Trong y học cổ truyền phương Đông, tắm thuốc còn là dược dục liệu pháp, là phương pháp cho thêm vào nước thường hoặc trực tiếp sử dụng dịch thuốc y học cổ truyền làm nước để tắm rửa toàn thân hay cục bộ nhằm mục đích phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Mùa xuân thuộc dương, là thiếu dương trong dương. Đặc điểm của khí dương là thích tự do, thoải mái, muốn vươn lên trên và vượt ra ngoài, rất sợ bị áp bức và ức chế. Vậy nên, mùa xuân phải dưỡng dương, nghĩa là phải làm cho khí dương trong cơ thể luôn được nuôi dưỡng đầy đủ và khoáng đạt.
Dưỡng sinh tắm thuốc ngày xuân để bảo vệ và nâng cao sức khỏe, dự phòng tích cực bệnh tật và dưỡng da, đa phần là sử dụng hình thức toàn thân dược dục. Cách thức cụ thể là: Cho các vị thuốc vào nồi (tốt nhất là nồi đất) cùng với một lượng nước vừa phải, đun to lửa cho sôi rồi sắc nhỏ lửa chừng 30 – 40 phút, cô lại còn chừng 1.500 – 2.000ml là được. Khi tắm, pha thêm nước nóng sao cho nhiệt độ đạt khoảng 37 – 39oC, ngâm tắm toàn thân chừng 20 – 30 phút, mỗi ngày một lần. Dưới đây, xin giới thiệu một số công thức dược dục toàn thân có công dụng bảo kiện, cường thân và dưỡng da để bạn đọc có thể tham khảo và vận dụng trong những ngày xuân:
Từ đời Chu (Trung Quốc) đã sử dụng “Hương thang dục” là một phương thức ngâm tẩm cơ thể bằng nước sắc của các vị thuốc có mùi thơm. Đến sau đời Tống, trong dân gian bắt đầu xuất hiện những cơ sở chuyên phục vụ khách hàng bằng cách “tắm nước thơm”, từ đó dần dần hình thành một thói quen trong thiên hạ. Chẳng hạn, ngày Tết thì tắm bằng nước sắc của 5 dược liệu có hương thơm là lan hương, kinh giới, linh lăng hương, bạch đàn hương và mộc hương. Sau khi tắm bằng loại nước này, toàn thân tỏa mùi thơm phức, tinh thần trở nên phấn chấn, cơ thể có khả năng phòng ngừa tích cực các bệnh lý ngoại cảm trong mùa xuân. Sang tháng 2, cổ nhân khuyên nên lấy cây câu kỷ nấu lấy nước tắm ngâm có công dụng làm cho da dẻ sáng bóng, sắc mặt sáng tươi mà trẻ mãi.
Sách Vân cập thất tiên (đời Tống) có viết: “Buổi sớm ngày Lập Xuân sắc 3 vị là bạch chỉ, đào bì và thanh mộc hương lấy nước mà tắm thì cơ thể hết sức khỏe mạnh”. Bạch chỉ và thanh mộc hương đều là những thứ thuốc có công dụng phương hương hóa trọc, khu phong trừ thấp rất có lợi cho sức khỏe. Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, cả ba vị thuốc đều có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, làm thông thoáng đường hô hấp và dự phòng cảm cúm rất tốt. Đào bì là vỏ của cành và thân đào, đun nước tắm ngâm có thể trị chứng phong thấp, bôi ngoài da có thể chữa được mụn nhọt.
Bài 1: Đậu xanh 20g, bách hợp 20g, băng phiến 10g, hoạt thạch 30g, bạch phụ tử 30g, bạch chỉ 30g, bạch đàn hương 30g, tùng hương 30g, sắc kỹ lấy dịch chiết pha chế thành nước để tắm ngâm toàn thân, mỗi ngày 1 lần. Công dụng: cải thiện sức khỏe và dưỡng da.
Bài 2: Xương bồ 30g, đậu tương 30g, đậu đỏ 20g, tiểu hồi hương 10g, quán chúng 30g, phòng phong 20g, cúc hoa 30g, hồng hoa 20g, lá sen 30g, kinh giới tươi 30g, gừng tươi 10g sắc kỹ lấy dịch chiết pha chế thành nước để tắm ngâm toàn thân, mỗi ngày 1 lần. Công dụng: Dưỡng da, nâng cao sức khỏe, dự phòng tích cực cảm mạo và các bệnh lý ngoài da.
Bài 3: Rượu gạo 750ml hòa với nước ấm trong bồn rồi tắm ngâm toàn thân trong 20 phút. Công dụng: làm da khỏe và đẹp. Cũng có thể thay rượu gạo bằng bia hoặc rượu vang với liều lượng gấp ba.
Bài 4: Hoa đào 50g, hoa phù dung 30g, kim ngân hoa 30g, hoa sen 30g, bạch chỉ 30g, xuyên khung 20g, sắc kỹ lấy dịch chiết pha chế thành nước để tắm ngâm toàn thân, mỗi ngày 1 lần. Công dụng: làm khỏe và đẹp da, dự phòng cảm mạo ngày xuân.
Bài 5: Tỳ bà diệp 50g, cám gạo 50g, vỏ quýt 30g, địa phu tử 30g, tất cả tán vụn, cho vào túi vải rồi ngâm vào bồn chứa nước nóng, sau đó tắm ngâm toàn thân, mỗi ngày 1 lần. Công dụng: làm da khỏe và đẹp, dự phòng các bệnh lý da liễu mùa xuân…
Ths.Bs Hoàng Khánh Toàn (Chủ nhiệm khoa Y học Cổ truyền Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)
(theo Khoa học & Đời sống)