PNJ - Name card "vàng" của Việt Nam - Tạp chí Đẹp

PNJ – Name card “vàng” của Việt Nam

Sao

– Từ một doanh nghiệp nhà nước rất nhỏ ra đời từ năm 1988, đến nay PNJ luôn nằm trong danh sách bảng xếp hạng những công ty sản xuất và kinh doanh kim hoàn lớn nhất châu Á với tài sản hơn 2.500 tỷ đồng. Châu Á là thị trường phát triển mạnh về bán lẻ trang sức với nhiều “đại gia” như Ấn Độ, Thái Lan…, không dễ để vươn lên hàng top. Chị đã làm gì để biến tham vọng thành sự thật?

– Nói là “tham vọng” cũng đúng, mà “thực tế” cũng đúng. Từ 10 năm trước, Hội đồng Vàng thế giới đã đánh giá PNJ nằm trong top đầu các công ty kinh doanh vàng của Châu Á. Về công nghệ sản xuất, PNJ không thua kém ai; có gì mới là cập nhật liền. Đặc biệt, thế mạnh của PNJ là tay nghề tinh xảo của các nghệ nhân, điều mà nhiều quốc gia khác phải “thèm muốn”. Nếu không tận dụng và phát huy thì thật đáng tiếc. Với những phép cộng ấy, các sản phẩm xuất khẩu của PNJ đều rất tinh tế và không đại trà. Khu vực Châu Á có hàng ngàn thương hiệu kinh doanh vàng nhưng chủ yếu là các công ty gia đình. Còn công ty có quy mô lớn (từ sản xuất đến hệ thống bán lẻ, bán buôn, xuất khẩu) như PNJ thì rất ít với vài tên tuổi như: Chow Tai Fook của Hong Kong, Pranda của Thái Lan… Ngay cả thế giới cũng vậy, công ty kinh doanh vàng có quy mô lớn không nhiều. Khó có thể nói ai là số một trên thị trường vì mỗi công ty có một thế mạnh khác nhau.

– Chị định nghĩa thế nào về một tài năng trên thương trường?

– Trước tiên, phải có tầm nhìn chiến lược, có mục tiêu rõ ràng và xây dựng được chiến lược để đạt mục tiêu. Nhưng điều quan trọng là phải năng động, linh hoạt và thực tế. Biết chớp thời cơ, có chiến lược ngắn và dài hạn cũng là điều cần thiết. Ngoài ra, cần phải biết cách tận dụng nguồn nhân lực. Doanh nhân giỏi là phải biết nhìn ra cơ hội và có sự nhạy cảm với nơi nào, lĩnh vực nào mang đến lợi nhuận. Không thể mơ mộng, viển vông, thiếu thực tế được. Đồng thời phải biết quản lý đồng tiền.

Cao Thị Ngọc Dung - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận (PNJ)

– Truyền thống của gia đình và những kỹ năng kinh doanh đã được rèn luyện từ bé có giúp ích gì cho chị trong việc quản lý những công ty lớn sau này?

– Có lẽ truyền thống gia đình giúp tôi có được bản năng và tố chất kinh doanh. Tố chất của người giỏi kinh doanh là luôn nhìn thấy cái gì sẽ làm ra tiền và biết cách để kiếm tiền. Có người làm bánh chỉ để ăn, nhưng người có tố chất kinh doanh sẽ nghĩ đến chuyện làm bánh để bán. Nếu được học và phát triển theo đúng sở trường, tố chất và bản năng sẽ được phát triển tốt hơn nữa, nhất là quản lý đồng tiền như thế nào để tiền có thể đẻ ra tiền.

– Kỹ năng lan tỏa sức mạnh của mình đến từng nhân viên, để công ty như luôn “có nhiều chị Dung” là một trong những thành công của chị trong quản lý. Như vậy, chị có thể vắng mặt ở công ty trong bao lâu mà mọi việc vẫn chạy tốt?

– Bây giờ tôi có vắng mặt một tháng, mọi việc vẫn chạy tốt như thường. Thời đại của thế giới phẳng, ngồi ở đâu mình cũng làm việc được. PNJ có các chương trình hoạch định, phân công, kiểm soát rõ ràng thông qua từng kênh. Các CEO không nhất thiết phải ngồi trong văn phòng. Một công ty mà khi sếp đi vắng, mọi việc bị đùn lại là khó phát triển.

– Chị đã chuẩn bị cho bước chuyển giao thế hệ chưa?

– Tôi đã chuẩn bị rồi.Thế hệ sáng lập luôn có trách nhiệm nặng hơn thế hệ kế thừa. Hiện tại, các phó tổng giám đốc của PNJ đều có thể thay thế chỗ của tôi. Nhưng nếu để PNJ phát triển bền vững và trường tồn, cần phải chuẩn bị nhiều hơn. Tôi muốn mọi thứ được vận hành bằng hệ thống kỹ trị chứ không phải bằng uy quyền, quản trị theo quy trình chứ không phải bằng kinh nghiệm và mệnh lệnh.Trong khi nền kinh tế và hệ thống hành chính của chúng ta cũng còn nhiều bất cập, mọi thứ bên ngoài chưa chuẩn thì doanh nghiệp của mình cũng chưa thể nào vận hành hoàn toàn theo chuẩn mực (với các mối quan hệ bên ngoài) do đó cũng cần có những CEO năng động và quyết đoán. Năm 2012, chúng tôi sử dụng chuyên gia nước ngoài tư vấn để tái cấu trúc công ty, xây dựng mô hình chuyên nghiệp để đồng đẳng với các công ty quốc tế. Chúng tôi luôn phải làm mới, tốt hơn, không tự mãn với những gì đã đạt được, sẵn sàng thay đổi và luôn nhìn lại.

