“Phù thủy lồng tiếng” Đạt Phi: “Thù lao lồng tiếng phim điện ảnh cao gấp 100 lần phim truyền hình”

Đạt Phi là giọng nói quen thuộc của khán giả Việt qua các bộ phim truyền hình từ thập niên 1990 như “Bao Thanh Thiên”, “Tiếu ngạo giang hồ” hay “Hoàn Châu cách cách”. Vì lẽ đó mà rất nhiều bài báo từng khai thác anh dưới khía cạnh của một người “yếm thế” trong nghệ thuật: vai trò thầm lặng, đứng sau hào quang, không được ai biết đến, cát-xê bèo bọt… Nhưng trong lĩnh vực điện ảnh, Đạt Phi lại giữ vai trò khá quan trọng khi là người chịu trách nhiệm bản địa hóa nhiều bộ phim bom tấn từ hoạt hình đến phim người đóng có doanh thu lên tới trăm tỷ.

Không bỏ sót dù chỉ một hơi thở của diễn viên

Là một trong những người đầu ngành, anh đánh giá số lượng khán giả đến rạp xem những bộ phim điện ảnh lồng tiếng đang ở mức độ nào?

Cách đây 6 năm, con số đó chỉ chiếm khoảng 20-30% thôi, nhưng hiện tại thì đã ở mức 70% so với lượng khán giả xem phim phụ đề rồi. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho ngành lồng tiếng ở mảng phim hoạt hình.

Tuy nhiên, khán giả yêu thích cũng có nhưng số lượng không yêu thích thì nhiều hơn gấp bội. Có lẽ do các bạn trẻ ngày nay có trình độ tiếng Anh khá cao, họ nghĩ rằng lồng tiếng sẽ không bao giờ hay bằng bản gốc. Tôi không đồng ý với quan điểm đó vì việc lồng tiếng vẫn có sứ mệnh riêng. Nó giúp các khán giả trẻ em và người lớn tuổi cũng có thể xem được. Các nền điện ảnh lớn trên thế giới đều đã chấp nhận việc này.

Anh đã làm thế nào để bản lồng tiếng của bộ phim “Aladdin” đạt thành công vang dội như vậy?

Mặc dù được ra mắt trong năm 2019, sau một chặng đường dài phát triển của mảng lồng tiếng nhưng bộ phim này vẫn bị nhiều khán giả phản đối ngay từ lúc tung trailer. Chính bởi số lượng anti-fan tràn vào công kích nhiều quá nên cuối cùng nhà phát hành không dám mạo hiểm xếp nhiều suất lồng tiếng cho nó.

Khán giả chưa cần xem phim đã nghĩ chắc nó sẽ dở tệ, thậm chí dùng những lời lẽ cay nghiệt để chỉ trích chúng tôi. Tủi thân chứ, nhưng chúng tôi chấp nhận và cố gắng hết sức để phủ nhận lại những điều họ nói. Trung bình cứ 10 suất chiếu thì hết 8 suất phụ đề, chỉ có 2 suất lồng tiếng. Cảm giác giống như mình đang đi lại con đường cách đây 6-7 năm, khi phải tập thói quen mới cho khán giả.

Nhưng không ngờ rằng doanh thu của phim tại Việt Nam là 3,5 triệu USD. Trong đó, dù ít suất hơn rất nhiều so với phụ đề nhưng lượng khán giả đến xem phim lồng tiếng lại ngang ngửa, góp vào 50% doanh thu tổng. Đó là thành công ngoài sức mong đợi, thậm chí còn thắng lớn so với phụ đề.

Nó đã tạo tiền đề cho “Vua sư tử” sau đó phải không, vì dường như nhà phát hành đã rất tự tin khi ưu tiên xếp suất chiếu cho phiên bản lồng tiếng bất chấp đây là bộ phim của những khán giả lớn lên từ thập niên 90?

Đúng, dù hoàn toàn là kỹ xảo nhưng “Vua sư tử” vẫn là một bộ phim live-action. Lần này, suất chiếu của lồng tiếng và phụ đề ngang ngửa nhau. Thống kê cho thấy trong số tổng doanh thu 4 triệu USD thì phiên bản lồng tiếng đã đóng góp đến gần 70%.

