Qua rồi cái thời phim kinh dị chỉ để dọa người

Ngay từ buổi bình minh của môn nghệ thuật thứ bảy, thể loại phim kinh dị đã luôn hấp dẫn người yêu điện ảnh nhờ tính chất khép kín của nó. Những thước phim với độ rùng rợn leo thang luôn khiến khán giả vừa sợ thứ sắp xảy đến, đồng thời lại không tài nào rời mắt khỏi màn ảnh. Cũng bởi những đặc trưng như vậy nên từ trước tới nay, phim kinh dị luôn được đánh giá cao thấp nhờ khả năng dọa khán giả, các yếu tố khác chỉ là thứ yếu.

Dù vậy, trong làng phim ảnh những năm gần đây đang nổi lên một xu hướng mới, có thể gọi nôm na là phim “kinh dị nghệ thuật” hoặc “kinh dị tâm lý”, với sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn và được các hãng phim quy mô thực hiện. Đặc điểm của các phim này là vẫn có những cảnh phim rùng rợn, đáng sợ kéo dài, tuy nhiên chúng có nội dung sâu sắc, diễn xuất khá và cảnh quay nghệ thuật. Thay vì máu me lộ liễu hoặc sử dụng quá nhiều jump-scare (làm khán giả giật mình đơn thuần), phim kinh dị kiểu mới mang sắc thái riêng tạo nên một sự rùng rợn, dè chừng suốt từ đầu tới cuối phim.

"Get Out" - phim 18+ gây ám ảnh về nạn phân biệt chủng tộc.
“Get Out” – phim kinh dị 18+ gây ám ảnh về nạn phân biệt chủng tộc.

Một số bộ phim thuộc trường phái “kinh dị cao cấp” này có thể kể tới “Get Out”, “mother!”, “It Comes At Night” (2017), “Hereditary” (2018),… Gần đây nhất, “Suspiria” – một bộ phim chế tác lại từ phiên bản nổi tiếng máu me năm 1977 đã khiến khán giả ngạc nhiêu khi bao gồm nhiều cảnh quay nghệ thuật, diễn xuất phong phú hơn rất nhiều bản gốc. Đầu năm nay, “Get Out” đã nhận tới 4 đề cử Oscar danh giá, và thắng một giải cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất. Tiếp nối thành công đó, một số bộ phim kinh dị mà tiêu biểu là “A Quiet Place” cũng đang được kỳ vọng khá nhiều tại kì Oscar năm tới.

“A Quiet Place” là phim "kinh dị tâm lý" tiêu biểu đang được kỳ vọng khá nhiều tại kì Oscar năm tới.
“A Quiet Place” là phim “kinh dị tâm lý” tiêu biểu đang được kỳ vọng khá nhiều tại kì Oscar năm tới.

Một điểm chung mà những bộ phim kể trên là dù được quảng bá là tác phẩm kinh dị, nhưng bản thân những người thực hiện chúng lại không coi như vậy. Trong trường hợp của “mother!” (2017), nữ diễn viên chính Jennifer Lawrence thừa nhận bộ phim không hẳn thuộc thể loại kinh dị, mà giống phim nghệ thuật nhưng mang một số yếu tố khó xem. Đạo diễn của “mother!”, Darren Aronofsky cũng tuyên bố bộ phim là một ẩn ý sâu xa về Kinh Thánh lẫn thực trạng con người hủy hoại môi trường, hoàn toàn không đả động gì đến yếu tố kinh dị của nó.

“mother!” (2017) không đơn thuần chỉ là một tựa phim kinh dị.
“mother!” (2017) không đơn thuần chỉ là một tựa phim kinh dị.

