Richard Clayderman: Nghe nhạc của tôi là để... hạ nhịp tim - Tạp chí Đẹp

Richard Clayderman: Nghe nhạc của tôi là để… hạ nhịp tim

Sao

Nếu nhìn vào danh mục tác phẩm biểu diễn của Richard Clayderman, người nghe sẽ thấy ông cố gắng cổ điển hóa nhiều bản pop, rock, đồng thời cũng hiện đại hóa nhiều trích đoạn nhạc cổ điển. Cho tới nay, Richard Clayderman đã có hơn 70 triệu đĩa nhạc hòa tấu được mua trên toàn thế giới. 

Richard Clayderman tự nhận xét về mình: “Nhạc của tôi thường được mở trong thang máy, khách sạn, siêu thị, trên máy bay… Nó có tác dụng thư giãn và giảm căng thẳng. Người ta nói với tôi rằng nhiều lái xe đã nghe nhạc của tôi để dễ thở, để hạ nhịp tim, hay để thư giãn lúc tắc đường. Người ta cũng nói với tôi rằng nhiều em bé đã được chào đời trong tiếng nhạc của Richard Clayderman. Điều đó rất tuyệt vời”. 

Theo chia sẻ của nhà tổ chức, thời gian để mời được Richard Clayderman tới biểu diễn ở Hà Nội đêm 23/8 là 2 năm. Ngày 22/8, sau một chuyến bay dài từ Paris, nghệ sĩ dương cầm đã đặt chân tới Việt Nam, và chỉ vài tiếng sau, ông đã có buổi giao lưu với các nhà báo và người hâm mộ. 

Richard Clayderman đến đây lần đầu tiên, “với tình yêu Hà Nội, tình yêu với cây dương cầm”. 

– Các nghệ sĩ dương cầm trong mỗi thời gian của cuộc đời sẽ có những cảm xúc khác nhau được truyền tải vào cây đàn. Bây giờ, so với hồi 20 tuổi, cảm xúc của ông khác nhau như thế nào?

– Không phải qua các độ tuổi, mà mỗi lần chơi dương cầm, tôi đều có các cảm xúc khác nhau. Mỗi lần chạm vào phím đàn, cảm xúc của tôi đều khác, mỗi lần tôi đều muốn chơi hay hơn, hay hơn nữa, để khán giả của tôi ngày càng yêu mến tiếng dương cầm.

– Từ năm 12 tuổi, ông phải đi làm nhân viên ngân hàng trong một thời gian. Ông đã vượt qua thời gian đó như thế nào để có thể tiếp tục được ước mơ của mình. 

– Tôi có niềm đam mê với âm nhạc, và tôi lập gia đình rất sớm, từ khi 17-18 tuổi, vì thế, áp lực phải kiếm sống và mua nhạc cụ đã khiến tôi phải làm việc trong một ngân hàng. Nhưng việc đó chỉ giúp tôi đến gần hơn với âm nhạc, với ước mơ của mình mà thôi. 


– Bà Nancy Reagan, một đệ nhất phu nhân của nước Mỹ đã đặt cho ông biệt danh là “Hoàng tử lãng mạn”. Ông có phải là người lãng mạn không? Tính cách đó có giúp các bản nhạc của ông trở nên lãng mạn hơn không?  

– Tôi từng chơi những bản nhạc rất lãng mạn, nhưng điều đó chỉ đúng hoàn toàn trong quá khứ. Bây giờ, tôi chơi những bản nhạc hiện đại khác nữa. Tôi nghĩ rằng tôi là một người lãng mạn. Tôi đưa cả tâm hồn và tinh thần của mình vào âm nhạc. 

Tôi rất vui vì những người cùng thế hệ của tôi vẫn tiếp tục nghe nhạc của tôi, trong 30 năm rồi. Tôi đang cố gắng chiều lòng những người trẻ hơn.  

– Tôi có đọc được ở đâu đó rằng ông đã hai lần để sự nghiệp chen ngang đời tư của mình. Nếu được chọn lại, ông có làm như thế không?

– Tôi nghĩ là không. Suốt trong hơn 30 năm, tôi vẫn dành tình yêu của tôi cho âm nhạc và tôi vẫn chơi nhạc. Có thể nơi này không chào đón tôi thì tôi tới nơi khác, nơi mà người ta chào đón tôi. Và tất cả vẫn diễn ra như thế, rất êm đẹp, suốt 30 năm qua. Tôi vẫn dành đúng tình yêu ấy cho âm nhạc. 

