Tại sao Cần Thơ “chết tên” trên miệng các “em”? - Tạp chí Đẹp

Tại sao Cần Thơ “chết tên” trên miệng các “em”?

Tin Tức

Chứng kiến đoàn nữ nhân viên hành nghề mát xa phát âm “râu” thành “gâu”, xưng “em ở Cần Thơ” có mặt khắp cả nước, nhiều người đặt câu hỏi “tại sao Cần Thơ?” và không có lời giải đáp.

Hôm rồi về miền Tây, tôi tìm gặp cơ quan chức năng và phỏng vấn cả…“phụ huynh”, nhưng “tại sao Cần Thơ?” vẫn là một câu hỏi nan giải.
 
Nghèo và muốn đổi đời là lý do khiến miền Tây có nhiều “em ở Cần Thơ?”. Ảnh: H.V.M
Nghèo và muốn đổi đời là lý do khiến miền Tây có nhiều “em ở Cần Thơ?”. Ảnh: H.V.M

Cà phê với cựu “má mì”

Nhờ người quen “thiết kế” mãi cùng với việc chấp nhận hàng loạt điều kiện, T – một cựu “má mì” vừa thôi nghề – mới đồng ý gặp tôi tại một quán cà phê ở trung tâm thành phố Cần Thơ. Khá già so với tuổi hơn 40, ngoài sự sồ sề thịt mỡ do hậu quả của những năm tháng rượu bia đặc trưng nghề nghiệp cùng hàng lông mày cạo nhẵn bôi màu gây cảm giác sờ sợ, còn lại mọi thứ toát ra từ người đàn bà này có phần dễ chịu, thiện cảm và không giống lắm với hình dung của tôi về quá khứ nghề nghiệp.

T kể, mình quê ở một ấp rất nghèo của Phụng Hiệp – Hậu Giang, vào nghề từ một sự tình cờ, bắt đầu “hình như là năm 1993 gì đó” và ngày đó nghề này còn mới lạ chứ không đại trà, phổ biến thành phong trào như bây giờ. Lúc đó nhà ở quê nghèo, lại thất học từ nhỏ nên muốn lên thành phố kiếm việc gì đó để đổi đời. Khái niệm thành phố đối với T và nhiều người dân miền Tây khác không phải là Cần Thơ, mà là TP.Hồ Chí Minh

Ngoài 20 tuổi, đang mơn mởn lớn với khát vọng đổi đời, nhưng không có nghề nghiệp lận lưng; công việc đầu tiên ở thành phố của T là phụ bán cà phê cho một người quen ở quận 1. Được một thời gian, người quen khác xui bỏ việc để vào làm nhân viên cho một khách sạn “việc nhẹ hơn, lương cao hơn”.

Tại khách sạn, T được đào tạo cấp tốc về kỹ thuật đấm bóp và đưa xuống làm tại phòng mát xa. Và “từ đấm bóp chay đến oral sex (sex bằng miệng) đến đi khách và qua đêm, thậm chí là gái bao chỉ là những bước chuyển rất ngắn, dù quy trình của mỗi người có khác nhau tuỳ thuộc vào tính cách, điều kiện khách quan…”. Được vài tháng, thấy “việc cũng… sướng mà thu nhập lại trong mơ cũng không dám mơ, nên xin nghỉ phép về quê để… rủ rê thêm mấy chị em bà con lên cùng làm”.

Thời gian nữa, thấy việc làm ăn ở “thành phố” ngày càng khó khăn, cộng thêm sự mai mối của một số khách quen, T cùng một nhóm “đồng nghiệp” ra Nha Trang, rồi sau đó là Đà Nẵng, Huế và các tỉnh phía bắc… hành nghề. T nói “người trong này đi đến đâu cũng được nồng nhiệt chào đón bởi hương vị mới lạ, lại nồng nhiệt, hết mình chứ không khó chịu kiểu làm đĩ mà sợ đau… như dân bản xứ”.

Khoảng chục năm sau khi đã ngoài 30, khi sắc xuống, không thể cạnh tranh nổi với các “đồng nghiệp” đàn em trẻ trung hơn, T bỏ “biên chế” khách sạn, chuyển ra làm ăn riêng với chức danh “quản lý”, hay còn gọi là “má mì” với việc điều hành một nhóm “hàng” lang bạt khắp trong Nam ngoài Bắc cho đến ngày “nghỉ hưu” cách đây gần 2 năm.

