Phương Silver Monkey, “Nhiệt” và tình yêu hip hop

Tuy vậy, nếu tiếp cận với văn hóa hip hop từ một trong những người gắn bó gần như trọn đời với nó thì cái nhìn về bộ môn này sẽ rất khác. Đẹp Online đã có một cuộc trò chuyện với Phương Silver Monkey, trưởng nhóm NYS, người đã sống cùng hip hop dance hơn 21 năm. 

Cuối tuần vừa qua (24-25/5), với mong muốn giúp các dancer được trải nghiệm một giải đấu hip hop ngay tại sân nhà, với đầy đủ cảm xúc và điều kiện lý tưởng, và đặc biệt là có sự tham gia của Henry Link – một trong ba huyền thoại vĩ đại nhất của hip hop thế giới, nhóm NYS đã tổ chức sự kiện Nhiệt – giải đấu “nóng” nhất mùa hè với những hip hop dancer sinh sống tại Việt Nam. 

Phương Silver Monkey (ảnh: The Origin Soul Store)

– Ở hip hop có một tinh thần đặc biệt nào khiến anh gắn bó lâu đến thế – những điều mà người ngoài cuộc không thể hiểu được?

– Tôi bắt đầu làm quen với hip hop từ năm 1992, tôi từng là thành viên của Big Toe – một nhóm nhảy đi tiên phong – từ những ngày đầu. Hồi đó, chỉ có 1, 2 nhóm nhảy ở Hà Nội. 

Tôi thích nghe nhạc. Tâm hồn tôi quyện vào nhạc và tôi muốn nhảy. Nhảy không giúp tôi có được công việc ổn định và có nhiều tiền, nhưng tôi luôn bị cuốn vào nó. Nhiều người hỏi tôi: nhảy vừa không có tiền, vừa tập luyện vất vả, mệt mỏi, tại sao tôi lại chọn đi theo nó lâu thế? Tôi cũng chẳng giải thích được. Giống như yêu, người ta làm sao mà biết vì lý do gì mà mình yêu? 

Hip hop rất tự do, trên nền nhạc hip hop bạn có thể thoải mái sáng tạo với bất kì chất liệu nào bạn có. Nó không khuôn mẫu và quá tiêu chuẩn như các bộ môn nghệ thuật chính thống khác. Bản thân tôi vẫn hay được mời đi dạy nhảy cho những người tập múa, có thể họ muốn nhờ hip hop để sáng tạo ra những động tác mới trong bộ môn mang tính chất kiểu mẫu của họ, còn hip hop thì tự do hơn nhiều, bạn sẽ không bị giới hạn bởi điều gì. 

Có sống trong  hip hop mới hiểu được niềm vui của việc sáng tạo ra một điệu nhảy mới.  Trên nền nhạc đó, bạn tự do thể hiện cái tôi của bạn.

Nhóm NYS

– Tôi có thể hình dung như thế này: các yếu tố như sự tự do, tinh thần tuổi trẻ giản dị, dân dã và cái tôi của người nhảy – là những đặc trưng của hip hop?

– Cái tôi là thứ sẽ có khi bạn đã hiểu hai điều trên. Đó không phải kiểu ngạo mạn: Ờ, tôi biết nhảy hip hop, tôi nhảy đẹp… Lúc nào trong cái tôi của hip hop cũng có sự kính trọng những người đi trước, những người tài năng, và kính trọng những nguyên tắc của hip hop, đó là hòa bình, tình yêu, sự đoàn kết và luôn tạo ra niềm vui. Hiểu những điều này tức là bạn đã sống trong hip hop. Những người nhảy hip hop luôn hòa hợp, giúp đỡ nhau… tất cả chỉ để có niềm vui, chứ không nhất thiết phải chiến thắng, phải vô địch. 

– Tôi thì lại thấy trong các bộ phim về hip hop, hay ngay cả trong lịch sử của hip hop, các nhóm thường đấu đá, ganh đua nhau, chứ không như các tiêu chí mà anh nói – như hòa bình, đoàn kết…

– Đặc trưng của hip hop là phải thi đấu với nhau, chứ không phải để biểu diễn. Phim ảnh cũng chỉ là một phần thôi. Yếu tố thay đổi trong văn hóa hip hop là thi đấu hết mình, nhưng kết thúc cuộc đấu, tất cả lại trở thành bạn. Nếu thi đấu mà quan trọng chuyện ăn thua thì người nhảy sẽ không còn là mình nữa, khi ấy nghe nhạc cũng không sâu, cũng không có nghĩ ra nhiều thứ để cho đối thủ xem. 

Một người rất nổi tiếng trong giới hip hop có nói: trong thi đấu, bạn có thể thua 20 lần cũng không sao, nhưng thua 20 năm thì phải nghĩ lại. Tức là chúng tôi thi đấu vì vui, nhưng duy trì đam mê của mình một cách nghiêm túc. Chúng tôi cần tập luyện và tiến bộ, chứ không chỉ đi theo những phong trào. 

– Là một trong những người đầu tiên nhảy hip hop ở Việt Nam, anh có thể chia sẻ những thay đổi của hip hop trong hơn 20 năm qua?

– Ngày xưa, chúng tôi hay bắt chước người Mỹ nhảy ngoài phố, chúng tôi cũng mang đài ra công viên nhảy và bị công an đuổi. Bây giờ thì được nhảy thoải mái nơi công cộng. Có lần chúng tôi tổ chức nhảy flashmob rất đông, có những cụ già đồng ý tham gia nhảy cùng, dù chúng tôi đề nghị tập lúc 5-6 giờ sáng. Các bậc phụ huynh cũng rất thoải mái cho các con đi học nhảy, có học viên của tôi chỉ mới 3 tuổi. Xã hội phát triển, tư tưởng của mọi người cũng cởi mở hơn rất nhiều. 