Phim kinh dị đã từ lâu chịu thành kiến là một thể loại ít ý nghĩa, chỉ thuần những hình ảnh gây sốc, bạo lực, máu me. Thậm chí, chỉ vì cái mác kinh dị (horror) quá bị bài xích mà một định nghĩa khác đã ra đời – phim giật gân (thriller) để dư luận có thiện cảm hơn. Về cơ bản, phim giật gân được dùng để chỉ những tác phẩm đáng sợ nhưng ít máu me, được đầu tư và có diễn xuất khá hơn. Trong khi đó, phim kinh dị được dùng cho những bộ phim nông cạn, thuần bạo lực. Nhiều tác phẩm được đánh giá rất cao, từng đoạt giải Oscar như “Fatal Attraction”, “Misery” và nhất là “The Silence of the Lambs” đều được xếp vào hạng phim giật gân, thay vì kinh dị.

“Fatal Attraction”, “Misery” và nhất là “The Silence of the Lambs” đều được xếp vào hạng phim giật gân, thay vì kinh dị và đã đoạt giải Oscar.
“Fatal Attraction”, “Misery” và nhất là “The Silence of the Lambs” đã đoạt giải Oscar đều được xếp vào hạng phim giật gân, thay vì kinh dị.

Sự phân chia kinh dị – giật gân có thể phần nào giúp người xem chọn lựa phim dễ dàng hơn, tuy nhiên nó lại dễ khiến một số tác phẩm có tầm cỡ bị hiểu sai. Chẳng hạn, rất nhiều  bộ phim kinh dị vấp phải phản hồi tiêu cực, thậm chí còn gây tranh cãi lúc mới phát hành, nhưng về sau lại được minh oan và đề cao như “Peeping Tom” (1960), “Hellraiser” (1987), “Candyman” (1992),… Ngoài ra, ranh giới này cũng gây sức ép cho thể loại giật gân, khiến các bộ phim này không dám “sợ tới bến”, từ đó hạn chế sức sáng tạo của người làm phim.

Không hài lòng với cách dư luận nhìn nhận phim kinh dị nên gần đây, nhiều tác phẩm đã mạnh dạn từ chối mang danh giật gân, và bắt đầu sử dụng những hình ảnh ghê rợn, đáng sợ một cách linh hoạt hơn. Chẳng hạn, trong “Black Swan” (2010), nữ nhân vật chính (Natalie Portman đóng) từng có phân cảnh kéo da móng tay mình dẫn tới chảy máu, đủ khiến những khán giả gan dạ nhất phải quay mặt đi không dám nhìn. Dù vậy, cảnh phim này vẫn không khiến bộ phim mất đi chiều sâu hay tính nghệ thuật, trái lại còn góp phần đẩy mạnh cao trào. Đó mới chính là sức mạnh thật sự của phim kinh dị kiểu mới: thông qua sự sợ hãi để truyền tải một ý nghĩa, cảm xúc sâu xa hơn.

“Black Swan” (2010) khiến khán giả gạn dạ mấy cũng phải che mắt, chẳng dám nhìn.
“Black Swan” (2010) có nhiều phân cảnh khiến khán giả gạn dạ mấy cũng phải che mắt, chẳng dám nhìn.

Dù có máu me, bạo lực, bênh hoạn đến đâu thì người xem cũng sẽ có lúc nhàm chán. Những bộ phim kinh dị gần đây được đánh giá cao, thậm chí bội thu ngoài phòng chiếu là do chúng không chỉ muốn dọa người xem ở bề nổi. Trái lại, nhà sản xuất của những bộ phim này luôn tìm cách đi sâu vào tìm hiểu: nguồn cơn của những nỗi sợ khác nhau là gì? Nỗi sợ bắt rễ từ đâu trong văn hóa cũng như xã hội? Từ nỗi sợ ấy, có thể xây dựng tình huống phim và nhân vật như thế nào? Những tác phẩm của họ vì thế mà không chỉ khiến khán giả nhảy dựng, mà còn khơi dậy những phản ứng sâu kín hơn, khiến ai ai cũng phải suy ngẫm.


From the same category