Sách hay tháng 4/2013 - Tạp chí Đẹp

Sách hay tháng 4/2013

Sự Kiện

Cơ hội của chúa & con giai phố cổ

Tác giả: Nguyễn Việt Hà


NXB Trẻ

 

“Con giai phố cổ” là tập tạp văn mới nhất của Nguyễn Việt Hà, một gương mặt văn chương nổi bật của Hà Nội, một “người thân” gắn bó lâu nay của Tạp chí Đẹp. Vẫn là giọng văn đặc trưng khiến người ta đôi lúc hụt hơi, vẫn là những tra cứu Đông Tây kim cổ rồi đột ngột đúc rút ra một triết lý mà người đọc phải giật mình đánh thót… Tản văn Nguyễn Việt Hà, được đánh giá là “một món ăn pha chế nêm nếm các mùi vị đặc trưng, để đẻ ra những trang viết bảo là ê hề ‘tái nạm gầu gân’ như phở bò cũng được, mà bảo là kênh kiệu ‘cam vắt không đường’ cũng xong.” Trong dịp này, NXB Trẻ cũng tái bản cuốn tiểu thuyết định danh Nguyễn Việt Hà: “Cơ hội của Chúa”.

Bên lề sách cũ

Tác giả: Vương Hồng Sển


NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh

 

Qua đời đã lâu, nhưng Vương Hồng Sển, người đặt ra cả một đường lối “thú chơi sách” vô cùng thịnh hành ở Việt Nam, vẫn không cho phép người ta lãng quên mình. Lâu lâu lại có một di cảo Vương Hồng Sển được in ra, các “tín đồ của Vương giáo chủ” lại say mê với những chữ nghĩa bện xoắn vào nhau của ông và những nhận xét, phát hiện tỉ mỉ đặc trưng của ông. “Bên lề sách cũ” xuất phát từ một cuốn sách rất cũ của Trương Vĩnh Ký để bàn về địa danh Nam Kỳ, và đặc biệt có những đoạn dài tác giả dùng để thủ thỉ trò chuyện cùng ông bạn Lộc Đình Nguyễn Hiến Lê và nhất là những nhận xét nghiêm khắc dành cho sử gia nổi tiếng Tạ Chí Đại Trường, người được ông coi như một người em thân thiết.

Tôi có quyền hủy hoại bản thân

Tác giả: Kim Young-ha


Võ Thị Lan Khanh dịch


Nhã Nam & NXB Lao động

 


Cuốn sách rất mỏng này không hề nhẹ, và là tác phẩm nổi bật của một nhà văn Hàn Quốc rất thành công trong sự miêu tả mặt u ám của cuộc sống và một thế hệ trẻ nổi loạn ở châu Á. Nhân vật trong truyện: một người làm nghề giúp người khác tự sát kể chuyện về hai anh em (một nghệ sĩ và một lái xe taxi) cùng có quan hệ với một cô gái kỳ lạ, xinh đẹp và đen tối. Câu chuyện hắc ám này được thuật lại bằng một văn phong kìm nén, nhiều lúc gây tức thở, nhưng lại đưa vào nhiều miêu tả tác phẩm nghệ thuật, nhất là những bức tranh nổi tiếng trong lịch sử hội họa phương Tây, tạo nên những điểm nhấn lạ lùng.

Thư gửi bố

Tác giả: Franz Kafka



Đinh Bá Anh dịch.

Tủ sách “Tinh hoa văn học”



Phương Nam & NXB Hội Nhà văn

 

Bức thư không gửi nổi tiếng nhất lịch sử văn học này có dung lượng nhỏ, nhưng cũng như “Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi” của Rilke, nó có tầm ảnh hưởng rất lớn sau này, nhất là ảnh hưởng lên các nhà văn khác. Với bản thân Kafka, đây là một tác phẩm hoàn chỉnh hiếm hoi trong tổng số tác phẩm chủ yếu bị dở dang của ông. Trong bức thư, Kafka phân tích một cách sâu sắc mối quan hệ phức tạp giữa bố và con trai, được ông nhìn nhận như mối quan hệ giữa quyền lực và cá nhân, chi phối toàn diện cuộc đời ông. Bản dịch tiếng Việt đặc biệt có phần phụ lục chi tiết về gia đình Kafka và tiểu sử nhà văn.

Thực hiện: depweb

26/03/2013, 11:23