– Đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam hơn 20 năm ắt hẳn đất nước này có một vị trí đặc biệt trong trái tim anh?
– Dĩ nhiên. Tôi đến Sài Gòn lần đầu vào năm 1995 sau đó ra Hà Nội được vài năm rồi quay lại Sài Gòn và sống tại đây cho đến tận bây giờ. Tôi không lý giải được lý do vì sao tôi yêu Việt Nam, chỉ cảm thấy rằng khi ở đây tôi thoải mái, dễ chịu và quen thuộc hơn là ở quê nhà. Tuy nhiên tôi không tự nhận mình là người Việt Nam nhưng ít nhất trong một vài hoàn cảnh, sự việc tôi rất đồng quan điểm với đại đa số người dân Việt và luôn đứng về phía các bạn.
– Quá trình hòa nhập tại một đất nước xa lạ của anh thời gian đầu và bây giờ có gặp nhiều khó khăn không?
– Có chứ nhưng dần dần rồi cũng quen thôi. Tôi thuê căn nhà này (cũng là phòng tranh đầu tiên của Craig – PV) được 15 năm và khá hòa hợp với hàng xóm xung quanh. Mọi người gọi tôi là “chủ tịch hẻm” đấy chứ vì có cái gì mà không ổn trong hẻm như lấn chiếm lòng lề đường, xây dựng ồn ào là tôi… chửi ngay! Tuy nhiên giao thông là thứ tôi cảm thấy khó chịu tại đây. Mới đầu tôi còn đi xe máy nhưng sau này chỉ đi taxi. Phạm vị cũng gói gọi trong trung tâm như quận 1, quận 3 hay quận 7. Thú thật tôi không thể tìm được quận 10 trên bản đồ và đối với tôi đi đến nơi ấy như đi Cần Thơ vậy.
– Anh của năm 1995 khi lần đầu tiên đến Việt Nam với hiện tại thì có gì khác biệt không?
– Có chứ. Già và khó tính hơn! (cười to)
– Anh đã từng là luật sư trong 10 năm nhưng sau đó lại trở thành ông chủ phòng tranh. Hai lĩnh vực không mấy liên quan nhau thì phải?
– Tôi thích hội họa nhưng không có năng khiếu vẽ thậm chí khi làm việc ở Việt Nam tôi cũng không biết gì nhiều về hội họa của nước các bạn. Về sau khi bỏ việc một người bạn đề nghị tôi tham gia vào lĩnh vực này vì không muốn thấy tôi… lông bông mãi. Tôi thấy ờ thì cũng được vì buôn bán tranh không quá nhức đầu như luật sư, thời gian lại linh hoạt và cũng gần với sở thích của mình. Trước đây thị trường hội họa Việt Nam lớn hơn so với bây giờ nhiều nhưng bù lại lượng khách Việt mua tranh thì thấp. Nhưng hiện nay tình hình khả quan hơn. 50% khách mua tranh của phòng tranh Craig Thomas là người Việt. Đây là một tín hiệu khả quan với những người kinh doanh tranh của họa sĩ Việt Nam như chúng tôi.
– Vậy anh có dự định mở rộng hơn thương hiệu Craig Thomas khắp Việt Nam không?
– Chắc chắn là có. Tuy nhiên điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố và khó nói trước được. Phòng tranh Craig Thomas cũng đã mở thêm chi nhánh mới tại đường Calmette vào tháng 12 năm ngoái cho nên có lẽ phải 1 hay 2 năm sau tôi mới nghĩ đến sự có mặt của chi nhánh thứ 3. Ngoài ra một điều kỳ lạ là các khách hàng chỉ muốn mua tranh khi biết rằng Craig Thomas sẽ là người trực tiếp trao đổi với họ chứ không phải thông qua bất kỳ ai. Vì vậy tôi cần phải tính toán kỹ lưỡng để có thể điều phối tốt công việc chứ không thể mở tràn lan rồi lại mất kiểm soát.
– Làm việc với họa sĩ Việt Nam có khó không? Và trong số những họa sĩ từng hợp tác thì anh gắn bó với ai lâu nhất?
– Không khó lắm nhưng thỉnh thoảng sẽ có một số trục trặc vì bạn biết đấy họa sĩ mà, rất khó nắm bắt! Một số người thì tôi cộng tác được một, hai năm có người thì trên cả mười năm như Lim Khim Ka Ty. Tôi gặp cô ấy lần đầu tiên vào năm 2003 và ấn tượng bởi những bức tranh của Ka Ty. Tôi mua liền hai bức sau đó thì tổ chức triển lãm tranh cho Ka Ty. Đến giờ thì chúng tôi làm bạn cũng được 13 năm rồi. Ngoài cô ấy thì tôi cũng có mối quan hệ thân thiết với vài họa sĩ khác.
– Giả dụ đến một ngày chán bán tranh anh có muốn quay lại nghề luật sư không?
– Không bao giờ!
– Vì sao?
– Vì thoát khỏi nó rồi tôi chẳng dại mà quay lại. Công việc hiện tại sẽ là công việc cuối cùng mà tôi làm vì ít nhất kinh doanh tranh bạn có thể làm đến năm 80 tuổi còn luật sư thì không.
Cách đây không lâu trên các trang mạng xã hội nảy ra cuộc tranh luận dữ dội của các chị em phụ nữ Việt Nam khi họ “ưu ái” đàn ông Tây hơn đàn ông Việt vì đàn ông Việt thì không lãng mạn, không tâm lý… như đàn ông Tây lại còn bảo thủ, gia trưởng. Cá nhân anh nhận xét như thế nào về vấn đề này?
Tôi lại thấy phần lớn bạn bè nam giới Việt Nam của tôi ai cũng tốt bụng, ga lăng và chiều chuộng vợ (hay người yêu). Dĩ nhiên tư tưởng bảo thủ hay gia trưởng thì không thể tránh được vì điều đó là cố hữu. Nhưng vài cô bạn người Việt của tôi (dĩ nhiên là độc thân) cũng càm ràm về chuyện này nhiều lắm nên tôi nghĩ đàn ông Việt cũng sớm thay đổi đi vì bây giờ phụ nữ giỏi lắm. Họ mạnh mẽ, độc lập và tự kiếm được rất nhiều tiền nên không vội lấy chồng và cũng chẳng cần dựa vào ai. Cứ cái đà này thì chẳng ai thèm ngó ngàng gì đến đàn ông Việt đâu.
– Hình như anh cũng chưa lập gia đình thì phải?
Đúng vậy và mẹ tôi đang phát điên lên vì chuyện này. Có lẽ tôi sẽ phải nhanh chóng lấy vợ thôi (cười).
– Cảm ơn anh vì buổi chia sẻ ngày hôm nay.
Saigon Love Story
Bài: Max
Ảnh: Maruko Đinh