Remi Camus - “Tôi không có thời gian để mắc sai lầm” - Tạp chí Đẹp

Remi Camus – “Tôi không có thời gian để mắc sai lầm”

Giải Trí

Người sở hữu những giấc mơ khác thường

 
Những con người tràn đầy năng lượng trên các chặng đường chinh phục đỉnh cao phía trước, bằng niềm tin vượt lên trên thử thách. Họ chính là khách mời đặc biệt xông đất Đẹp, số Xuân 2015. 

Đẹp tin rằng, nếu có một ước mơ ĐẸP, đồng nghĩa sẽ khởi đầu một tương lai ĐẸP. Bởi ước mơ nào thì tương lai đó!

Đọc thêm:
Đỗ Nhật Nam: “Nụ cười là… chiếc cột thu lôi”

– Võ Thị Mỹ Linh – Những câu trả lời sau bão tuyết

– Những người của màu hồng và xám

“Thiên nhiên luôn có cách để cân bằng chính mình, nhưng nhân loại có tồn tại đến lúc đó không? Hãy nghĩ đến tương lai chứ đừng chỉ sống cho hiện tại. Tôi nghĩ nếu các bạn trả lời ‘Có’ cho câu hỏi ‘Bạn có muốn một tương lai tốt đẹp hơn không?’ thì các bạn phải hành động ngay.” – Remi Camus, người vừa chinh phục 4.400km qua 5 quốc gia dọc theo sông Mekong trong năm 2014, giải thích với Đẹp về lý do anh quyết tâm thực hiện cuộc hành trình.

Remi Camus 29 tuổi, người Pháp. Năm 2011, anh chạy dọc nước Úc một mình, vượt khoảng cách 5.300km, dưới cái nóng 50oC để quyên góp cho bệnh nhân bệnh Lowe (hội chứng mắt – não – thận – Oculocerebrorenal syndrome). Chính chuyến đi này đã giúp Remi nhận ra vấn đề cấp thiết của việc thiếu nước sạch.

Năm 2014, Remi Camus bơi một mình dọc sông Mekong, qua 4.400km từ thượng nguồn ở lãnh thổ Trung Quốc, tới Thái Lan, Lào, Campuchia và kết thúc ở Việt Nam. Rất nhiều lúc anh không thể chịu nổi vì quá ghê sợ trước dòng nước ngập rác.

“Người ta vẫn thường hỏi tôi tại sao lại thực hiện hành trình này? Tôi muốn thực sự nhìn thấy hiện trạng của sông Mekong. Tôi muốn tận mắt nhận ra nguồn nước đã bị ô nhiễm đến mức nào.

Thiên nhiên không cần chúng ta. Chúng ta cần thiên nhiên. Thiên nhiên luôn có cách để cân bằng chính mình, nhưng nhân loại có tồn tại đến lúc đó không?

Hãy nghĩ đến tương lai chứ đừng chỉ sống cho hiện tại. Tôi nghĩ nếu các bạn trả lời ‘Có’ cho câu hỏi ‘Bạn có muốn một tương lai tốt đẹp hơn không?’ thì các bạn phải hành động ngay”
– Remi chia sẻ về lý do bắt đầu cuộc hành trình.

Mất 15 ngày chỉ để bơi 200km

– Có một người tên là Ray D. Chaplin đã hoàn thành việc bơi 2.460km dọc sông Orange ở Nam Phi và được ghi vào kỷ lục. Có phải anh thực hiện chuyến phiêu lưu của mình một phần cũng vì muốn phá kỷ lục đó?

– Tôi không biết về hành trình của Ray trên sông Orange. Tôi chỉ biết về anh ấy qua bạn của tôi – Josh Galt, một nghệ sĩ, vận động viên và doanh nhân. Anh là người đồng sáng lập ra Face Level Industries, một chuyên trang tin tức, hình ảnh về tất cả các môn thể thao “face level” trên thế giới (các môn sử dụng sức mạnh tự nhiên của con người để trải nghiệm thiên nhiên, ví dụ như trượt tuyết, lặn biển, lướt sóng… – PV). Josh kể với tôi về Ray khi tôi đang bơi gần quần đảo Si Phan Don ở Lào. Lúc đó, người duy nhất tôi biết đã vượt qua quãng đường dài trên sông là Mike Horn. Anh đã bơi dọc sông Amazon với tổng quãng đường 7.000km.

– Tôi không hình dung được việc bơi qua một quãng sông dài đến mức ấy sẽ như thế nào. Anh có thể kể lại chi tiết hơn được không?

– Tôi sẽ nói về môn thể thao mà tôi chọn trước nhé – môn riverboarding (trong đó, người chơi bám vào một chiếc thuyền nhỏ có phao, sử dụng lực đẩy của hai chân trong nước để tiến về phía trước – PV). Môn này có từ 70 năm trước, luật chơi thì giống như chèo thuyền kayak, môi trường để chơi cũng tương tự. Sự khác nhau giữa hai môn này nằm ở chỗ: riverboarding thì người chơi chìm trong nước, còn chèo thuyền kayak thì người chơi nổi trên mặt nước.