Oan cho Cần Thơ (!?)

Chuyện về cựu “má mì” T mà tôi vừa kể vắn tắt ở trên là đường đi đặc trưng và khá phổ biến của hàng ngàn người dân các tỉnh miền Tây trong nhiều năm qua. Và đến thời điểm này, “em ở Cần Thơ” là cụm từ mà tôi, bạn đã, đang và sẽ nghe được hầu như ở khắp các tụ điểm “nhạy cảm” từ đất mũi Cà Mau cho đến địa đầu Hà Giang. Thậm chí khi sang đến Trung Quốc, Lào… tôi vẫn còn nghe “em ở Cần Thơ” sau một hồi lừa nhau bằng tiếng bản địa. “Không chỉ Trung Quốc hay Lào, con gái miền Tây bây giờ còn phủ sóng ở Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore… dưới hình thức đi du lịch” – T xác nhận.

Cụm từ “em ở Cần Thơ” là có phần… oan cho Cần Thơ, bởi thực tế, khảo sát của tôi cộng với chứng thực của địa phương cho thấy, tỉ lệ người có hộ khẩu Cần Thơ trong số “em ở Cần Thơ” là rất thấp và số còn lại là người của các tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long…

Một lãnh đạo thành phố Cần Thơ ta thán: “Ra ngoài, chúng tôi xấu hổ không dám ngẩng mặt lên bởi cả nước ai cũng nghĩ là Cần Thơ của chúng tôi… xuất khẩu gái mại dâm, nhưng thực tế không phải như thế…”.

Mới đây tại Đà Nẵng, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức một hội thảo về mại dâm và cả nước hiện có hơn 30 ngàn gái bán dâm là con số chính thức được công bố tại hội thảo này. Tuy nhiên, hội thảo không cho biết trong số 30 ngàn gái bán dâm đang hoạt động nói trên, có bao nhiêu phần trăm là “em ở Cần Thơ”? Ngay ở các địa phương mà tôi tìm hiểu như Hậu Giang, Vĩnh Long… họ cũng chỉ quản lý số gái mại dâm đang hoạt động tại địa bàn (trong đó hết 70% là người ngoại tỉnh). Còn con số người trong tỉnh đi “xuất khẩu”, tuyệt không ai có số liệu, thậm chí là “khoảng” cũng không nốt.

Tại sao Cần Thơ? Tôi đã đặt câu hỏi này với rất nhiều “người Cần Thơ” ở trong Nam, ngoài Bắc và được trả lời: “Nói vậy cho khoẻ, bởi nói Cần Thơ thì ai cũng biết, nhưng nói Hậu Giang, Tiền Giang hay Trà Vinh thì mấy ai biết ở đâu. Nói các tỉnh khác khách lại hỏi thêm, mất thời giờ, trong lúc điều chúng em cần là nói ít để… dưỡng sức và… làm nhanh để lấy tiền”.

Tại sao Cần Thơ?

Bà Phan Thị Hồng Nhung – Chủ tịch Hội LHPN thành phố Cần Thơ – trả lời: “Tui không thể lý giải hay đánh giá được về vấn đề này. Người ta đi đâu cũng xưng Cần Thơ vì Cần Thơ là thủ phủ Tây Đô, là địa danh được nhiều người biết đến, đó cũng là… niềm tự hào của Cần Thơ…”. Nhưng cũng có lúc, bà thở dài buồn bã: “Tui cũng chạnh lòng lắm chứ, nhưng biết làm sao bây giờ?”.

Van xin công an đừng cấp hộ chiếu

Tại một hội nghị về phòng, chống mại dâm khác do tỉnh Hậu Giang tổ chức mà tôi có mặt, một lãnh đạo Phòng Xuất – nhập cảnh Công an tỉnh kể chuyện với tâm trạng ngao ngán: “Nhiều gia đình ngăn chặn con gái mình đi du lịch nước ngoài triền miên bằng cách giấu luôn hộ chiếu, nhưng mất cái này thì người ta làm cái khác. Bí cách, có người đã lên năn nỉ tui đừng cấp hộ chiếu cho con họ nữa. Tui nói cấp hộ chiếu là quyền công dân, tui không có lý do chi để mà từ chối cấp cho dân cả”.

