Quân tốt trên bàn cờ

Tôi đang làm việc tại một công ty quảng cáo. Nhờ một chút thông minh, lanh lợi nên tôi làm việc tốt hơn những gì cấp trên mong đợi. Được nửa năm, giám đốc marketing cân nhắc tôi lên làm trợ lý. Mỗi khi gặp khách hàng, thương thuyết hợp đồng quan trọng, chị ấy đều đưa tôi đi cùng. Mối quan hệ của chúng tôi cũng dần khăng khít hơn.

Chơi dao…

Khi đủ thân thiết, chị ấy bắt đầu nhờ tôi những việc ngoài chuyên môn. Chuyện chị thường phó thác cho tôi làm nhất là mang “tài liệu mật” cho tổng giám đốc duyệt. Cũng nhờ vậy, tôi thường xuyên được gặp gỡ với sếp tổng.

Thấy tôi lanh lợi, rành rẽ trong công việc (dù chỉ là việc được nhờ) nên tổng giám đốc dần tin cậy và quý mến tôi hơn. Thoạt đầu, tôi vẫn lo sợ sếp nhỏ sẽ không vui khi thấy tôi thân thiết với sếp tổng. Nhưng trái với những gì tôi nghĩ, chị ấy có vẻ rất hào hứng với việc này. Tôi nghe phong thanh rằng, chị nói tôi càng thân thiết với sếp lớn thì công việc sẽ được giải quyết hiệu quả và nếu có trục trặc thì phòng của tôi vẫn được chiếu cố, giúp đỡ nhiều hơn.

Một lần khác, tôi nghe chị kế toán trưởng trong công ty kể lại, sếp nhỏ cũng từng tâm sự rằng chị ấy không bao giờ sợ tôi “phản” vì chị là người có uy và sức ảnh hưởng rất lớn đối với tôi. Chị kế toán trưởng tốt bụng có vẻ lo lắng, khuyên tôi nên thận trọng với người có tư tưởng cai trị kiểu ấy nhưng tôi lại không lấy đó làm phiền lòng. Tôi nghĩ, miễn sao công việc giữa tôi và sếp nhỏ luôn được suôn sẻ, không ai phải chịu thiệt là tốt rồi. Hơn nữa, sếp lại còn chiều chuộng tôi hết mực thì có gì phải đắn đo?

 

Nhưng mọi việc không như tôi tưởng, chuyện bắt đầu phức tạp khi sếp nhỏ đi học thêm văn bằng 2 ngành Quản trị Marketing. Vì từng học qua ngành này nên chị ấy nhờ tôi kiêm thêm chân “trợ lý học tập”.

Ban đầu, tôi cũng vui vẻ tìm giúp tài liệu, hướng dẫn bài tập… Chỉ đến khi chị liên tục nhờ tôi đi học (để điểm danh giúp), nghĩ giúp ý tưởng cho bài tập thực hành trên lớp thì tôi bắt đầu thấy phiền. Đỉnh điểm là một lần chị viện lý do bị bệnh nên nhờ tôi đi học giúp một buổi học quan trọng, tôi nghĩ chị có lý do chính đáng nên mới sẵn lòng giúp đỡ. Thế nhưng, khi đến nơi, tôi mới biết hôm ấy là ngày kiểm tra hết học phần. Hốt hoảng gọi lại cho chị, tôi mới hay thì ra chính chị đã xếp đặt chuyện này để tôi làm bài tập giúp vì “đầu óc chị già rồi, không học nổi nữa nên nếu đi thi thì rớt chắc”. Chị trấn an tôi rằng, chị đã nhờ sẵn người “bảo lãnh” giúp nếu tôi bị giảng viên hỏi đến nên sẽ không bao giờ bị lộ…

Có ngày đứt tay

Từ sau đợt này, giám đốc đã thề sống thề chết rằng chị ấy sẽ không làm khó tôi lần nữa, kèm câu nói: “Bài đó chị cao điểm nhất lớp mà có ảnh hưởng gì đến em đâu!”. Tôi nghe mà không biết nói thế nào để chị hiểu là từ khi đi học, tôi không bao giờ gian lận trong thi cử nên cực kỳ dị ứng với những việc này.

