Romney vs Obama và những cuộc bầu cử kiểu Mỹ - Tạp chí Đẹp

Romney vs Obama và những cuộc bầu cử kiểu Mỹ

Chưa được phân loại
Chúng ta sẽ thấy thêm gì, khi lướt qua các cuộc tranh cử từ khi có chiếc tivi đen trắng cho đến hôm nay?

Vài nét lịch sử

Nước Mỹ luôn có kiểu Mỹ của mình, cởi mở, sáng tạo với mọi cái mới trong khoa học kỹ thuật và cả về mặt tổ chức xã hội. Sau khi chiếc tivi ra đời thì từ ngày 26/9/1950, cuộc khẩu chiến đánh võ mồm của các ứng viên Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ đã xuất hiện, như những dấu ấn của những mùa tranh cử thời hiện đại. Cuộc Cách mạng Pháp 1789 chẳng hạn, bùng nổ và thành công, khi nước Mỹ vừa được 13 tuổi ở bên kia bờ Đại Tây Dương, đã phả vào Hợp chủng quốc này một thời đại thấm đẫm không khí và hương hoa ý thức cộng hòa, trong khi phần còn lại của thế giới vẫn óng ánh ảo ảnh vua chúa phong kiến.

Lịch sử nước Mỹ, từ George Washington đến Abraham Lincoln là những trang sử lẫm liệt, bi thương và vĩ đại.

Với diện tích lớn thứ 3 trên thế giới (chỉ sau nước Nga và Canada), nếu cộng cả diện tích của Great Lakes (Ngũ đại hồ) thì nước Mỹ lớn gấp 30 lần diện tích nước ta, và cùng với 310 triệu dân, tăng gấp đôi trong vòng 60 năm qua, cũng đứng thứ 3 (sau Trung Quốc và Ấn Độ), cộng thêm năng lực công nghệ gần như luôn đứng ở hàng đầu trên quá nhiều lãnh vực suốt thế kỷ qua, vận mệnh nước Mỹ thể hiện tính toàn cầu, liên quan đến chiến lược và cục diện của hầu hết các nước khác.

 

Cách bầu cử kiểu Mỹ

Khác với nhiều quốc gia cũng có thể chế tương tự, công dân Mỹ bầu tổng thống gián tiếp thông qua việc bầu 540 Đại cử tri (electors). Đảng nào chiếm hơn một nửa, tức là 270 ghế Đại cử tri thì ứng viên được chọn của đảng ấy trở thành tổng thống và tuyên thệ nhậm chức vào đầu năm tới. Ngày bầu cử cuối cùng luôn là ngày thứ ba sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11. Vì thế, bốn năm một lần, tháng Mười luôn là tháng chạy nước rút, gia tốc tranh cử và những sự kiện liên quan đến nước Mỹ ở khắp mọi nơi, các hoạt động tranh cử dưới nhiều hình thức, những cuộc tranh luận trên tivi và cả những kết quả thăm dò của những viện danh tiếng như Gallup hay Quinipiac đều tác động mạnh mẽ lên tâm lý chọn bầu của cử tri, nhất là các tiểu bang đông dân mà bầu chậm.

Cấu trúc phiếu của lần bầu cử năm 2008 của Đảng Dân chủ là 286, Đảng Cộng hòa là 191 và các Đảng khác là 63 đại cử tri. Cấu trúc dân số gồm 74% gốc Châu Âu (chỉ riêng số người gốc Đức là 42,8 triệu). Người da màu chiếm 13% và người gốc Á (đông nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn quốc, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam) chiếm 4%. Người da đỏ với 562 bộ tộc (tribes) chỉ còn chiếm 1%.

So tài thao lược

Bài viết này không đi vào phân tích dữ liệu tin chính trị, vì việc đó đã có các báo ngày, báo điện tử viết nhiều rồi. Lại càng không đưa ra dự báo thắng thua, vì khi tạp chí này phát hành thì tình hình cũng đã rõ nét. Góp nhặt các chi tiết sau đây, chúng ta sẽ thấy các cuộc khẩu chiến thú vị như thế nào.

Ứng viên Richard Nixon, dù có thế thượng phong là đương kim Phó Tổng thống, đã xuất hiện một cách thiếu tự tin, tỏ về bồn chồn lo lắng, lại thêm bộ đồ vest màu xám không hợp với tivi trắng đen và tạo hiệu ứng bạc thếch, đã làm nổi bật một ngôi sao đang lên là John F.Kennedy đẹp trai, thông minh và bình tĩnh, phong độ, trẻ trung, với sắc diện ngăm đen rám nắng khỏe mạnh (ở Phương Tây, dân nhà giàu đi du lịch tắm nắng mới có được làn da như nông dân châu Á). Thêm một phần nhờ trang điểm cho ăn ảnh dưới ánh đèn phòng quay, một phần là bộ đồ vest màu xanh dương đậm tươi trẻ và thời trang.