Với dòng chảy trên sông thì có 6 mức độ, từ 1 đến 6. Mức 6 là mức gần như bạn sẽ tự tử nếu ở trong đó. Thường thì người ta sẽ thực hành môn riverboarding trong một nhóm ba người cho an toàn.

Trở lại với hành trình của tôi trên sông Mekong, đây là một chuyến đi khá căng thẳng, ngay từ lúc ban đầu, vì nước ở sông rất lạnh, lại chảy rất nhanh – tốc độ khoảng 25-30km/giờ. Tôi không có thời gian để mắc sai lầm.

Tôi đã từng được huấn luyện rất nhiều ở Pháp và Tây Ban Nha, nhưng khi bơi trên sông Mekong với thủy lực, với xoáy nước thì mọi thứ đều khác. Tôi thực hiện cuộc hành trình này mà không có sự hỗ trợ của động cơ máy móc nào, nên khi một trở ngại lớn xảy đến, tôi phải nghĩ kỹ trước khi quyết định dấn thân. An toàn luôn là điều quan trọng nhất.

Remi Camus và người dân khu vực sông Mekong

Khi tôi bơi đến con đập đầu tiên ở Trung Quốc, tốc độ của dòng nước thay đổi đột ngột, từ 25km/giờ chuyển về 0km/giờ, giống như bạn đang ở trong một cái hồ chứa. Tôi đã phải đạp nước trên một hành trình rất dài, cứ tưởng tượng như bạn đang ở trong một cái hồ mênh mông mà lại chỉ có một mình vậy.

Sau Trung Quốc, tôi đến được Lào và cuối cùng thì dòng Mekong cũng chảy nhanh hơn, nhưng lúc này lại có các phương tiện giao thông đường thủy trên sông. Tôi phải rất cẩn thận với những con thuyền.

Tới Nam Lào, tôi gặp quần đảo Si Phan Don (tiếng Lào có nghĩa là 4.000 hòn đảo – PV). Đây là một quần đảo với rất nhiều ghềnh và thác nước. Thật may mắn là bạn tôi, Josh Galt, đã cảnh báo trước về tình hình này. Lúc đó, tôi quá mệt mỏi vì vừa bơi từ Trung Quốc tới, cơ thể tôi cũng không trong tình trạng tốt. May sao tôi tìm được một cái kênh để bơi vào.

Quãng sông Mekong ở Campuchia cũng giống như Nam Lào, không an toàn cho lắm. Lúc đó Josh lại gọi điện cho tôi, anh ấy đang ở Phnom Penh. Josh rất lo về sự an toàn của tôi, vì có rất nhiều thuyền lớn và xà lan chạy dọc sông Mekong.

Vậy là tôi quyết định sẽ bơi liên tục trong 28 giờ 40 phút không nghỉ để được an toàn. Buổi sáng khi hoàn thành chặng đường này, tôi kiệt sức và sụt cân rất nhiều.

Tới Việt Nam thì tôi lại phải chiến đấu với thủy triều – chúng cứ lên xuống hai lần một ngày. Tôi đã mất 15 ngày chỉ để bơi 200km.

Con người vừa tồi tệ, vừa đẹp đẽ vô cùng

– Tôi đoán rằng nỗi buồn chán là một vấn đề lớn khi anh bơi quãng đường xa đến thế một mình. Tôi cũng đoán là anh muốn bỏ cuộc nhiều lần. Điều gì khiến anh tiếp tục bơi?

– Tôi có một người bạn rất thích bơi đường dài, nhưng anh ấy nói với tôi rằng chẳng có gì so sánh được với 4.400km một mình trên sông Mekong. Tôi đã rời Pháp với rất nhiều quà lưu niệm, rồi kỷ niệm về gia đình, bạn bè, những bữa tiệc, những nụ cười, những giai điệu êm đẹp. Và bởi vì tôi ở một mình trên sông, đối mặt với một “bể bơi” dài bất tận, chắc chắn tôi sẽ nghĩ về những điều kia. Việc này sẽ giúp tôi đi qua nỗi buồn chán và chiến thắng nó. Thành thực mà nói, cách này rất hiệu quả. Nó giúp tôi rất nhiều.

– Vậy anh vượt qua nỗi cô đơn như thế nào?

– Khi bơi, tôi hát và nói chuyện với chính mình, hoặc với máy quay. Khi một mình trong đêm, tôi viết vào sổ tay, ghi lại chuyện xảy ra trong ngày. Rồi tôi nhóm lửa. Hầu hết thời gian thì tôi quá mệt do phải bơi suốt 12 tiếng, vì thế, tôi chỉ cần 10 phút là chìm vào giấc ngủ.

– Cảm giác bơi cả ngày dài, rồi đến đêm lại ngủ trên cành cây bên bờ sông ra sao?

– Tôi cảm thấy tự do. Tôi đang được làm điều tôi thích nhất. Tôi thích được đi cắm trại. Tôi thích nhìn lên bầu trời, ngắm các vì sao và lắng nghe thiên nhiên.

