Sách hay: Những vì sao, và gió, và cát - Tạp chí Đẹp

Sách hay: Những vì sao, và gió, và cát

Review

Bay đêm” (Antoine de Saint-Exupéry)
Nxb Hội nhà văn, 140 trang, 40.000 đồng

Lái máy bay đêm là một canh bạc, nhất là vào những năm 30 của thế kỷ trước khi phi công chỉ có la bàn, bản đồ và thêm một người truyền điện tín, nhiên liệu chỉ đủ cho một “cua” bay dài nhất là ba giờ. Thế mà, một nhà văn kiêm phi công thời đó có thú vui bay không cần vô tuyến, với nhiên liệu hạn chế, và bản thân ông cũng là người đãng trí, cẩu thả. Bất kể bay trên sa mạc hay đại dương ngút ngàn, chỉ cần đến miền đất xa xôi ông lại cảm thấy như chốn nhà của mình vậy. Người yêu văn học gọi ông bằng cái tên trìu mến Saint-Ex (hay “Xanh Tếch”). 

Vào thập niên 1920, Saint-Exupéry từng tham gia trung đoàn khinh kỵ, rồi sau đó được điều sang không lực Pháp. Giải ngũ, ông làm phi công chở thư tín cho hãng Aéropostale (tiền thân của Air France) nơi ông thực hiện những cung đường nguy hiểm, các nhiệm vụ đầy bất trắc, trong đó có cuộc điều đình giải cứu phi công bị người Moors bắt làm con tin, giúp ông được trao Bắc đẩu bội tinh. “Bay đêm” (Châu Diên dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn) là truyện vừa (novella) xuất bản năm 1931, hai năm sau khi ông được điều đến Argentina và phụ trách đường bay băng qua dãy Andes. Cùng với “Xứ con người” (Nguyễn Thành Long dịch), hai tác phẩm là niềm say mê tận hiến những chuyến bay qua gió, cát, qua những vì sao thăm thẳm và hơn thế nữa, là giấc mơ chinh phục.

“Bay đêm” mở đầu bằng tràn ngập hình ảnh so sánh, gợi lên ký ức về một miền cảm xúc chông chênh: chiều buông như mặt nước gợn nhẹ bên bến cảng, chàng phi công như mục đồng của những thành thị nhỏ xinh, bầu trời yên như một bể cá bằng kính, những cơn giông ẩn mình như con sâu chui vào quả ngọt. Đêm là nơi trí tưởng tượng trú ngụ. Màn đêm hun hút dễ đẩy mọi thứ lên cực điểm. Bằng mạch kể tuyến tính, tác giả khéo léo đẩy bi kịch của chàng phi công Fabien lên cao trào với hình ảnh vợ anh dùng hai nắm tay đấm kiệt lực vào tường khi không nhận được tin tức từ chồng mình. Hai người mới lấy nhau được sáu tuần.

“Bay đêm”

Trong ba máy bay chở thư quy tụ về Buenos-Aires, chiếc của Fabien mắc kẹt trong giông bão, lạc ra biển và nhiên liệu vắt kiệt đến giọt cuối cùng. Bất chấp thời tiết xấu, viên quản lý đường bay Rivière vẫn giữ vững lịch trình, thúc giục tổ bay chính xác đến từng phút. Con người sống vì hành động ấy từng thải hồi lão thợ máy kỳ cựu Roblet làm lao công, để ngăn sự yếu đuối tiêm nọc vào mình khi nghĩ đến viễn cảnh các “đền đài đã bị những dây leo bé tí làm cho sụp đổ” (tr. 68). Về sau, khi Saint-Exupéry làm nhà báo trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, ông sẽ còn nhắc đến sự điên rồ phi lý ập đến con người như một bệnh dịch.