– Người ta vẫn nghĩ hip hop là dành cho tuổi trẻ. Anh có nghĩ anh đi mãi con đường  này được không?

– Ở nước ngoài, người lớn tuổi vẫn nhảy, vẫn mở studio, vẫn đi workshop (hội thảo) và dạy các thế hệ trẻ. Thế giới như thế thì trước sau Việt Nam cũng thế thôi. Tôi nghĩ chỉ vài năm nữa Việt Nam cũng sẽ đi con đường ấy, dù hip hop hiện nay vẫn bị coi là không chính thống, bị xếp ngoài lề, chưa được công nhận. 

– Làm thế nào để các anh mời được Henry Link, một huyền thoại hip hop thế giới, đến Việt Nam?

– Để mời được Henry Link đúng là rất khó khăn. Ông rất bận đi khắp thế giới làm giám khảo, dạy nhảy, tham dự workshop… Tôi nghĩ ông nhận lời tham gia Nhiệt vì ông chưa đến Việt Nam bao giờ, ông không biết hip hop ở Việt Nam đã phát triển hay chưa, người Việt Nam nhảy như thế nào… Ông muốn đến Việt Nam trên tinh thần ủng hộ, giúp đỡ là chính. 

Đây là lần đầu tiên chúng tôi mời được một huyền thoại thế giới về hip hop đến Việt Nam. Những anh em nhảy hip hop rất khó khăn để thi đấu ở nước ngoài, nên thay vào đó, chúng tôi muốn tổ chức các sự kiện, các giải đấu và mời những chuyên gia nước ngoài tới đây, giúp phong trào phát triển rộng. 

Nhờ có sự xuất hiện của Henry Link mà dancer cả ba miền tụ họp tại đây, có những người tưởng như không bao giờ nhảy nữa cũng vẫn tham dự… Chúng tôi muốn khẳng định một lần nữa con đường mà hip hop đã trải qua, và động viên anh em cùng cố gắng hơn trong tương lai. 

Tổ chức giải đấu này chỉ có mỗi nhóm NYS làm tất cả mọi việc, rất căng thẳng, nhưng khi chương trình kết thúc và  được nhìn thấy anh em vui,  hết mình hưởng ứng, chúng tôi cũng đã cảm thấy thỏa mãn với công sức mình đã cống hiến rồi

– Tôi nghe nói nhóm nhảy của anh tự góp tiền ra tổ chức giải đấu này, điều đó có đúng không?

– Chúng tôi không có nhiều sự ủng hộ về chi phí vì muốn tiết chế quảng cáo. Chúng tôi quan tâm nhiều hơn tới thí sinh, tới âm thanh ánh sáng, tới sân khấu… tức là những điều ảnh hưởng nhất tới kết quả thi đấu. Đây là điều mà những giải đấu có các nhãn hàng tài trợ không có – họ chỉ quan tâm có đông người đến không, có những ngôi sao nào tham dự… Như thế không phải là một giải đấu thực sự. Theo chúng tôi, giải đấu thực sự là phải tôn vinh dancer – những người đến đây, thi đấu và có thành tựu – chứ không phải các ngôi sao, cũng như hình ảnh nhãn hàng được quảng bá ra sao. 

Tất nhiên, vì làm như thế nên chúng tôi  gặp nhiều khó khăn về tài chính, phải tính toán rất nhiều để mọi người đều có thể đóng góp và tạo ra sân chơi chung. 

Người ta có thể bỏ tiền tỉ ra để làm một giải bóng đá, nhưng nó mang lại điều gì? Văn hóa hip hop thì đã ngấm sâu vào một bộ phận giới trẻ, truyền cảm hứng cho họ, mang đến niềm vui từ những điệu nhảy. Cũng giống như rock, người yêu hip hop có đam mê, và nhờ đam mê ấy mà họ duy trì và cố gắng được với đời sống khó khăn. 

– Tôi có xem các bộ phim, ví dụ như “Step Up”, trong đó họ kể chuyện các nhóm nhảy dùng vũ điệu để tạo ra các tác động xã hội. Các anh có bao giờ nghĩ tới những chuyện như thế không?

– Chúng tôi đã nghĩ đến, nhưng bây giờ chưa phải lúc phù hợp với văn hóa, với con người. Quan trọng nhất ở đây là người xem – khi mình truyền tải thông điệp, họ phải chấp nhận và hiểu. Bây giờ chúng tôi rất dễ bị hiểu khác đi. Tổ chức flashmob thì hợp lý hơn, chúng tôi dùng ngôn ngữ hình thể để truyền tải những thông điệp nhẹ nhàng như tình yêu hòa bình… 

Tôi nghĩ phải tạo cộng đồng rộng lớn hơn, để nếu không người này làm thì người khác làm. Những người trẻ giỏi giang, tài năng bây giờ rất nhiều, nhưng họ chưa có tư duy muốn đóng góp cho cộng đồng, họ mới chỉ muốn thi đấu, muốn thể hiện cái tôi. Có lẽ phải chờ thêm một thời gian nữa để những người đó lớn hơn, và họ nghĩ phải làm sao để phát triển cộng đồng, và đóng góp những gì. 

Bài: Linh Hanyi (thực hiện) 

Ảnh: Minh Đức Lê 

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: “Chúng tôi đã mất mát nhiều sức lực, tiền bạc, tuổi trẻ mà không mang về nhà được gì ngoài tiếng vỗ tay hò reo đọng lại chút ít trong những giấc ngủ mê… Đây là một thực tế.” – nhạc sĩ Trần Lập, tổng đạo diễn của Rock Concert “Battleship” 2014 chia sẻ với Đẹp Online những khó khăn trước khi chương trình bắt đầu.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category