“The giver” – nỗi đau của ký ức

Về mặt nội dung, “The giver” đưa ra được một ý tưởng đầy sáng tạo. Vào một tương lai xa, con người dần dần hoàn thiện cuộc sống đến mức tạo ra được một cộng đồng hoàn hảo. Không bệnh tật, không chiến tranh, không ganh đua, thù hằn giết chóc… và không cảm xúc. Tất cả những ký ức của nhân loại đều được tập trung lưu trữ trong một con người.

Kẻ được chọn làm người lưu trữ đó có nhiệm vụ phải tìm kiếm vào đào tạo ra một thế hệ tiếp nối công việc mình đang thực hiện. Nhân vật chính của phim, Jonas là một người được chọn như vậy. Nhưng trong quá trình đón nhận ký ức, anh thấy rằng cuộc sống không cảm xúc của cộng đồng cần phải được thay đổi. Mỗi con người đều phải được quyền có cho mình những giận hờn, yêu thương và tận hưởng những cảm giác kỳ lạ mà cảm xúc mang tới.

 

Tưởng như “The giver” đưa ra một ý tưởng mới mẻ, nhưng nếu xem kỹ phim, sẽ thấy nó na ná giống vài bộ phim trước đây. Nhưng, điểm hay của kịch bản chính là không sao chép hay ăn theo một cách hỗn tạp mà tiếp thu có chọn lọc để đưa cho người xem một sản phẩm tốt.

Điểm nổi bật thứ hai của phim chính là hình ảnh và âm thanh. Mặc dù với kinh phí ít ỏi, 25 triệu USD, quá thấp so với những bộ phim khác của Hollywood, nhưng “The giver” vẫn làm mãn nhãn người xem. Cái hay của phim nằm ngay ở những khung cảnh ban đầu, phim có tông trắng đen, để rồi dần dần chuyển sang màu. Nếu xem phim kỹ và kết hợp tâm lý nhân vật, các bạn sẽ nhận ra bước chuyển đó hoàn toàn hợp lý và vô cùng tinh tế, truyền tải được tư tưởng nhân văn mà phim hướng tới.

Dàn diễn viên của phim cũng là một điểm cộng lớn. “The giver” quy tụ được cả ba nhóm diễn viên cần thiết. Phim có sự xuất hiện của nhóm diễn viên trẻ thủ vai chính, trong đó Jonas do Brenton Thwaites. Anh chàng này từng được biết đến với một số vai diễn không mấy nổi bật trước đây. Tuy nhiên trong “The giver”, Brenton đã làm tốt vai trò của mình khi miêu tả rất tốt nội tâm giằng xé của nhân vật. 

Bên cạnh tên tuổi mới, nhóm diễn viên gạo cội cũng đóng vai trò hỗ trợ tốt trong phim. Hai diễn viên từng đoạt Oscar là Jeff Bridges và Meryl Streep cùng Katie Holmes tuy có đất diễn không nhiều, nhưng vẫn tạo được ấn tượng tốt cho người xem và là sự dẫn dắt hợp lý cho lớp đàn em trong nghề đi lên tìm vị trí.

 

Một tên tuổi khác cũng xuất hiện trong phim, được quảng bá rộng rãi, chính là diễn viên khách mời, ca sĩ Taylor Swift. Vai của Taylor trong “The giver” là Rosemary, người giữ ký ức tiền nhiệm của Jonas. Không còn mái tóc vàng quen thuộc, Taylor xuất hiện với tóc nâu và ăn mặc giản dị, đằm thắm, tạo nên sự mới mẻ cho hình ảnh của chính cô. Với cách quảng bá khéo léo, chắc chắn lượng fan của Taylor sẽ đóng một phần không nhỏ trong doanh thu phòng vé, dù là chỉ để được nghe giọng hát cô trong phần soundtrack.

Bên cạnh những điểm tốt kể trên, phim vẫn còn vài hạn chế nhỏ. Do phim thiên về khai thác chiều sâu tâm lý nên không nhiều cao trào, kịch tính hay hành động, chủ yếu chỉ là thoại và thoại. Người xem không quen sẽ dễ cảm thấy chán và thiếu hấp dẫn. Cao trào phim diễn ra ở đoạn cuối hơi nhanh và dồn dập, cách giải quyết cũng khá an toàn, chưa thật sự gây ấn tượng mạnh cho người xem.

 

Với một số hạn chế nhỏ cùng nhiều điểm tốt nổi bật hơn, chắc chắn rằng “The giver” là một bộ phim đáng xem.

Phim gởi đến nhiều thông điệp đáng suy nghĩ. Một xã hội hoàn hảo, chỉ là khi con người ta bỏ qua hết cảm xúc, nhưng liệu xã hội đó có đáng sống hay không? Và nếu tinh ý, bạn sẽ nhận ra trong phim, những người lưu trữ ký ức luôn mang một nỗi đau lớn, luôn mang những trăn trở dằn vặt nhiều hơn những người không còn ký ức. Thực tế thì đời chúng ta cũng như vậy, người càng mang nhiều chuyện xưa cũ, lại càng thấy nặng lòng hơn…

Bài: Chú Hề
Ảnh: IMDB


logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Khi bắt đầu đọc các tiểu thuyết của Murakami, dường như cuộc đời người đọc cũng trở nên giống như vậy. Đó là phép thuật kỳ lạ của ông.


From the same category