Mạng xã hội, điện thoại di động, laptop,.. đang dần trở thành những thứ không thể thiếu đối với mỗi người. Ước tính vào năm 2017, đã có hơn 2 nghìn tỷ bài đăng được post lên mạng xã hội Facebook mỗi ngày và cứ hơn một phút, hơn 243 nghìn tấm hình được đăng tải. Ấy thế là chưa kể đến mỗi phút trôi qua lại có thêm 100 nghìn lời mời kết bạn được gửi đi. Mạng xã hội đang trở thành cầu nối của chúng ta đến với toàn thế giới; và tệ hại hơn nữa, nó đang dần trở thành cuộc sống thật của từng cá nhân theo đúng nghĩa đen. Nhưng liệu mọi thứ trên không gian mạng đều đã được mã hóa một cách an toàn?
Khai thác một đề tài không mấy xa lạ, nhưng “Searching” quả thực đã tạo nên một tác phẩm đầy nghẹt thở. Sẽ không còn những băng đảng bắt cóc khét tiếng, hay những ông bố thiện chiến dư sức “một mình chống mafia”, ở “Searching” đó là một sự bất lực bao chùm lấy David Kim. Đã 37 tiếng trôi qua kể từ khi cảnh sát vào cuộc nhưng chẳng có dấu vết nào của Margot được tìm ra. David đánh liều truy cập vào chiếc laptop trong phòng riêng của cô con gái và phát hiện được những sự thật mà anh chưa bao giờ ngờ tới.
Mạng xã hội sinh ra kéo theo đó là rất nhiều hệ quả, điển hình là các mối quan hệ xã hội. Nếu đã nói nó là ảo, thì liệu nó có thật ? Liệu người bạn hằng đêm bạn dành thời gian trao đổi tin nhắn có thực sự là một con người dễ thương? Liệu người đó có phải là một tên sát nhân hàng loạt đang chờ đợi thời cơ dụ bạn vào tròng? Sự u ám kỳ dị bao trùm là tất cả những gì có thể diễn tả về “Searching”.
Ở một thế giới mà con cái tiếp xúc với bạn bè còn nhiều hơn cha mẹ, “Searching” đặt ra cho các bậc phụ huynh một câu hỏi: “Liệu bạn có đủ hiểu con cái mình như bạn nghĩ?”. “Searching” nhẹ nhàng đưa người xem vào mê cung huyền bí không lối thoát của những bí mật ẩn chứa trong chiếc máy tính của Margot. Từng tin nhắn, đoạn video, ô “cửa sổ” chậm rãi hiện lên từ từ vén lên bức màn bí mật, “Searching” quả thực rất biết cách làm người xem bị ám ảnh!