Mỹ Tâm là lớp ca sĩ tạo dựng tên tuổi ở thời gian đỉnh cao nhất của âm nhạc Việt Nam, khi mới bắt đầu hình thành khái niệm showbiz Việt, sau lứa của Hồng Nhung, Mỹ Linh, Lam Trường, Phương Thanh và cùng thời với Thanh Thảo, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng.
Từ khi 16 tuổi, khả năng ca hát của Mỹ Tâm đã được chứng minh với các giải thưởng âm nhạc lớn nhỏ, từ cấp quận đến cấp thành phố, đặc biệt là giải nhất giọng hát hay của báo Mực Tím đình đám lúc bấy giờ. Năm 1999, Tâm thu âm ca khúc đầu đời của mình là “Nhé anh”, sau đó hai năm, 2001 thì “nổi lên như một hiện tượng” với “Yêu dại khờ”. Nói thế không ngoa, bởi khoảng thời gian đó mà vô quán cà phê nào thì cũng nghe giọng Tâm văng vẳng: “vẫn biết yêu người không lối thoát…”, mà đúng là ai mà lỡ yêu giọng Tâm rồi thì… không lối thoát thật.
Những năm dài sau đó, Tâm chăm chỉ hoạt động, cống hiến khả năng của mình cho âm nhạc một cách bền bỉ và kiên trì, để rồi khi Tâm đạt được thành công, người ta không hề ngạc nhiên, vì Tâm xứng đáng có những thứ đó.
Khoảng thời gian năm 2003 – 2004, Internet chưa phát triển như hiện tại, người nghe nhạc vẫn còn chuộng việc mua đĩa CD của ca sĩ, có khi là các đĩa tổng hợp của nhiều ca sĩ khác nhau, và rất nhiều người sẵn sàng mua một cái CD có một bài hát mới của Tâm mà những đĩa trước đây họ chưa có. Tâm được người ta yêu thích một cách cuồng nhiệt như vậy đó.
Sự nỗ lực, kiên trì của Tâm với đam mê ca hát, được thể hiện rõ nhất qua số lượng album phát hành mỗi năm và việc luôn tìm tòi, làm mới mình trong mỗi lần xuất hiện để người hâm mộ không thất vọng. Các album Tâm ra mắt đều đặn với các phong cách cũng luôn thay đổi, từ “Mãi yêu” (2001), “Đâu chỉ riêng em” (2002), “Yesterday and now” (2003) mang màu sắc pop ballad thời thượng của thập niên trước, cho đến những cú chuyển mình như “Vút bay” (2006) hợp tác cùng ekip Hàn Quốc, đến “Trở lại” (2008) hay “Nhịp đập” (2009) mang sự mới mẻ, trẻ trung của dòng nhạc dance thịnh hành. Rồi những single Tâm ra sau này như “Trắng đen” “Không yêu, không yêu” hay “Chuyện như chưa bắt đầu”… đều là những lần Tâm biến hóa, thay đổi để làm mới mình trong lòng người nghe nhạc.
Khoảng năm 2005 – 2006 (khi đó Internet cũng chưa thịnh hành như bây giờ), tôi còn nhớ trang web của Mỹ Tâm lúc đó là mytam.info được liệt vào hàng những trang web có số lượng người truy cập cao ngất ngưởng, số thành viên đăng ký tham gia cũng lên đến đâu hơn 40 ngàn người. Một số người trong đó tôi biết từ khi còn là cô học trò nghe nhạc Tâm, giờ đã có gia đình, có chồng con, và vẫn còn nghe nhạc Tâm. Người thích Tâm, ngoài việc thích giọng hát, người ta còn thích ở cách Tâm sống và đối xử với cuộc đời.
Tâm gần như không có scandal trong hơn mười lăm năm đi hát, nếu có, bất quá chỉ là một vài chuyện lùm xùm chung quanh chuyện cát sê, mà khi hỏi đến tận cùng, cũng chỉ là hiểu lầm, không phải lỗi của ai. Người ta không thấy Tâm lên báo khoe xe tiền tỷ, khoe nhà lầu, khoe người yêu hay bàn chuyện người này, nói chuyện người kia. Tâm lên mặt báo, nói về chuyên môn ca hát, nói về dự định âm nhạc, nói về cuộc thi do mình làm giám khảo và có hình ảnh đi làm từ thiện.