Người dân, bố mẹ của những “em ở Cần Thơ” có hay biết chuyện con em mình đang làm nghề mátxa hay bán dâm ở khắp trong và cả ngoài nước không? Tôi đặt câu hỏi này với nhiều cấp chính quyền của tỉnh Hậu Giang, một trong những địa phương được cho là có nhiều người rời địa phương đi làm nghề “nhạy cảm” đông nhất, nhưng người nói có, người nói “có lẽ là không”.

Tôi tìm đến nhà ông Tư H ở ấp T, xã X của huyện T, tỉnh Hậu Giang – người có hai cô con gái, theo lời hàng xóm là một cán bộ Hội LHPN tỉnh – là “nghe nói đang đi lao động ngoại tỉnh”, nhưng theo khẳng định của cựu “má mì T” là đi làm gái ở một tỉnh phía bắc. Đó là một ngôi nhà vừa xây mới khá khang trang và hoành tráng nếu so với hầu hết những ngôi nhà lá chỉ có một bức tường xây mặt trước khác ở trong thôn.

Ông Tư H ban đầu rất vồn vã đón khách, nhưng khi nghe tôi dò hỏi thông tin về hai cô con gái hiện đang làm gì, ở đâu, mặt ông Tư bỗng đanh lại, nhát gừng: “Hai đứa đang đi làm công nhân cho một nhà máy nước ngoài ở ngoài Trung, đi mấy năm rồi, tết mới về…”. Rồi ông lặng im, không gian ngột ngạt và buồn bã đến mức tôi không dám hỏi điều đã chuẩn bị sẵn.

Phải gặp lại lần thứ hai, chị cán bộ hội phụ nữ lúc nãy mới tiết lộ cho tôi biết thêm một chút sự tình về gia đình này: “Thật ra, tui cũng có nghe người ta nói hai đứa con gái ông Tư đi làm nghề này nghề nọ chứ không phải công nhân. Tuy nhiên nghe thì nghe rứa thôi, chứ không ai biết chắc”.

Một trong những chủ nhân của lời đồn là người đàn bà tên Thu – hàng xóm khác của ông Tư H. Bà Thu không trả lời thẳng câu hỏi của tôi, mà chỉ kể một câu chuyện nghe xót, buồn tê tái: Hồi trước ông Tư nghèo xác nghèo xơ, nghèo tới mức vay của bà Thu hai chỉ vàng, nhưng 5 năm rồi không trả và bà Thu cũng nghĩ là thôi quên đi, vì nghĩ đời này chắc ông Tư chẳng bao giờ có tiền để mua vàng trả nợ. “Đùng cái, vợ chồng ổng sang nhà tui cầm theo gói giấy đựng 2 chỉ vàng trả nợ và nói cảm ơn”.

Mãi sau mới biết hai đứa con gái ông Tư đi làm ăn xa, con chị đi trước, nửa năm sau thì con em đi. Được gần hai năm, ông Tư đùng đùng cất nhà, nói là tiền hai đứa gửi về cho, làm cả ấp ai cũng xôn xao…

Tại sao các tỉnh miền Tây lại có nhiều phụ nữ làm nghề “em ở Cần Thơ” đến thế? Từ cán bộ tỉnh cho đến cán bộ ấp, ai cũng nhìn tôi lắc đầu “chịu, không biết nói làm sao…”. Cũng đã có nhiều lý giải cho câu hỏi này và phổ biến nhất là do miền Tây nghèo, một bộ phận lớn người dân ở đây muốn đổi đời, muốn thoát khỏi cảnh “ao tù nước đọng” nhưng lại lười lao động… Nghe cũng có lý, nhưng ngẫm kỹ lại thấy không đúng: Nghèo thì miền Trung còn nghèo hơn gấp bội lần, lười thì cả thế gian lười, đổi đời thì là khát vọng của cả… nhân loại, nhưng tại sao các địa phương khác lại không có nhiều “em ở Cần Thơ” như các tỉnh miền Tây? Hỏi cũng chỉ để mà hỏi…

 Theo Lao Động

Thực hiện: depweb

04/12/2012, 12:06