Anh nghĩ điều gì đã tạo nên thành công cho bản lồng tiếng của hai bom tấn live-action này?

Tôi đưa vào đó rất nhiều thành ngữ. Chẳng hạn có đoạn Aladdin nói: “Tôi đã quá sợ những điều đó”, thì tôi sửa lại là: “Con chim bị ná bao giờ cũng sợ cành cong”, nghe hấp dẫn và gần gũi hơn nhiều. Đừng nghĩ rằng lồng tiếng chỉ là bê y nguyên nội dung của phiên bản gốc. Thực chất, lồng tiếng là công việc sáng tạo, diễn xuất, sản xuất… để bản địa hóa một sản phẩm dành cho khán giả Việt.

Có sự khác biệt rõ rệt nào giữa việc lồng tiếng cho phim hoạt hình và phim người đóng, theo anh?

Với hoạt hình, mình phải làm lố hơn so với bình thường. Còn phim người đóng thì khác, nó đời lắm, mình phải nói như ở ngoài đời thật. Người Mỹ nói giọng tông thấp bằng hơi, không giống như người Việt mình nói tông cao. Và mình phải làm sao trong bản lồng tiếng không bỏ sót một thứ gì, kể cả một hơi thở của diễn viên. Các studio sẽ luôn giám sát và yêu cầu chỉnh sửa bất cứ phần nào họ chưa vừa ý.

Hai con tôi chính là “chuột bạch”

Nhưng theo tôi, có lẽ không phải tự dưng mà nhiều khán giả mất niềm tin vào chất lượng lồng tiếng của Việt Nam, thành ra họ không muốn ủng hộ.

Đúng. Rất nhiều khán giả đã quay lưng với phim lồng tiếng kể từ sau “Rio” (2011) – bộ phim hoạt hình được đầu tư lồng tiếng chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam. Nó làm người ta thất vọng tột độ và hình thành nên tâm lý phản kháng sau này. Cứ mỗi lần thấy phim nào được lồng tiếng là họ mặc định nó tệ như phim “Rio”.

Vậy điều gì là bước ngoặt khiến họ dần tin tưởng và mở lòng trở lại?

Năm 2013, lúc “Frozen” công chiếu, tôi biết nhiều khán giả tới rạp xem phim đã mua nhầm vé lồng tiếng. Người hậm hực khó chịu, người thì bỏ về giữa chừng. Nhưng trong số ngồi lại, có người kiên nhẫn xem hết. Kết quả vượt ngoài mong đợi vì một bộ phim hoạt hình nhạc kịch khó như vậy mà Việt Nam lại thực hiện quá tốt. Điều đó khiến “Frozen” được xem là một trong những thành công quan trọng nhất của ngành công nghiệp lồng tiếng phim hoạt hình Việt Nam. Đích thân hãng Disney còn gửi bằng vinh danh tặng công ty của tôi. Giữa bối cảnh đầy rẫy khó khăn và định kiến như vậy, họ rất ngạc nhiên và khâm phục.

Trên thực tế, chúng tôi không hề muốn can thiệp vào giọng hát diễn viên trong những bộ phim ca nhạc hay nhạc kịch. Là bên hãng muốn thế, chứ nếu chỉ lồng tiếng mà không phải hát thì khỏe lắm. Tôi ví dụ, nếu một ngày nào đó phim Việt Nam được phát hành ra toàn thế giới, rồi Mỹ cũng mua phim mình về để lồng tiếng, đặt trường hợp nhân vật trong phim Việt Nam hát cải lương thì người Mỹ sẽ phải lồng hát như thế nào?

Giai đoạn đầu lồng tiếng, khi chưa có nền tảng hay chuẩn mực nào cụ thể, làm sao để anh biết mình làm tốt hay không?

