Haruki Murakami: Tôi viết về bạo lực, tình dục và thấy sợ - Tạp chí Đẹp

Haruki Murakami: Tôi viết về bạo lực, tình dục và thấy sợ

Sao

Tại hội chợ sách quốc tế Edinburgh vừa diễn ra, Haruki Murakami đã xuất hiện để trả lời những câu hỏi của người yêu sách. Rất ít khi xuất hiện trước công chúng và giới truyền thông, nhưng Murakami là người vui vẻ, hài hước, thoải mái, và ông trả lời mọi câu hỏi bằng tiếng Anh. 

Tác giả của 13 cuốn tiểu thuyết và rất nhiều truyện ngắn khác khẳng định rằng ông quên hầu hết những gì mình đã viết. Đó là lý do vì sao khi được hỏi về những chi tiết đặc biệt trong truyện, câu trả lời của ông thường là: “Vậy à?” hay “Tôi không nhớ điều đó”. Đây là hai câu trả lời thường xuyên nhất của ông. Nói về cuốn “Biên niên ký chim vặn dây cót”, ông nói: “Nó được xuất bản từ 20 năm trước rồi, và từ đó tới giờ tôi chưa từng đọc lại”. 

Đẹp Online xin gửi tới độc giả một số câu trả lời của ông với độc giả tại hội chợ sách quốc tế Edinburgh. Hy vọng rằng chúng sẽ làm thỏa mãn một số thắc mắc của người đọc với nhà văn được yêu mến này. 

1. “Tôi cảm thấy không thoải mái khi viết với tư cách người thứ ba: giống như tôi đang nhìn xuống nhân vật của mình vậy”. 

“Tôi viết tiểu thuyết đầu tiên của mình từ năm 1979. Từ đó tới nay, tôi viết mọi tiểu thuyết ở ngôi thứ nhất. Tôi đã thử vài lần để kể chuyện trong tư cách người thứ ba (tôi mất chừng 20 năm để làm việc này, thử nghiệm đầu tiên là với cuốn “Kafka bên bờ biển”), và mỗi lần thử, tôi đều thấy không thoải mái, cứ như tôi đứng trên cao và nhìn xuống vậy. Tôi muốn đứng ở cùng vị bậc thang với các nhân vật của mình. Như thế dân chủ hơn.” – Murakami chia sẻ. 
2. “Khi tôi trẻ hơn, tôi muốn là một người lặng lẽ và sống một cuộc đời lặng lẽ”. 

“Toru Okada (nhân vật chính trong “Biên niên ký chim vặn dây cót” là người hùng của tôi. Khi tôi trẻ hơn, tôi muốn được như cậu ấy. Tôi chỉ muốn là một người lặng lẽ và sống một cuộc đời lặng lẽ. Nhưng bây giờ thì chẳng lặng lẽ được nữa. Cuộc đời thật kỳ lạ.”

3. Murakami giải thích rằng rất nhiều bối cảnh trong sách của ông là từ chính cuộc đời ông – những con mèo, các món ăn, âm nhạc và những ám ảnh. Và đây là một số bình luận của ông về việc tại sao ông tạo ra rất nhiều đường dây câu chuyện khác nhau trong một cuốn sách: “Tôi thường mất 2 năm để viết một tiểu thuyết – và tôi cứ viết hết ngày này sang ngày khác… Rồi tôi thấy mệt mỏi! Tôi phải mở cửa sổ ra để lấy một chút không khí thoáng mát. Tôi viết một đường dây câu chuyện khác để giải trí – Tôi hy vọng người đọc cũng sẽ được giải trí giống như tôi. Thêm nữa, tôi viết ở ngôi thứ nhất để kể lại, vì thế tôi cần một thứ gì khác, ví dụ như các lá thư, hay một câu chuyện của ai khác (để phát triển các đường dây kể chuyện)”. 

4. “Tôi chẳng thích viết về bạo lực hay lạm dụng tình dục – nhưng tôi phải làm thế cho các biến cố của câu chuyện”. 

Một vài tiểu thuyết của Murakami có nói về những thứ thật khủng khiếp – ví dụ như một số khoảnh khắc khủng khiếp trong “Biên niên kí chim vặn dây cót”

“Tôi cũng thấy sợ khi viết những thứ đó. Tất cả các dịch giả đều phàn nàn với tôi rằng truyện đáng sợ quá. Nhưng quá trình viết còn đáng sợ hơn nhiều. Và tôi phải làm thế. Bạo lực và lạm dụng tình dục là một kiểu kích thích cho câu chuyện. Tôi không thích viết về chúng, nhưng tôi phải làm thế”. 

5. “Giấc mơ đời tôi là được ngồi dưới đáy giếng”. 

“Đó là giấc mơ của đời tôi: ngồi dưới đáy một chiếc giếng. Tôi nghĩ: thật vui khi viết một tiểu thuyết, tôi có thể là bất cứ ai. Vì thế tôi nghĩ: Tôi có thể ngồi dưới đáy giếng, cô lập hoàn toàn… Thật tuyệt!”

6.  Về chuyện dịch các cuốn sách, Murakami nói: “Cứ thoải mái đi!”

Rất nhiều độc giả hỏi về việc dịch sách của Haruki Murakami và sự tham gia của tác giả với các bản dịch tiếng Anh. Một độc giả hỏi: “Cách kể chuyện của ông dựa rất nhiều vào sự tinh tế và các sắc thái, tôi không biết ông có nghĩ rằng độc giả của ông, những người trải nghiệm tiểu thuyết của ông thông qua các bản dịch, sẽ bị thiệt thòi vì không được đọc nguyên bản tiếng Nhật”. 


