Sau một tháng 2 tụt xuống 8.920 chiếc do ảnh hưởng của Tết Mậu Tý, các liên doanh ôtô trở lại thời hoàng kim và lượng xe phá kỷ lục 12.084 chiếc của tháng 1. Trong tháng 3, doanh số bán hàng của nhiều mẫu xe biến động gấp vài lần so với tháng trước đó. Điều này là cơ sở để tổng lượng xe gấp tới gần 3 lần so với cùng kỳ 2007. Trong đó, dòng xe thương mại tăng cao nhất, 272% với 7.942 xe bán ra. Dòng xe đa dụng MPV/SUV tăng 109%, dừng ở mức 2.981 chiếc còn xe sedan (5 chỗ) là 140% (2.168 xe). Những nhận định về khó khăn của Innova như hết “mốt” do nhiều xe làm taxi hay không được cải tiến trong hơn 2 năm gần như không có tác động nào đến người tiêu dùng. Chiếc đa dụng này vẫn ăn khách và xác lập một ngưỡng mới, 1.521 chiếc trong tháng 3, phá kỷ lục 1.509 xe mà Toyota Việt Nam bán ra vào tháng 12/2006. Kể từ khi ra mắt tháng 1/2006, Innova luôn giữ ngôi đầu về mức độ tiêu thụ tại Việt Nam. Ngay cả khi toàn thị trường bị đình trệ do ảnh hưởng của xe cũ nhập khẩu vào nửa cuối năm 2006, Innova vẫn đạt doanh số 800-1.000 xe mỗi tháng, chiếm tới 60% phân khúc MPV/SUV, một kết quả ít ai hình dung ra trước đó. Mẫu xe có thời gian chờ dài nhất, Chevrolet Captiva cũng theo chân Innova có mức tăng chóng mặt trong tháng 3. Lần đầu tiên kể từ khi ra mắt tháng 12/2006, Captiva đạt doanh số 619 chiếc, gấp 2 lần tháng 2 và tăng 262% so với cùng kỳ 2007. Giống như Innova, Captiva có không ít lời chê khi thời gian chờ lên tới vài tháng, nhiều lỗi nhưng do mức giá hấp dẫn và kiểu dáng crossover hiện đại nên lập kỷ lục là điều không quá bất ngờ với mẫu xe này. Bởi tất cả chỉ phụ thuộc vào năng lực giao hàng của liên doanh Vidamco. Ngôi sao thứ ba trong “làng” MPV/SUV Ford Everest cũng không kém cạnh về khả năng tiêu thụ, tuy không lập nên kỳ tích mới. Trong tháng 3, Ford Việt Nam giao được 504 chiếc Everest, nhưng tới 464 xe thuộc loại một cầu (4×2). Loại 2 cầu 4×4 chiếm rất ít trong doanh số của Everest do giá cao và thực sự không cần thiết với nhu cầu sử dụng của khách hàng Việt Nam. Nếu Innova dẫn đầu trong phân khúc MPV/SUV thì Honda Civic gần như không có đối thủ ở dòng sedan. Mẫu xe duy nhất của Honda tiếp tục khẳng định vị thế khi đạt kỳ tích mới, 647 xe giao tới tay khách hàng trong tháng 3. Sự thành công của Civic được đánh giá cao do lượng xe bán ra hoàn toàn là sử dụng cá nhân, Honda không có chính sách dùng xe của mình làm taxi. Thấp hơn Civic một cấp, chiếc Toyota Vios mới cũng đang “làm mưa làm gió” trên thị trường. Doanh số tháng 3 của mẫu xe này lên mức cao nhất kể từ khi trình làng tháng 9/2007, đạt 348 chiếc. Còn Toyota Camry vẫn “đều đều” khi chỉ tăng nhẹ so với tháng 2, lên 253 chiếc. Ngoài các mẫu xe sedan của Honda, Toyota và thêm Vidamco, những sản phẩm khác vẫn đang ở giai đoạn chuẩn bị “khai tử”. Giữa lúc thị trường đang sôi động mà Mekong Auto chỉ bán được 1 chiếc Fiat Albea, VMC tiêu thụ vỏn vẹn 78 chiếc Lifan 520 còn Ford bán được 9 chiếc Mondeo. Nếu Bộ Tài chính tăng thuế linh kiện trong thời gian tới thì đó sẽ là thời điểm những mẫu xe này chính thức rời khỏi Việt Nam. Bởi với mức giá hiện nay, doanh số đã thấp thì khi tăng giá, chúng khó có thể “sống” được. Tính tổng thể các loại xe, Tổng công ty công nghiệp ôtô Việt Nam (Vinamotor) vẫn dẫn đầu với 2.356 xe thương mại bán ra. Toyota Việt Nam đứng sát thứ hai (2.326 chiếc). Trường Hải xếp thứ ba khi giao được 2.192 xe thương mại. GM Daewoo dù không lắp xe tải hay xe bus vẫn đạt mức 1.314 chiếc, đứng thứ tư. Xếp thứ năm là Vinaxuki (1.122 xe).
Theo VNexpress
Chia sẻ bài viết này