– Anh còn bị thương tổn ở chân khá nặng nữa. Anh vượt qua chuyện này thế nào?

– Tôi thực ra chẳng chiến đấu gì. Tôi nghỉ ngơi khi không thể đạp nước thêm được nữa, chờ chừng một đến hai ngày và cứ như thế cho tới khi chuyến đi kết thúc.

– Chúng ta đều biết hành trình của anh là một cuộc chiến liên tục với những thử thách, trải nghiệm không hề dễ chịu ngay từ ban đầu, nhưng anh có thể kể cho tôi kỷ niệm đáng nhớ nhất, khi mọi thứ đều vượt ra ngoài sự kiểm soát của anh?

– Đấy là một nụ hôn từ một em gái ở Trung Quốc. Em mới chừng khoảng 7 tuổi. Hoặc, khi tôi gặp một người bạn, chúng tôi đã mất liên lạc từ nhiều năm rồi, nhưng bây giờ anh ấy lại đang ở Sài Gòn, làm việc cho một hãng rượu và biết về chuyến đi của tôi. Anh ấy đã tới gặp tôi khi tôi vừa tới Việt Nam. Thật là một kỷ niệm đẹp, đặc biệt là trong hoàn cảnh ấy.

 – Tôi đọc một tờ báo tiếng Pháp viết rằng anh thấy sự nổi tiếng vừa là kỷ niệm đẹp vừa là chuyện tồi tệ. Thực ra là như thế nào?

– Con người chính là động vật tệ nhất trên thế giới, họ vừa tốt đẹp vô cùng vừa xấu xa cùng cực.
Tôi chấp nhận chuyện cảnh sát ngăn tôi lại khi tôi bơi gần đến biên giới, vì đây là điều bình thường thôi. Nhưng việc họ điều tra tôi trong hơn một tháng trời thì không dễ chịu lắm. Tôi không thể hiểu nổi. Tôi đang làm việc này vì mục đích tốt, vì những người dân Đông Nam Á, để nâng cao nhận thức về việc thiếu nước sạch cơ mà?

Nhưng những người dân thì đã khiến tôi ngạc nhiên. Họ chia sẻ với tôi thức ăn, giường ngủ và cả đời sống của họ.

Tôi gần như phát khóc ở Trung Quốc vì người dân ở đó chăm sóc cho tôi quá tốt. Tôi sẽ chẳng thể ngồi ở đây, trả lời các câu hỏi của bạn nếu không có ai sống dọc bên dòng Mekong.

– Sau chuyến phiêu lưu độc nhất vô nhị của mình, anh có kinh nghiệm nào có thể chia sẻ?

– Dù là chuyến đi nào, hãy chuẩn bị cho nó thật kỹ. Tôi mất 8 tháng để chuẩn bị cho cuộc chạy xuyên nước Úc. Tôi tập luyện mỗi ngày. Tôi chạy, chạy và chạy hàng ngày. Chuyến phiêu lưu trên sông Mekong khiến tôi mất 1 năm và 4 tháng để có thể sẵn sàng. Tôi tập chạy, tập bơi, tập thể hình, và cả việc đối phó với nhân viên của chính phủ ở biên giới nữa.

Khi đã có một kế hoạch, bạn phải tìm cách giảm thiểu các rủi ro. Chẳng có ý nghĩa gì khi bạn làm một thứ để rồi phải hy sinh mạng sống của mình. Một số người nói tôi điên. Tôi bảo họ nói đúng, nhưng tôi không ngu ngốc. Mặc dù vậy, kể cả khi mọi thứ đã được lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn vẫn có thể thiếu may mắn và chết. Dù sao thì một người đàn ông với một ý tưởng hay vẫn là một kẻ điên, cho đến khi anh ta thành công.

 

Chuyến đi lần này của Remi Camus được sự hỗ trợ của 15 cá nhân và tổ chức ở quê hương của anh – nơi anh dự định sẽ trở về để chia sẻ trải nghiệm và thông điệp của mình, làm một bộ phim tài liệu và viết một cuốn sách về chuyến phiêu lưu này.

Khi Remi bơi dọc sông Mekong với “con thuyền” kỳ lạ của mình, cũng như với cách bơi không bình thường, anh thu hút rất nhiều sự chú ý của những người dân sống dọc bờ sông. “Nhiều người tò mò muốn biết tôi là ai, tại sao tôi lại tới đây, tại sao tôi làm những việc này”. Thỉnh thoảng, Remi cảm thấy hơi “quá tải” vì bị vây quanh bởi quá nhiều người. Tuy vậy, anh tận dụng cơ hội này để giải thích về cách mọi người có thể chung tay cứu dòng Mekong, vì con sông này đang nuôi sống hàng triệu người. Remi cũng nói rằng những người Châu Á rất may mắn vì có dòng sông, không giống như nhiều nơi khác trên thế giới đang phải sống trong cảnh khô hạn, ví dụ như Châu Phi.

Bài: Linh Hanyi
Ảnh: Nhân vật cung cấp

logo

Thực hiện: depweb

07/01/2015, 16:15