– Theo ông, điều gì cần được ưu tiên nhất khi người ta còn trẻ? Và khi người ta đã già?

– Đầu tiên là sức khỏe. Dù ở tuổi nào, chúng ta cũng cần có sức khỏe. Mỗi lần đi lưu diễn tôi rất mệt mỏi, không chỉ 2 tiếng trên sân khấu mới là quan trọng nhất, mà trước đó, là sự tập luyện với các nghệ sĩ khác. Tình yêu dành cho âm nhạc, tình yêu dành cho gia đình là những điều quan trọng khác. 

– Theo ông, một người đàn ông thường xuyên vắng nhà là một điều thú vị hay mạo hiểm? 

– Tất nhiên vợ tôi cũng rất buồn khi tôi vắng nhà trong mỗi chuyến lưu diễn. Nhưng vợ tôi cũng là nghệ sĩ chơi nhạc, nên bà hiểu rất rõ tình yêu và sự hy sinh dành cho âm nhạc. Rất nhiều lúc tôi cảm thấy cô đơn, khi tôi đi lưu diễn ở nơi này nơi kia, vắng gia đình, nhưng chính điều ấy khiến tôi, khi trở về nhà, cảm thấy rằng cuộc sống gia đình ấm cúng hơn và đẹp đẽ hơn, và đó chính là nơi mà tôi phải trở về. 


– Khi người ta buồn, người ta nghe nhạc của ông. Khi ông buồn, ông nghe nhạc của ai? 

– Bình thường tôi nghe rất nhiều thể loại âm nhạc. Và khi buồn, tôi cũng nghe nhiều loại nhạc khác nhau để giải tỏa nỗi buồn ấy. Khi tôi đến Việt Nam, tôi mong muốn được nghe, được gặp gỡ những nghệ sĩ, ca sĩ Việt Nam, và tôi thử lắng nghe xem chất giọng của họ như thế nào, và tôi sẽ nhờ dịch lời các bài hát để hiểu nội dung ý nghĩa. 

– Mỗi người làm nghệ thuật đều có một nàng thơ. Ai là nàng thơ của Richard Clayderman? 

– Đối với tôi, “nữ thần dành cho nghệ thuật” là thầy dạy piano đầu tiên của tôi – người đã dạy tôi những bản nhạc cổ điển, và điều ấy đã làm cho tôi có nhiều tình yêu hơn với âm nhạc. Tất nhiên, công chúng từ khắp nơi trên thế giới chính là những “nữ thần” cho tình yêu âm nhạc của tôi. 


Trả lời phỏng vấn của phóng viên về việc có nhiều ý kiến cho rằng nhạc của Richard Clayderman chỉ là nhạc để nghe trong thang máy, quản lý của nghệ sĩ, ông Olivier Toussaint cho biết: “Trong hàng chục năm đi lưu diễn khắp nơi trên thế giới, khi Richard Clayderman đạt được thành công như thế, có nhiều người đặt câu hỏi rằng có phải chúng tôi làm marketing giỏi, hay đã thương mại hóa âm nhạc? Thực ra chúng tôi không bao giờ quan tâm tới những điều đó. Bởi vì trong suốt thời gian qua, chúng tôi không còn thời gian để nghĩ tới chuyện này, mà liên tục đi diễn. Luôn luôn có tình yêu, có niềm đam mê cho âm nhạc để không nghĩ tới chuyện thương mại hay gì cả”.

Hoa Đường (ghi) 

Ảnh: Richardclayderman UK


logo


>>> Có thể bạn quan tâm: Nghệ sĩ dương cầm xuất sắc nhất thế kỷ 20 Vladimir Ashkenazy không sinh ra với một đôi tay để chơi piano. Đây là sự thật. Và ông phải luyện tập rất nhiều, nỗ lực hơn những nghệ sĩ khác rất nhiều để tạo nên sự kỳ diệu trong âm nhạc. Tập luyện, tập luyện và tập luyện – đây cũng là những lời ông nhắc đi nhắc lại với các bạn sinh viên nghệ thuật.

Thực hiện: depweb

22/08/2014, 16:36