Tết ngày xưa - những món ngon của mẹ (P 2) - Tạp chí Đẹp

Tết ngày xưa – những món ngon của mẹ (P 2)

Sống

Tôi không bao giờ bén mảng xuống bếp khi bà làm việc này, vì công việc rất… không thú vị. Thế nhưng khi thịt thủ đã được thái mỏng, ướp gia vị cho thấm, và đang xào thơm trong chảo nóng, là tôi chạy ngay xuống bếp để được mẹ giao cho việc trông chảo thịt cho đến lúc vừa khô và hơi dính chảo. (Để còn được cậy những miếng thịt bị dính vào chảo, vàng xém và hơi giòn nên không dùng gói giò được nữa, nhưng ăn rất ngon).

tranh tết, tết xưa

“Chợ Tết” – tranh của bé Thanh Lan (học sinh Trường Tiểu học Thực Nghiệm)

Trong lúc ấy, mẹ tôi trải trên kệ bếp một cái vỉ đan bằng mo cau; trên ấy bà cũng xếp lá dong. Thịt trong chảo vừa được, mẹ tôi đổ hết lên trên chỗ lá dong ấy, gói lại thành một cái đòn dài, xong cuộn lại bằng cái vỉ mo cau. Bà lấy hai sợi lạt, buộc túm hai đầu mo cau lại, rồi dùng thêm lạt cột thân giò cho chắc. Tất cả đều phải làm nhanh tay, khi thịt còn nóng.  Cuối cùng, bà kẹp cây giò vào giữa hai thanh gỗ; rồi lại dùng lạt buộc ngang nhiều lần lại cho chắc và cuối cùng dằn lên trên bằng cái cối đá. (Cái cối đá này, khi di cư vào Nam mẹ tôi đã đóng cho vào thùng đồ đạc mang theo. Mọi người ai cũng cười, nhưng mẹ tôi vẫn nói bao nhiêu năm ở trong Nam, bà chưa bao giờ thấy bán ở đâu cái cối đá tốt như thế). Có khi mẹ tôi ép giò như vậy cả mấy ngày mới bỏ cối ra, để nước mỡ chảy bớt ra ngoài và giò thủ của bà ai được ăn cũng khen là gói rất chặt tay.  Bao nhiêu năm sau khi mẹ đã mất, qua bao nhiêu thay đổi trong cuộc sống, tôi vẫn không quên được món giò thủ của mẹ và những ngày được phụ bà làm món đặc biệt này.

 

Khoảng giữa tháng chạp, trước cả ngày mua lá gói bánh chưng, mẹ tôi đã muối dưa hành bằng cách nén, là cách chỉ có ngày Tết bà mới làm. Dưa cải sen phải chọn thứ đã già vừa phải, đừng non quá thì khi chín, dưa sẽ giòn và vàng đẹp. Đem về tách ra từng lá, rửa sạch rồi phơi một hay hai nắng cho hơi heo héo. Hành ta chọn củ tròn trịa nhưng không to lắm, bóc đi lớp vỏ ngoài và tỉa “râu”, chứ không cắt hết rễ đi; chỉ cần rửa cho thật sạch và để cho khô ráo. Cứ một lớp dưa, một lớp hành, một lớp muối, một lớp cam thảo (mẹ tôi mua ở tiệm thuốc bắc, còn nguyên cả cây, chưa thái nhỏ), và một lớp mía đã róc vỏ và chẻ thành những thanh mỏng, tiếp tục cho đầy vại. Tất cả mọi thứ cứ để khô như thế, cuối cùng dằn lên bằng cái cối đá đã được rửa và lau khô sạch sẽ.

Khi mẹ tôi còn, Tết nhất thật là long trọng. Từ khoảng 20 tháng chạp, bà đã ra chợ xem có lá dong tốt là thuê người khuân hai bó to tướng về dựa vào góc bếp.  Mỗi năm mẹ tôi gói gần một trăm cái bánh chưng, để biếu họ hàng (ở Việt Nam, họ hàng sao nhiều thế) và để đủ cho mười một đứa con của bà ăn Tết. (Tết ngày xưa còn bé P.1)
Vại dưa sau đó để vào một góc bếp; khoảng vài tuần sau là nước tự chảy ra, dưa chín màu vàng đậm đà; cắt ra để lên đĩa ăn chua tự nhiên, rất giòn và hơi có vị ngọt của mía và cam thảo. Những củ hành tím cũng đổi ra màu trắng nõn nà, không còn hăng nữa và trông thật đẹp mắt. Hành gọt rễ đi, thái mỏng rồi bày lên đĩa cùng với dưa trông như một tác phẩm nghệ thuật.

