Thu hồi sách vẽ cờ Trung Quốc chưa phải là cách giải quyết tận gốc - Tạp chí Đẹp

Thu hồi sách vẽ cờ Trung Quốc chưa phải là cách giải quyết tận gốc

Tin Tức

– Đã hai ngày sau khi hình ảnh “cổng trưởng cắm cờ Trung Quốc” được phát hiện trong sách “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” dành cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1. Ông đánh giá gì về giải trình của các bên liên quan trong sự việc này?

 
– Hai ngày nay, tôi đọc báo, phải lần lượt đón nhận chuyện “cổng trường cắm cờ Trung Quốc”, lại đến chuyện cuốn sách dạy tiếng Việt do tác giả Việt Nam biên soạn (sách Bé làm quen với chữ cái (hành trang cho bé chuẩn bị vào lớp 1) của tác giả Nguyễn Thị Thúy Hà, NXB Đại Học Sư Phạm xuất bản – PV) in cờ Trung Quốc mà thấy rất buồn. Càng đọc thông tin, đọc lại những lời giải thích của những cá nhân có liên quan mà thêm đau xót. Ai cũng biết, sách giáo khoa dạy cho trẻ phải chuẩn chỉ từng câu chữ. Nhất là với lứa tuổi mầm non, những hình ảnh trong sách sẽ đi vào sâu lắng tâm hồn trẻ em, có thể ảnh hưởng nguy hại đến việc xây dựng tâm hồn yêu nước.
 

Ở bài 14 của cuốn Bé làm quen với chữ cái có in hình cờ Trung Quốc.



Ở bài 14 của cuốn “Bé làm quen với chữ cái” có in hình cờ Trung Quốc.

 
Tôi khẳng định, thu hồi toàn bộ số sách để chỉnh sửa chưa phải là cách giải quyết tận gốc vấn đề. Những người có liên quan không thể trả lời chống chế là “sơ ý”, “in thử”, “chẳng có gì”… Phải nói rõ: xảy ra sự việc này là trách nhiệm các bên gồm: tác giả và biên tập, nhà xuất bản và đối tác liên kết, Cục Xuất bản. Lúc này đây, ngành giáo dục đang đi vào thời đại mới, còn nhiều ngổn ngang cần giải quyết, mà nay lại xảy ra chuyện buồn như thế này…
 
– Thưa ông, lại có một số ý kiến cho rằng: Nếu là cuốn sách có nội dung tốt, không xúc phạm đến người Việt Nam, không ảnh hưởng đến chủ quyền Việt Nam thì cũng không có gì phải băn khoăn khi có lá cờ của Trung Quốc trên nóc ngôi trường trong tranh…
 
– Tôi nghĩ khác. Điều kể trên, có thể là một chi tiết rất nhỏ trong quyển sách nhưng có ý nghĩa lớn lao với việc giáo dục tâm hồn trẻ thơ. Tôi đặc biệt không đồng tình với lời giải thích rằng đây là sách mua bản quyền từ nước ngoài, “đơn vị phát hành sách phải giữ nguyên xi nội dung gồm phần chữ và hình ảnh như bản gốc, không được phép thay đổi”.
 
Không thể chấp nhận cách lý giải như vậy. Đã hội nhập rồi thì khi mua sách càng phải cẩn thận. Mặc khác, đã mua bản quyền mà lời giới thiệu lại ghi “mập mờ” là sách theo chương trình của Bộ GD-ĐT, liệu đó có phải là đánh lừa người đọc, đánh lừa người dân không?
 
Nhiều người cho rằng những giải thích trên đây là ngụy biện, tôi cho rằng, không hẳn như vậy. Ngụy biện là không có thật. Còn những lời phát biểu trên đây có thể là xuất phát từ sự thật, một sự thật rất đáng buồn là nhiều người rất thiếu trách nhiệm. Thời buổi hội nhập kinh tế không có nghĩa là muốn mua sách gì thì mua, muốn xuất bản thế nào cũng được. Không lẽ mua bản quyền về là được in? Vậy thì có Cục Xuất bản để làm gì? Những lời giải trình như vậy không thể chấp nhận được.
 
– Dường như bài học lớn nhất rút ra từ những câu chuyện trên đây, là nhận thức về trách nhiệm của từng cá nhân trước đòi hỏi của xã hội?
 
– Như tôi đã nói, các bên gồm tác giả và biên tập, nhà xuất bản và và đối tác liên kết, Cục Xuất bản phải chịu trách nhiệm xã hội rất lớn. Chức năng nhiệm vụ của các bên này là chăm lo về đời sống tinh thần của thế hệ trẻ và cả dân tộc. Ngoài những điều kiện tối thiểu như ăn, mặc ở thì là tinh thần mang giá trị cao nhất, cốt lõi để nói về phẩm giá dân tộc.
 
Những sai sót mà ta đang nói là sai sót về nguyên tắc và không thể có. Do đó, càng phải đòi hỏi việc xử lý nghiêm, răn đe cho những người kế tục.
 

Xin cảm ơn ông!

Theo Dân trí

Thực hiện: depweb

08/03/2013, 11:07