Sau cái xấu đôi khi là… dễ thương - Tạp chí Đẹp

Sau cái xấu đôi khi là… dễ thương

Sống

Sáng nay đọc trên mạng bài viết “Chuyện đời qua máy ATM”. Bài được viết bởi trưởng phòng giao dịch Vietcombank ở một khu chế xuất. Tác giả kể nhiều chuyện, trong đó có câu chuyện cuối như sau: Một nữ công nhân may đến máy ATM rút tiền, lơ đễnh để quên ví trên bệ máy, bị mất tài sản tổng cộng hơn 6 triệu đồng – số tiền khá lớn đối với cuộc sống công nhân. Qua camera và biện pháp nghiệp vụ, tác giả bài viết xác định kẻ lấy ví là B., nữ công nhân công ty F, đang có thai khá lớn. Không chọn giải pháp báo cho công ty F mà di lụy là B. có nguy cơ mất việc, tác giả liên lạc với chồng B., thuyết phục anh khuyên  vợ đem ví ra ngân hàng trả lại.

Trong cuộc gặp trả ví cho khổ chủ, B. nói mình thấy ví bỏ quên nên bỏ… túi, định dùng tiền nhặt được sắm sanh cho đứa con sắp ra đời. Từ chối nhận 500.000 đồng “quà tặng” của người mất, B. than thở: “Cầm ví chi để vợ chồng mấy ngày đêm ăn không ngon ngủ không yên. Giờ trút được gánh nặng nên không dám cầm cái gì không phải của mình nữa…”

Chuyện của chị – một người viết văn sống ở nước ngoài – bắt đầu trong buổi sáng chị hớt hải gọi tôi từ sở làm: “Bạn ơi, tui vô tình đọc báo Việt Nam, phát hiện truyện A trong tập truyện dịch của tui được đăng lại gần như nguyên xi trên báo P, nhưng với tên… người khác!”. Người khác này tính rất kỹ: ngoài việc làm lệch nguyên bản một chút ở câu đầu, câu cuối, đổi tựa truyện, đổi tên tác giả thì còn đổi luôn xuất xứ truyện từ Hàn Quốc sang… T.Q. Kỹ lưỡng hơn, người khác ghi chú truyện được lấy ra từ một tập truyện của T.Q! Với bằng ấy thông tin cụ thể, hẳn không ai mảy may ngờ vực, trừ chính chị và độc giả của chị.

Vốn nhân hậu, ưa thích từ thiện, nhưng chị rất giận. Giận sự tính toán. Chị hỏi tôi có nên viết thư cho báo P không. Tôi bảo nên, bởi đó là báo có uy tín, họ sẽ hoan nghênh những phát hiện như vậy. Đúng như tôi tiên đoán, sau một ngày nhã nhặn thư đi, chị nhận được thẳng thắn thư lại. Trong thư, ban biên tập cảm ơn, cho biết nếu sự việc được xác nhận, tòa soạn sẽ xin lỗi công khai, ngưng cộng tác với đương sự dù đây là cộng tác viên đắc lực. Chuyển mail tôi xem, chị bảo phải nghiêm vậy để làm gương cho kẻ khác, và coi như khép lại câu chuyện. Thế nhưng chuyện không khép mà thêm… rối: Người khác – rất trẻ, tên X. – viết thư cho chị: “Vì chuyện của cháu mà ba mẹ cháu cãi nhau dữ dội. Ba cháu đã bỏ nhà đi. Đây là lỗi lầm đầu tiên của cháu. Cháu xin hứa sẽ không bao giờ tái phạm và mong cô tha thứ”. Là người chiến thắng, đáng ra phải hả hê nhưng chị lại nhao nhác khi nhận thêm thư X: “Cô ơi, ba cháu bỏ đi giờ vẫn chưa về. Mẹ cháu buồn lắm. Cháu và em cháu chẳng còn biết làm gì. Cô cứu cháu với…”. Mọi chuyện đột nhiên quay ngoắt, từ nỗi giận muốn trừng trị kẻ gian, chị bỗng nhiên đa mang nỗi lo: “Ôi, phải làm sao cứu nó…”.

Và để cứu, chị viết thư cho X: “Cháu thưa với ba mẹ là cô không có ý định hại cháu. Ai cũng có thể dại dột một lần trong đời. Cô sẽ can thiệp để tòa báo không công khai chuyện này và đoạn tuyệt với cháu. Cháu yên lòng trấn an ba mẹ đi”. Cùng lúc, chị viết thư cho tòa soạn: “Tôi đã nhận thư của quý báo, cùng lời xin lỗi của X. Tôi bắt buộc phải cảnh cáo X. bởi chuyện này không đẹp và nguy hiểm cho chính X. về sau. Nay X. biết lỗi, tôi sẽ không phàn nàn nữa. Chúc X. tiếp tục nghề dịch thuật với tinh thần trong sáng”.

Tôi không quen X., không biết X. giờ ra sao, nhưng tôi biết người phụ nữ viết văn kia từng loay hoay bất an: “Không biết ba nó về chưa? Không biết mẹ nó hết buồn chưa?”. Và một chi tiết khác: Trong lần đi Việt Nam sau đó, chị nhờ tôi hỏi xem X. dịch tiếng gì, Anh hay Pháp, để chị mua sách hay về tặng. Nhưng rồi chị quyết định không tặng nữa, cũng thôi luôn ý định gặp X. Chị nói: “Mình chân thành nhưng biết đâu lại vô tình làm nó thêm mặc cảm, tội nghiệp”.

Chuyện xảy ra ở bên Nga, cách đây mấy mươi năm, khi đạo diễn V. còn là sinh viên điện ảnh. Một tối, bỗng dưng V. chạy tới tôi với gương mặt đầy… máu. Thì ra V. bị một sinh viên say rượu khoa kinh tế đánh. Chỉ cú thụi duy nhất, nhưng nhà kinh tế tương lai chơi đấm bốc nên gò má thư sinh của V. phải khâu… nhiều mũi. Khỏi phải nói anh chàng đấm bốc nghiệp dư sắp tốt nghiệp kia hoảng sợ thế nào, bởi khi đó, với chủ trương ưu ái người nước ngoài của Liên Xô, chắc chắn anh ta bị đuổi nếu trường biết chuyện.

Do quá sợ, đôi tay vốn thích phô phang sức mạnh đã không ít lần chắp lại xin V. tha thứ. Phân vân không biết đứng đâu giữa giận và thương, V. chỉ anh ta sang gặp tôi – đại diện sinh viên Việt Nam của trường khi đó.

Mềm lòng vì nước mắt nhưng vị tha thì… ức, tập thể Việt Nam quyết định… làm khổ anh ta: V. sẽ tha thứ với điều kiện anh ta, tối thứ bảy, phải quy tụ tối thiểu ba mươi sinh viên nơi phòng họp ký túc xá, để xin lỗi công khai. Nói làm khổ bởi tối thứ bảy là ngày quý nhất của sinh viên, mấy ai chịu hy sinh cho những chuyện tầm phào.

Vậy rồi không biết anh ta chèo kéo, ỉ ôi sao mà phòng họp cũng kín người. Cho cuộc xin lỗi nghiêm trang và rất… đẹp: Một sinh viên không bị đuổi, một tập thể không mang tiếng ác, một thói xấu được khuyến cáo. Về sau, biết được “phiên tòa” bí mật này, phòng phụ trách sinh viên nước ngoài đã chuyển đến tập thể Việt Nam lời cảm kích…

Theo Đẹp, số 150

Thực hiện: depweb

06/07/2011, 17:55