Một hôm tôi được chị gọi lên phòng và giao cho việc thực hiện một loạt ý tưởng quảng cáo cho các sản phẩm đồ gia dụng. Lần đầu tiên được làm một dự án độc lập, tôi vô cùng háo hức. Tôi cặm cụi tìm ý tưởng để làm kế hoạch. Thậm chí, tôi còn vô tư xin thêm ý kiến từ tổng giám đốc và anh chỉ bảo hết sức tận tình.

Khi tôi hoàn thành xong bản thảo và gửi cho sếp nhỏ, chị ấy xem và có vẻ rất thỏa mãn. Tôi khấp khởi mừng thầm, cứ nghĩ chắc 1-2 tuần gì nữa là chị sẽ báo tôi biết tin vui và tổng giám đốc đánh giá cao ý tưởng đó khi tôi đã vận dụng rất tốt những gì mà anh gợi ý.

Thế nhưng, một tuần, rồi một tháng qua đi, tôi vẫn không nghe sếp nhỏ đả động gì nên đánh bạo hỏi chị. Không ngờ chị chỉ cười phá lên nói rằng, đó chỉ là bài tập cuối khóa chị phải làm nhưng bận quá nên nhờ tôi mà thôi. Chị hồ hơi hứa sẽ đền đáp xứng đáng vì những giúp đỡ thầm lặng của tôi trong thời gian qua. Chị hy vọng tôi sẽ tiếp tục giúp chị và giữ bí mật, khi đó, chị sẽ nói tốt cho tôi trước các sếp lớn.

Bia đỡ đạn

Kể từ giây phút đó, tôi đã nghĩ mình phải tính đường khác. Thế nhưng, tôi chưa kịp tìm đường thì rắc rối đã ập đến. Chuyện là một công ty quảng cáo vừa thành lập đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo cho một nhãn hàng, điều đáng nói là những ý tưởng trong chiến dịch quảng cáo đó lại trùng khớp với những gì mà tổng giám đốc đã hướng dẫn tôi. Chính vì thế, anh ấy đã gọi tôi lên nói chuyện riêng và hỏi về “bản kế hoạch” mà tôi làm lúc trước. Khi đối diện với sếp lớn, tôi không biết phải trả lời thế nào vì thực hư chuyện này tôi cũng chưa biết. Có chăng tôi chỉ có thể nói chuyện bản kế hoạch đó là tôi làm giúp giám đốc phòng marketing. Nhưng tôi không thể làm như thế, bởi dù gì chị ấy cũng đã giúp tôi nhiều, hơn nữa chị còn là chủ nợ của tôi, vì chính chị là người cho tôi vay một số tiền không nhỏ để sửa sang nhà cửa ở quê.

Nếu tôi cho sếp tổng biết chuyện này thì e rằng vị trí của chị ấy sẽ bị lung lay… Và tôi thì không đủ nhẫn tâm để làm việc đó nên chọn giải pháp im lặng. Trước thái độ kiên quyết im lặng của tôi, sếp tổng đã nói mấp mé về việc sếp nhỏ đã lên gặp riêng anh ấy để nói về chuyện này. Sếp tổng ám chỉ sếp nhỏ đã đổ hết mọi tội lỗi cho tôi và anh ấy tin tôi nên muốn cho thêm cơ hội để cứu vãn.

Khi biết chuyện này, sếp nhỏ cũng gọi tôi đến nhà và dặn dò đừng tiết lộ điều gì với ai. Mọi chuyện cứ để chị ấy lo, chắc chắn tôi sẽ không bị liên lụy gì. Lúc này, tôi quá hoang mang, rõ ràng sếp nhỏ nhờ tôi làm bản kế hoạch đó, vậy mà chị ấy còn dám đến gặp tổng giám đốc “tố cáo” tôi trắng trợn như vậy thì số phận tôi sẽ ra sao?

Tôi nên tin ai, sếp lớn hay sếp nhỏ? Mà tôi cũng chỉ là một nhân viên quèn, nếu có rắc rối gì thì sếp nhỏ chỉ cần lôi tôi ra làm bia đỡ đạn rồi phủi tay cũng đâu ai tiếc thương. Tôi đang mang nợ sếp nhỏ khoản tiền lớn, nhưng liệu tôi có nên im lặng để bao che cho sếp?

Đăng Lê (Hà Nội)

Theo Thế giới gia đình


From the same category