ra, chính tác dụng thanh nhiệt trong lá sen dễ làm cho người thể hàn bị tiêu chảy, nhiệt độ hạ thấp, chân tay lạnh, đi tiểu nhiều.

Bác sĩ Hằng cũng khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với sản phẩm chức năng được bào chế từ lá sen, chỉ nên dùng khi thực sự cần thiết, tránh tùy tiện và luôn cảnh giác bởi nguy cơ dị ứng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Trước khi đi khám bệnh hoặc mua thuốc phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những loại thực phẩm chức năng nào bạn đang dùng hoặc có ý định dùng nó để chữa bệnh.

Theo Sức khỏe Gia đình

Thực hiện: depweb

05/10/2012, 10:19