Trở về với cao nguyên, sống một cuộc đời bình thường là cách Siu Black chọn sau những biến cố cuộc đời. Sân khấu, phòng thu trở thành những kỷ niệm, hoặc là nơi chốn mà chỉ khi có sự kiện đặc biệt, Siu mới xuất hiện trở lại. Và lần trở về Hà Nội này, ngoài một liveshow riêng của Nguyễn Cường, “họa mi núi rừng” bước vào phòng thu để hát những ca khúc “ngược” với chị trước đây. Đó là khi chị hát K’Bing ơi” và “Voi không đuôi” – những ca khúc đòi hỏi sự tiết chế cao độ của một người thường được nhắc đến với những tính từ mạnh: bốc lửa, rực cháy, hừng hực. Điêu quan trọng, Siu đã làm rất tốt điều này, thậm chí, chưa bao giờ khán giả thấy chị diễn tả về nỗi buồn, sự chất chứa thành công đến thế. Chị hát cùng Y Zắc – một giọng ca đầy nam tính khác của Tây Nguyên.
Siu Black ở phòng thu
Nhạc sĩ Nguyễn Cường – người gắn bó nhiều năm với mảnh đất cao nguyên nắng lửa, người đã tạo ra một chất lửa của “rock Cao Nguyên” đã cùng “hậu bối” – nữ nhạc sĩ trẻ Giáng Son biên tập đĩa nhạc “Gió bay về ngàn” đậm đà chất Tây Nguyên, dung hoà giữa cũ và mới, truyền thống và hiện đại, vẽ ra bức tranh toàn cảnh về vùng đất này bằng âm nhạc đủ đầy nhất.
Album không dành cho người yêu nhạc mà cho tất cả đồng bào Tây Nguyên. Nó mang giá trị bảo tồn văn hoá. Vì thế, Nguyễn Cường và Giáng Son đã lựa chọn ra 12 ca khúc trong số gần 100 ca khúc viết về vùng đất này, để đảm bảo mỗi bài hát là một mảng màu trong bức tranh toàn cảnh về núi rừng và con người nơi đây. Đó là những bài hát về thiên nhiên bao la như “Nghiêng nghiêng rừng chiều”, “Mưa cao nguyên”, con người như “Đôi chân trần”; về tình người như “Thênh thênh oh ơi”… Album đi từ đời sống tinh thần như “Giấc mơ Chapi”, đến đời sống tâm linh như “Đi tìm lời ru mặt trời”, “Voi không đuôi”… Riêng về đề tài tình yêu, những bài hát mới “Và ta lại thấy mặt trời”, “K’Bing ơi”, “Mưa nhớ” đi vào chiều sâu của tâm hồn người nghệ sĩ và người nghe, khi nó chạm đến những tâm tư thầm kín nhất của con người Tây Nguyên, vừa lãng mạn, vừa kiêu hùng, nhưng đôi khi lại thoáng buồn lẻ loi!
Âm nhạc Tây Nguyên và cảm hứng cao nguyên là một nét đặc sắc trong sự phát triển của âm nhạc Việt Nam. Nếu như sử thi và văn hoá cồng chiêng là những giá trị văn hoá phi vật thể quan trọng thì đời sống tinh thần của người dân Tây Nguyên, cảnh quan đặc sắc của mảnh đất này từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác và phát triển của nhiều nhạc sĩ Việt Nam.
Ekip thực hiện album
Nếu nhạc sĩ Nguyễn Cường coi giọng ca Siu Black là “báu vật” thì sự tập hợp các giọng ca trong album “Gió bay về ngàn” là một kho báu. Ngoài hai giọng ca Siu Black, Y Zắc, thì sự góp mặt của Mai Trang và Y Garia là hai giọng ca thế hệ mới của Tây Nguyên, được đào tạo bài bản tại trường Đại học Nghệ thuật Quân đội, sớm được công nhận tại các cuôc thi Sao Mai và Sao Mai điểm hẹn… Giọng ca duy nhất không thuộc về Tây Nguyên là Tùng Dương, anh xuất hiện trong đĩa nhạc như một sự gửi gắm của nhạc sĩ Nguyễn Cường với nhạc phẩm lần đầu ra mắt công chúng: “Bến Giằng”. Tất nhiên, ngọn lửa trong giọng ca này thì không hề kém cạnh những giọng ca nội lực Tây Nguyên chút nào.
Sản phẩm được sản xuất với tiêu chuẩn chất lượng âm thanh Hi End dành tặng cho các khán giả yêu nhạc và đặc biệt là các khách hàng của các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến của MobiFone đã có mặt trên thị trường.
Bài: Hải Khôi
Ảnh: Nhân vật cung cấp