Sau khi bánh chưng và giò thủ đã xong, mẹ tôi bắt đầu rim một nồi thịt to, kho cá thu với giềng, mía, và nước trà tươi (cũng một nồi to không kém), phơi củ cải để ngâm nước mắm gừng, và làm mứt.  Gừng non được gọt vỏ, thái rất mỏng, rồi ngâm nước cho bớt cay.  Quả bí làm mứt là loại bí rất già và to, vỏ xanh biếc như ngọc thạch. Những miếng bí cắt ra được ngâm với nước pha vôi để mứt sẽ trắng và trong. Tôi thường không có kiên nhẫn nên không theo dõi mẹ làm mứt thế nào, vì mỗi thứ đều phải làm rất công phu.

Nhìn chảo mứt liu riu trên bếp lửa, và mẹ tôi kiên nhẫn ngồi bên, tôi có cảm tưởng như cả một thế kỷ nữa những miếng gừng hay miếng bí trong nước đường lóng lánh mới trở thành mứt được.  

Trong các thứ mứt ngày Tết, bố tôi thích nhất món mứt bí; và trong khi bọn trẻ con chúng tôi giành nhau những sợi bí tăm của hiệu bánh Bảo Hiên Rồng Vàng có thoảng mùi nước hoa bưởi pha vào, thì bố tôi chỉ thích miếng mứt bí cắt to vuông vức và dài bằng ngón tay mà mẹ tôi làm. Mãi đến ngày nay tôi mới biết thưởng thức miếng quà đặc biệt ấy: miếng mứt làm khéo sẽ giòn và trong veo như kẹo ở bên trong; cắn vào sẽ thấy mát và có vị ngọt hơi beo béo và thơm tự nhiên, nhấp với nước trà xanh thật thú vị, hơn cả mứt sen.

Mỗi lần nghĩ đến ngày xưa, tôi thường không khỏi thắc mắc không hiểu mẹ tôi đã học cách nấu nướng từ đâu. Mẹ tôi là con một, và ông bà ngoại tôi rất giàu có. Tôi được nghe kể là khi còn ở với ông bà ngoại, mẹ không phải làm bất cứ việc gì. Khi mẹ tôi lấy chồng và theo bố tôi đi làm việc ở tỉnh xa, ông ngoại tôi cũng cho bao nhiêu là người giúp việc đi theo. Mẹ tôi không biết làm gì cho hết thì giờ rảnh rỗi; trong lúc bố tôi đi làm, mẹ tôi chỉ ở nhà lấy cần câu ra câu rùa ở ao sau nhà rồi lại thả xuống cho đỡ buồn.

Đến khi bố mẹ tôi có con, thì mỗi anh chị tôi đều có một người vú riêng. Mẹ tôi cũng vẫn không làm gì cả ngoài việc ngồi đan áo cho con. Thế nhưng mẹ tôi tính hồn nhiên và giản dị. Trong khi các bà bạn cùng thời học làm bánh trái cầu kỳ để khoe tài khéo léo, thì mẹ tôi giỏi nấu ăn và làm những thức bình dân, thực tế rất giỏi. Có lẽ bà đã học được nhờ quan sát những người giúp việc phần lớn là dân quê. Vào Nam, khi phải tự tay làm mọi việc, mẹ tôi nhớ lại mọi thứ để nuôi một bầy con… lúc nào cũng ăn được với tài nội trợ của bà.

Nhà đông con, mẹ tôi nấu nướng suốt ngày, nhưng thức ăn ngày nào cũng được thanh toán gọn ghẽ cả. Các anh tôi đi học về thường chạy ngay vào bếp ăn vụng. Bị mẹ bắt gặp mắng cho thì các ông ấy bèn nói là ăn vụng mới ngon chứ lên bàn ngồi tử tế ăn không thấy ngon nữa. Thế là các ông ăn vụng thả giàn, vừa ăn lại còn vừa than phiền là không bị mắng nữa thì ăn vụng cũng bớt phần thú vị!

Đọc phần cuối: Tết ngày xưa và những người muôn năm cũ

 

Bài: Yến Chi

logo
 

Thực hiện: depweb

11/02/2015, 15:37