Mong muốn chỉ huy các biến cố, nhân vật phản anh hùng Rivière đại diện cho giấc mơ ngạo nghễ của người chinh phục – kẻ chẳng cần ai hiểu, kẻ duy ý chí ngụ trong giáo đường vàng son của chính hắn. Với Rivière, cuộc sống là sự sản sinh các hình tượng, đưa con người trở thành bất tử, để cái chết của họ dựng lên những tảng đá mà hoang mạc không thể vùi lấp.

Nghề bay là một dạng “ecstasy”, thứ gây ảo giác, thách thức các giới hạn về thể trạng và tâm lý. Trong buồng lái kín bưng, đường cùng không lối thoát lại là cánh cửa hanh thông của khát vọng sinh tồn. Khi đã bước một chân vào cửa tử, Fabien tìm thấy giữa bão giông những ngôi sao trên đầu, “anh đói ánh sáng đến nỗi anh vẫn bay lên” (tr. 107). Người phi công trở thành sinh vật có ý chí đơn độc giữa màn đêm và gió xoáy. Cái kết truyện để lại khoảng trống về số phận Fabien, một điềm báo cho số phận của tác giả khi nhiều năm sau, chính ông lại rơi vào hoàn cảnh tương tự. Năm 1944, ông mất tích trên biển Địa Trung Hải khi đang bay thám sát thu thập thông tin về quân Đức. Nhiều giả thuyết được đưa ra, nhưng chưa có gì sáng tỏ khi cuộc đời Saint-Ex cũng nhiều huyền bí và ẩn dụ như tác phẩm của mình.

Hai thế giới của Fabien và Rivière đều là lãnh địa tự do của những người đi chinh phục. Một viên phi công chế ngự bóng đêm và bầu trời, rượt đuổi cơn bão. Một người quản lý đường bay khắc nghiệt, chống sự may rủi và những bất định của cảm xúc. Nhưng thế giới của họ không giao nhau. Một người ngoi được lên ánh sáng, còn người kia vẫy vùng trong cái trống rỗng vây quanh – bởi vì ông ta là kẻ sống sót. Cuộc đời không chỉ là những vì sao, mà còn có gió và cát.

“Còn ai hát về Hà Nội” (Nguyễn Trương Quý)
Nxb Trẻ, 366 trang, 110.000 đồng

Còn ai hát về Hà Nội (Nguyễn Trương Quý)

Tập tản văn lấy chất liệu từ kịch bản chương trình phát thanh Bài ca Hà Nội do tác giả thực hiện cùng ca sĩ Giang Trang. Mỗi bài là câu chuyện riêng về Hà Nội, lấy đề tài là một khuynh hướng sáng tác, hình ảnh biểu trưng hay nguồn thi ca làm cảm hứng… Cũng như thơ, âm nhạc có thể là sản phẩm của sự phong lưu quý phái. Thử trông lớp nhạc sĩ tiền chiến: tâm hồn say sưa, cảm khoái của họ lúc nào cũng gần với thiên đường.

“Nghịch lý toàn cầu hóa: Vàng và hai cô gái” (Nguyễn Vạn Phú)

Nxb Trẻ, 280 trang, 75.000 đồng

Nghịch lý toàn cầu hóa: Vàng và hai cô gái (Nguyễn Vạn Phú)

Nhan đề tập sách xuất phát từ câu chuyện cô gái “tóc vàng hoe”, mang tính tự trào về thời cuộc kinh tế bấp bênh, khó đoán mà một nhà báo kỳ cựu (thư ký tòa soạn Thời báo kinh tế Sài Gòn) có dịp quan sát. Tác giả còn đào sâu vào những biến cố có xác suất thấp nhưng mang tính điển hình, từ đó đưa ra nhiều kiến giải bất ngờ và trái khoáy. Để ra thoát khỏi những nghịch lý, trước tiên cần phải có một nhãn quan hài hước.

Trần Quốc Tân

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: “Khế ước xã hội”, “Dưới cột đèn rót một ấm trà”, “Vĩnh biệt các gangster”… là những cuốn sách mới nên đọc của Đẹp:

 

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

20/12/2013, 13:52