– Vào năm 1980, Ronald Reagan vốn là diễn viên điện ảnh nên diễn xuất rất đạt dưới ánh đèn màu, đã ghi khá nhiều điểm son của cử tri trong cuộc tranh luận với đương kim Tổng thống Jimmy Carter bằng một câu hỏi rất thông thường với cử tri, mà hiệu quả tức thì: “Quý vị có khá hơn so với 4 năm trước hay không”?

– Vào ngày khẩu chiến trên tivi ngày 15/10/1992, George H.W.Bush cứ thỉnh thoảng liếc xem đồng hồ. Cử chỉ rất tệ đó đã chuyển khá nhiều cảm tình của cử tri qua Bill Clinton, mặc dù hôm đó có cả một ứng viên thứ 3 là một tỷ phú nhưng sự trẻ trung, lanh lợi, bản lĩnh của Clinton đã có sức thu hút rất mạnh.

– Ông Al Gore nổi tiếng trí thức, thông thái, nhưng lại phạm sai lầm rất sơ đẳng trong kỹ năng giao tiếp, là liên tục lắc đầu khi nghe George Bush phát biểu. Một thái độ trịch thượng, cho dù Bush Con có nhầm tên Osama bin Laden với Saddam Hussein đi nữa, và cho dù sau đó có cố gắng cười nhiều để gây cảm tình thì cũng đã mất rất nhiều điểm.

– Năm 2008, John McCain đã phạm một sai lầm là hay đưa ngón trỏ tay trái lên và dùng chữ “that one” (ai đấy) thay vì xướng tên Obama. Hàng loạt áo T-shirt được tung ra với hai chữ “That One” đã làm uy tín của McCain trong sự lịch thiệp và khéo léo vốn có, sa sút thảm hại.

– Trong lần tranh luận đầu tiên của năm nay, Obama đã đăng đàn vào ngày kỷ niệm đám cưới mà không tổ chức được, lại “nhã nhặn” và thụ động quá đáng trước Romney rất năng động, cũng phải thú nhận là đã có một ngày tồi tệ. Có vẻ như công việc của một Tổng thống Mỹ luôn làm bạc trắng đầu mọi ứng viên đắc cử vào sống ở Nhà Trắng 4 năm. Có vẻ Obama mệt mỏi, lo ra, thậm chí có lúc bần thần.

Thể hiện để chiến thắng


Rất nhiều chiêu được tung ra để làm nổi bật sở trường và thắng lợi, cũng như che giấu sở đoản và thất bại của mỗi ứng viên. Hai cuốn sách của Obama: “Những giấc mơ từ cha tôi” (Dreams from my father) và “Sự táo bạo của hy vọng” (Audacity of hope) là danh thiếp thể hiện tài năng. Phu nhân Michelle Robinson và nhất là Cựu Tổng thống Clinton ủng hộ nhiệt tình, xuất hiện thân thiết bên cạnh Obama là những vũ khí cực kỳ lợi hại.

 

Mitt Romney thường sử dụng khẩu hiệu “make Mitt 45” (ý nói: Hãy biến Mitt thành tổng thống thứ 45) và phu nhân của vị Thống đốc tiểu bang Massachusetts này, là bà Ann Romney, khi nói về tình yêu và cuộc hôn nhân hạnh phúc với chồng mình, đã thể hiện sự khả ái của một Đệ nhất phu nhân tiềm năng, thuộc đại gia đình có truyền thống kinh doanh và làm chính trị xuất sắc. Mitt Romney là con út của Cựu Thống đốc tiểu bang Michigan George Romney. Ông Mitt từng là nhà doanh nghiệp rất thành đạt của Bain Capital đã từng tham gia chống chiến tranh Việt Nam.

Các mạng xã hội, từ Facebook, Twitter, Spotify, Pinterest hay Instagram cũng tham gia ý kiến về cuộc tranh cử, thể hiện xã hội dân sự.

Với một số góc nhìn lướt qua cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, chính trị khẳng định là một khoa học và cũng là một nghệ thuật đa dạng từ rất lâu rồi, và việc chi tiêu hàng tỷ đôla “chọn mặt gửi vàng” để tìm ra một bộ óc sáng và sạch đã cho thấy nước Mỹ cũng làm dân vận rất sinh động. Dĩ nhiên là theo kiểu Mỹ!

Nguyễn Thanh Lâm
Vieteurovn@yahoo.com 


Thực hiện: depweb

26/10/2012, 16:09