Thời trang thay máu - Tạp chí Đẹp

Thời trang thay máu

Thời Trang

Lại càng không phải vô cớ mà Pierre Bergé, người tình tri kỉ, người cùng “thánh Laurent” sáng lập ra nhãn hiệu này lại đồng ý để người mới Hedi Slimane đổi tên thương hiệu. Đó là một cuộc thay máu để tìm lại những huy hoàng của quá khứ!

Chuyện thành công từ quá vãng



Hedi Slimane

Không ai có thể phủ nhận việc thay đổi tên thương hiệu gần như là một câu chuyện hy hữu trong suốt quá trình phát triển của bất kì thương hiệu nào, trong bất kỳ lĩnh vực nào. Với một thế giới nổi tiếng hào nhoáng như thời trang, cái tên thương hiệu lại càng trở nên quan trọng. Thế nhưng lịch sử ngành công nghiệp tỷ đô này cũng đánh dấu không ít lần thay tên đổi họ mà thời trang vẫn thường ví von đó là những cuộc thay máu.

Có lẽ điển hình nhất là câu chuyện thay tên của Dior Homme. Thuở ban đầu, vào thập kỉ 80, 90, nó có tên là Dior Monsieur, so với Dior Homme thì việc phát âm không thuận cho bằng. Đây là một dòng thời trang dành cho nam giới của nhãn hiệu Christian Dior. Nhưng nhãn hiệu lừng danh trên đại lộ Montaigne đã thực hiện cuộc cách mạng được giới trong nghề đánh giá là vô cùng thú vị đó chỉ khi Hedi Slimane xuất hiện.

Với lời hứa sẽ biến Dior Homme trở thành một thương hiệu nổi tiếng dành cho phái mạnh, nhà thiết kế mang hai dòng máy Ý và Tunisie đã đưa ra đề xuất đầu tiên là thay tên. Bất ngờ ở chỗ, sau khi cái tên mới trình làng kết hợp với một loạt những cách tân trên trang phục dành cho nam giới như quần slim, skinny, trang phục androgyny, cravate thiết kế thon nhỏ…, Dior Homme tăng doanh thu một cách chóng mặt. Thậm chí, cuộc thay đổi này còn được thời trang ưu ái gọi là cuộc cách mạng trong lĩnh vực kinh doanh thời trang nam giới.

Câu chuyện thứ hai diễn ra cách đây không lâu. Trước, cái tên Thierry Mugler vốn rất đình đám và là một trong những biểu tượng của thời trang Paris. Thương hiệu này cũng tạo ra không ít cuộc cách mạng cho trang phục nữ khi ngẫu hứng đưa vào đó yếu tố sex, rock. Nhưng sau không ít gián đoạn, Thierry Mugler dần mất đi bản sắc khi không tìm thấy người kế vị đúng nghĩa. Thậm chí sàn diễn Paris từng phải ngậm ngùi chia tay nó trong một thời gian.

Thierry Mugler chỉ thật sự tìm thấy bản sắc khi được trao vào tay Nicola Formichetti, một nhà thiết kế trẻ sinh năm1977 và cũng là nhân vật chủ chốt xây dựng lên hình ảnh quái dị của Lady Gaga, năm 2011. Ngay lập tức Nicola Formichetti khai thác triệt để những giá trị quá khứ của Thierry Mugler đồng thời kết hợp với tinh thần hiện đại. Bản thân cái tên Thierry Mugler giờ cũng được gọi một cách ngắn gọn hơn rất nhiều, Mugler. Giá trị cũ được nâng tầm trong một cái tên mới, và câu chuyện này cũng được giới thời trang ghi nhận không kém gì cuộc cách mạng của Dior Homme.

Và những đổi thay gây nhiều tranh cãi ở hiện tại

Có một thực tế không thể phủ nhận, thời gian gần đây, cái tên Saint Laurent Paris và nhà thiết kế Hedi Slimane luôn là tâm điểm trong một loạt các cuộc bút chiến trên cả tạp chí cũng như các diễn đàn về thời trang. Không rõ có phải sau thành công từ câu chuyện thay đổi thương hiệu của Dior Homme hay không, nhưng ngay khi trở thành giám đốc sáng tạo của nhãn hiệu nổi tiếng Paris này đồng thời dưới sự hậu thuẫn của Pierre Bergé, Hedi Slimane đề xuất thay đổi Yves Saint Laurent thành Saint Laurent Paris và chuyển studio sáng tạo tới Los Angeles, nơi Hedi Slimane đang gắn bó, chứ không phải ở Paris như truyền thống của Yves Saint Laurent.

Lady Gaga và Nicola Formichetti

Bất chấp mọi phê phán, Pierre Bergé lên tiếng bảo vệ và khẳng định việc thay đổi tên này là một ý tưởng tuyệt vời. Và rằng, một số người đã quên rằng, ngôi nhà lừng danh này đã được gọi là Saint Laurent từ năm 1966 cho đến ngày Tom Ford xuất hiện vào năm 1998. Đồng thời người tình một thuở của nhà thiết kế huyền thoại Yves Saint Laurent cũng cho biết thêm: “Hedi Slimane đã thông báo với tôi ý định tiếp cận trở lại những giá trị cốt lõi của nhãn hiệu”.

Trong khi đó Betty Catroux, nàng thơ một thời của Yves Saint Laurent trả lời trên WWD rằng mọi quyết định của Hedi Slimane rất sáng suốt. Còn bản thân Hedi Slimane trước những bàn tán của làng thời trang đã bày tỏ trên tạp chí Vanity Fair: “Rõ ràng giai đoạn này nhãn hiệu không được đánh giá cao. Tôi đã quay về năm 1966 và trước sự kiện tháng 5/1968 một chút. Những làn gió mới đã thay đổi thế hệ trẻ. Và Yves Saint Laurent muốn phân biệt rạch ròi khách hàng Haute Couture để hướng đến một thế hệ mới”.

Khoan hãy bàn tán quanh chuyện tên cũ Yves Saint Laurent hay tên mới Saint Laurent Paris, cái tên nào thú vị, dễ nhớ, dễ đọc bởi cái mới luôn khó được chấp nhận còn cái cũ vốn đã quen thuộc. Ở đây, có một thực tế ai cũng thấy là thời hậu Yves Saint Laurent, với kỉ nguyên của Alber Elbaz rồi Tom Ford và Stefano Pilati, nhãn hiệu này ngày càng mất đi ánh hào quang. Và chuyện thay đổi để tìm lại một Yves Saint Laurent thanh lịch, tinh tế và sang trọng của những năm 1966 là điều tất-ngẫu-dĩ.

Cuộc thay máu đã bắt đầu, phần còn lại đang được giới thời trang chào đón. Biết đâu, Hedi Slimane sẽ thiếp lập thêm một thành công đáng kinh ngạc nữa cho ngành thời trang với sự tỏa sáng trở lại của Saint Laurent Paris. Câu trả lời sẽ rõ trong nay mai khi BST Xuân Hè 2013, BST đầu tiên của Hedi Slimane trong cương vị giám đốc sáng tạo của Saint Laurent Paris được trình làng.

 

BST của Dior Homme

BST của Thierry Mugler

BST Thu Đông 2012 của Yves Saint Laurent

Bài: An Nhiên

Theo Sành điệu

Thực hiện: depweb

09/09/2012, 10:15