Murakami chia sẻ: “Tôi có thể đọc sách tiếng Anh, nhưng không đọc được tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức hay thứ tiếng nào khác. Nhưng khi một bản dịch tiếng Anh đã hoàn thành, họ gửi tôi bản thảo, và tôi đọc thấy ổn. Với tôi thế là ổn. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Quan điểm của tôi là nếu tôi thấy thích bản dịch, thì tức là nó tốt rồi. Cứ thoải mái đi. Thỉnh thoảng tôi cũng tìm thấy một số lỗi sai và tôi báo cho dịch giả. Nhưng chỉ có chừng 3-4 lỗi như thế trong một quyển sách thôi”. 

7. “Khi viết sách (hàng ngày), tôi chẳng có ý tưởng gì về chuyện sẽ xảy tới”. 

Một vài người đọc muốn biết về quá trình viết sách của ông: “Mỗi quốc sách đều đã được viết xong trong đầu ông trước khi ông đặt bút, hay viết sách là một hành trình mà ông phải trải qua cũng giống như các độc giả của mình”. 

“Tôi chẳng có ý tưởng nào khi bắt đầu, chuyện gì tới sẽ tới. Ví dụ, với cuốn “Biên niên ký chim vặn dây cót”, điều đầu tiên đến với tôi là tiếng kêu của con chim, vì tôi nghe thấy tiếng chim ở sau vườn (đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy một âm thanh như thế, và từ đó tới nay tôi cũng chưa từng nghe lại. Tôi cảm giác như tiếng kêu đó dự báo một điều gì. Vì thế tôi muốn viết về nó). Thứ tiếp theo là việc nấu mì spaghetti – đây là những chuyện đã xảy ra với tôi. Tôi đang nấu mì thì có ai đó gọi điện thoại. Thế là tôi có hai thứ để bắt đầu nhé. Trong hai năm sau, tôi cứ tiếp tục viết. Cũng khá vui! Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, ngày nào cũng thế. Tôi dậy sớm, tới bàn làm việc, bật máy tính, … rồi tôi hỏi chính mình: ‘Chuyện gì sẽ xảy ra hôm nay nhỉ?’. Khá vui! “ – Murakami kể lại. 
8. “Trí tưởng tượng của tôi cũng giống như một con thú. Vì thế việc tôi làm là giữ cho nó sống”. 

“Tôi bị ám ảnh với cái giếng. Và con voi. Tủ lạnh. Con mèo. Cái bàn là. Tôi không thể giải thích tại sao. “

9. “Cuộc đời tôi đầy những sự trùng hợp kỳ lạ”

Độc giả hỏi Murakami rằng tại sao ông thích sử dụng những sự trùng hợp trong tiểu thuyết của mình đến vậy, dù rất nhiều nhà văn khác cố tránh chúng vì những chuyện này có vẻ không thường xảy ra với độc giả. 

“Sách của Dicken đầy những chuyện trùng hợp, sách của Raymond Chandler cũng thế. Có nhiều chuyện không tưởng, nhưng chẳng ai phàn nàn cả, mà nếu không có chuyện đó thì mọi thứ xảy ra như thế nào bây giờ? Đây là quan điểm của tôi. Và ngoài ra thì rất nhiều chuyện trùng hợp cũng xảy ra ở ngoài đời thực của tôi nữa. Rất nhiều chuyện trùng hợp  kỳ lạ đã xảy ra ở nhiều điểm nối trong cuộc đời tôi. “

10. Điều tuyệt vời của việc trở thành một tiểu thuyết gia? “Không gặp gỡ, không giao tiếp, không có sếp”. 

Và theo nhà văn thì không cần phải thêm vào điều gì nữa cả. 

11. “Khi viết tiểu thuyết, tôi cần âm nhạc”. 

Một độc giả hỏi rằng tại sao Murakami lại chọn thêm vào rất nhiều âm nhạc trong các cuốn tiểu thuyết của mình. Và đây là những gì ông nói: “Mọi chuyện diễn ra tự nhiên. Khi viết tiểu thuyết, tôi cần âm nhạc, và các bài hát tự động đến với tôi. Tôi từng học được nhiều điều từ âm nhạc – các giai điệu, sự hòa nhịp, sự ngẫu hứng. Nhịp điệu là một thứ quan trọng với tôi – người ta cần nó để có độc giả, và để tiếp tục viết. Thông thường, tôi nghe nhạc khi tôi viết, và đó là nơi mà các bài hát trong sách xuất hiện”. 

12. “Tôi không định viết về các nhân vật buồn bã”. 

Một độc giả hỏi rằng tại sao các nhân vật của Haruki Murakami thường rất buồn. “Vậy ư?”, ông hỏi lại. Toru Okada buồn về cuộc hôn nhân của mình chẳng hạn. Và nhà văn trả lời: “Mọi người đều như vậy. Tôi không có ý định viết về những nhân vật buồn đâu”. 

Hoa Đường (lược dịch) 

Theo The Guardian


logo


>>> Có thể bạn quan tâm: Murakami lồng vào tác phẩm đậm đặc chất hư ảo. Người đọc, người kể chuyện, và cả nhân vật khi đóng vai người kể chuyện (như Tengo khi kể về thành phố mèo), không ai biết hết mọi thứ. Dù được người quan sát (chính là “người tí hon”) dẫn dắt từ đầu đến cuối, nhưng sự gắn kết giữa hiện thực trong 1Q84 với những gì quan sát được chỉ là tương đối.

 

Thực hiện: depweb

28/08/2014, 11:33