Tôi còn nhớ có lần báo chí đăng hình cô hoa hậu nào đó đi từ thiện ở vùng sâu vùng xa, để hòa nhập với bà con, cô mặc nguyên bộ bà ba hồng chóe, trang điểm mặt dày chắc cũng chừng hai chục lớp phấn, môi đỏ chót, chân mang đôi cao gót tấc mấy, chắc đi qua ruộng thì khỏi mất công cày. Người ta nhìn tấm hình đó, cười mãi. Tâm đi từ thiện khác lắm, thường chỉ có quần jeans, áo thun của hội từ thiện, mang giày bệt, mặt trang điểm nhẹ, cầm theo cái loa để điều động mọi người bưng vác đồ chia cho bà con, thỉnh thoảng đưa tay quệt mồ hôi, miệng lúc nào cũng cười. Được yêu cầu lắm Tâm mới hát một bài, nói kỹ là: “Con hát tặng bà con, chứ bây giờ, lúc này thì con không phải ca sỹ.” Tâm như vậy, thử hỏi sao người ta không thương.
Khi xảy ra scandal, cách Tâm xử lý luôn là im lặng, Tâm không viết tâm thư, không đăng hình trẻ con rồi đánh đòn để mắng xéo đáp trả. Tâm chỉ im lặng, chờ đến khi mọi việc thật sự sáng tỏ sẽ để cho quản lý thay mặt mình phát biểu một hai câu chốt lại vấn đề. Hay như sự vụ cụ Nguyễn Ánh 9 nhận xét thế hệ nhạc trẻ Việt Nam, trong khi người ta viết thư nói cụ là ngụy quân tử để rồi lại nhào đến ôm cụ khóc, Tâm mỉm cười: “Chú Chín như cha như chú trong nhà, chú nói vậy thì có sao đâu.” Đấy là cách Tâm sống, Tâm đối nhân xử thế, đúng với cái tên Mỹ Tâm – “một trái tim đẹp.”
Sau này, có lúc tôi thấy Tâm hơi tham. Tâm đóng phim, nói là vai ca sĩ khách mời thì đúng hơn từ “diễn viên”. Tâm làm thiết kế thời trang, đem đi trình diễn một bộ sưu tập cũng… không có điểm nhấn gì nổi bật, ngoài cái thương hiệu Mỹ Tâm. Thật tình mà nói, mười mấy năm đi hát, Tâm mặc đồ chưa bao giờ vào hàng đẹp, vẫn có nhiều lỗi trang phục, duy chỉ gần đây, có tấm hình chụp khi làm giám khảo của Vietnam Idol là nhìn Tâm đẹp hơn hẳn, thế nên, chuyện thương hiệu thời trang của Tâm không nổi bật là chuyện không quá khó hiểu. Có người buột miệng nói thế này: “Tâm ơi, hát thôi Tâm nhé!”, tôi thấy họ nói không sai, và đó là lời thật lòng vì yêu thương chứ cũng không phải ghét bỏ hay bài xích gì. Nhưng công tâm mà nói, với mỗi một công việc mình làm, Mỹ Tâm luôn nghiêm túc đầu tư cho nó, đấy là đức tính nhiều người cần học tập.
Cách đây nhiều năm, có tờ tạp chí giấy tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm Diva Việt”, năm đó hình như Đoan Trang, Thu Minh, Mỹ Tâm và vài cái tên khác cũng được bình chọn, nhưng Tâm lại là người gởi thư tay, xin được rút khỏi cuộc bình chọn đó, nguyên nhân được nêu ra, đơn giản là “Tâm cảm thấy mình chưa đủ xứng với từ diva”. Năm đó, Đoan Trang đoạt giải Bình chọn cao nhất. Mới đây, Tâm đại diện cho Việt Nam đi tranh giải thưởng âm nhạc quốc tế, dù kết quả không như mong đợi, nhưng qua đó mà thấy Tâm được nhiều người ủng hộ đến nhường nào.
Nhưng nói thật, chắc Tâm cũng không cần giải thưởng, danh hiệu đâu, vì trong lòng những người thật sự yêu mến Mỹ Tâm, thì dù Tâm có là diva hay không, họ vẫn cứ yêu mến.
Bài: Chú Hề
Ảnh: MTE
>>> Có thể bạn quan tâm: Giọng hát Thục không hẳn là chất giọng đầy kỹ thuật thanh nhạc, dày dặn hay chuẩn mực, tuy nhiên lại dễ nghe, dễ thích, dễ nhớ. Nếu nói bóng bẩy một chút, giọng Thục của những năm sau này, là chất giọng của một người phụ nữ trưởng thành nhưng vẫn còn thích làm nũng với người yêu. Vừa ngọt ngào, vừa quyến rũ.