– Mẫu người thế nào sẽ được chị tin cậy giao phó những trọng trách?

– Trước tiên là phải giỏi chuyên môn và có niềm đam mê. Nếu chỉ giỏi mà không đam mê cũng khó làm việc tốt. Ngoài kỹ năng chuyên môn tốt, họ còn phải trung thành và phù hợp với văn hóa doanh nghiệp là có tính chia sẻ và có quan điểm cộng đồng chứ không cục bộ. Dù giỏi đến mấy nhưng chỉ lo chứng tỏ cho bản thân và tính cá nhân lớn cũng không được.

– Nổi tiếng là một người năng nổ từ thời sinh viên và say mê đọc sách, chị có bị ảnh hưởng đến mức thay đổi vì một cuốn sách nào đó không?

– Tôi đọc rất nhiều. Bất cứ lúc nào, ở đâu cũng có thể tranh thủ đọc và đọc nhiều loại sách. Nếu thế hệ tôi có nhiều sách và điều kiện như bây giờ, có lẽ tôi đã khác nhiều. Bây giờ già rồi mới bắt đầu thấy quá nhiều sách hay để đọc và học. Không chỉ đọc một mình, tôi luôn mua thêm nhiều cuốn cho đội ngũ cán bộ quản lý trong công ty để cùng chia sẻ, thảo luận, học hỏi để có cùng quan điểm, hệ suy nghĩ. Tôi đã có không ít thay đổi về tư duy và hành động trong quá trình đọc và học hỏi từ nhiều cuốn sách. Từ quản trị đến tư duy về cuộc sống.

– Chị coi sự nghiệp này là của gia đình hay công chúng?

– Công chúng. Để có được công ty này, tôi có trách nhiệm dẫn dắt từ những ngày đầu. Nhưng một mình tôi không thể làm được mà cần có nhiều yếu tố khác như: chính quyền, nhân viên các cấp… Cho dù sau này không còn điều hành nữa, tôi vẫn sẽ dõi theo nó cho đến hết cuộc đời – như một đứa con tinh thần của mình.

– “Món trang sức” của riêng chị là gì?

– Đó là sống một cách bình dị, an lạc. Không cần phải nghĩ quá nhiều đến điều gì đó làm cho mình đẹp là sẽ đẹp.

– Cảm ơn chị đã dành thời gian cho Đẹp và chúc chị sẽ đưa thương hiệu trang sức vàng “Made in Vietnam” đến những thành tựu cao hơn nữa trên bản đồ thế giới.

 

Chuyên đề: Made in Vietnam

Tháng 4/2013, Đẹp thực hiện chuyên đề “Made in Vietnam” giới thiệu những gương mặt, những sản phẩm đầy sáng tạo của trí tuệ Việt. Đó vừa như một sự tự hào, vừa là lời khuyến khích những khối óc tư duy. Trong đó là những nhà thiết kế thời trang trẻ xây dựng thương hiệu theo định hướng chuyên nghiệp, những nhà thiết kế mỹ thuật đã nhận giải thưởng quốc tế danh giá, những thanh sô cô la được hai người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam, với nguyên liệu hoàn toàn Việt Nam, và nay đã có mặt trong các menu tại các nhà hàng danh tiếng trên thế giới. Đó có thể là những sáng kiến nhỏ nhưng dựng thành một thương hiệu được ưa chuộng, như những chai sữa tươi được gửi tận tay người dùng với dòng nhắn gửi được viết bằng tay; đó cũng có thể là thương hiệu truyền thống từ đời này sang đời khác, được thế hệ trẻ dùng kiến thức và tư duy mới cải tạo thành một thương hiệu hiện đại….

Chuyên đề đó đã nhận được sự đón nhận đầy tự hào của đông đảo bạn đọc. Và đó chính là lý do để Đẹp một lần nữa, giới thiệu chuyên đề “Made in Vietnam” với những gương mặt sáng tạo đầy kiên định như một cách làm dầy thêm niềm tự hào Việt.

Đó có thể là một gương mặt mới trẻ trung đầy tiềm năng, nhưng cũng có thể là những ngành nghề thủ công mỹ nghệ hàng trăm năm tuổi như nghề vàng bạc trang sức, kết hợp cùng tư duy sáng tạo và thẩm mỹ độc đáo của các nhà thiết kế trẻ để tạo nên thương hiệu trang sức đầy tinh tế, mang theo giá trị của niềm kiêu hãnh “Made in Vietnam” như PNJ.

Mời bạn cùng bước vào thế giới của những tư duy, khối óc Việt.

– Dragon Shoes
Mekong Quilts
– Bandit9
Desino – Tình yêu cho từng tấm da đẹp
– Bò sữa 
– Tò he
– Jelly Ear
– Work Saigon
– Printopia
– Hằng Artdoll: Muốn lan tỏa cảm giác hạnh phúc đi khắp nơi
 Gốm Amaï

 PNJ: Name card “vàng” của Việt Nam

Tổ chức: Vũ Thủy –  Ý tưởng: Hà Đỗ 
Sản xuất: Hellos
Ảnh: Ngô Nhật Hoàng – Mỹ thuật: Johnny Mạch

Thực hiện: depweb

16/07/2014, 13:18