Khi lồng tiếng, giọng của mình với giọng gốc không được chênh nhau về tông. Hai bên phải tương đương nhau. Ở nhà tôi có sẵn “chuột bạch” là 2 đứa con nhỏ. Sau khi lồng tiếng xong, tôi cho các con tôi xem để đánh giá, chúng cùng là con nít mà. Chúng khen thì tôi biết sản phẩm không tệ, còn chê thì hiểu vấn đề rồi đó.

Với những bộ phim anh cảm thấy mình làm tốt mà không được nhiều khán giả đón nhận, anh thấy sao?

Gần đây nhất có “Tân vua hài kịch”. Người ta mặc định phim của Châu Tinh Trì là phải lồng giọng các diễn viên hải ngoại hồi xưa, nghe vậy mới vui. Nhưng tôi cho rằng điều này không còn phù hợp với tất cả đối tượng khán giả hiện nay nữa. Tôi chọn giải pháp lồng tiếng chân thật, nhân vật nói sao thì mình nói y chang vậy.

Tôi vẫn muốn các bộ phim châu Á sắp tới được lồng tiếng theo tiêu chí đó. Đây là hướng đi mới cho những người muốn theo đuổi nghề lồng tiếng sau này, không bị motif cũ nào lấn át. Hãy trả lại cho bộ phim sự tự nhiên, cái gì đang diễn ra bên ngoài cuộc đời thì cứ bê vào đặt đúng chỗ trong phim.

Anh thường mất bao lâu để hoàn thiện phần lồng tiếng cho một bộ phim?

Giai đoạn lồng tiếng mất khoảng 2 tuần còn chuẩn bị tiền kỳ khoảng 1 tháng.

Anh có ngại tiết lộ thù lao không?

Tôi không thể tiết lộ chính xác số tiền nhưng thù lao lồng tiếng cho phim điện ảnh là một trời một vực so với lồng tiếng phim truyền hình trước kia, có thể nói là gấp hơn 100 lần.

Anh dự đoán thế nào về tiềm năng của phim bom tấn lồng tiếng?

Sắp tới, khán giả sẽ được theo dõi ngày càng nhiều các bộ phim bom tấn nước ngoài được lồng tiếng, trong đó nhiều nhất có thể là từ hãng Disney. Dù vậy, thực tế là việc này vẫn gặp nhiều trở ngại, xuất phát từ tâm lý lo lắng của các nhà phát hành.

Lẽ ra vừa rồi chúng tôi lồng tiếng cho “Maleficent 2”. Casting giọng xong hết thì Disney Việt Nam quyết định dừng lại. Họ lo rằng việc này sẽ giới hạn khán giả, trong khi trẻ em ở độ tuổi nhỏ quá không phải là đối tượng tiềm năng. Bom tấn “Avengers: End game” cũng chuẩn bị được lồng tiếng thì phải hủy vì nhà phát hành sợ bị phản đối. Cá nhân tôi nghĩ đó đúng là việc chưa nên làm do yêu cầu rất cao, khâu thực hiện cực kỳ khó và khán giả thì còn nhiều định kiến.

Những dịch vụ truyền hình trực tuyến trả tiền sắp tới cũng là đối thủ cạnh tranh không nhỏ với phim chiếu rạp, theo anh thì chúng có ảnh hưởng gì tới phim lồng tiếng không?

Tất nhiên là có, nhiều nữa là đằng khác. Netflix và Disney+ đều đang có kế hoạch đem lồng tiếng các bộ phim bom tấn ở nhiều quốc gia khác nhau để chiếm lĩnh thị phần, trong đó có Việt Nam. Disney đang đặt công ty tôi bao thầu lồng tiếng Việt toàn bộ các phim hoạt hình và live-action. Dù là chiếu online nhưng chất lượng lồng tiếng cho các bộ phim này thật sự chất lượng không thua kém gì phim điện ảnh.

                      LỒNG TIẾNG CHO PHIM BOM TẤN: NÂNG TẦM HAY PHÁ HỦY?

Dù đã ăn sâu bắt rễ vào phim truyền hình và điện ảnh Việt Nam từ lâu nhưng việc lồng tiếng cho phim điện ảnh nước ngoài chiếu rạp lại gây nhiều ý kiến trái chiều trong khoảng 10 năm trở lại đây. Khán giả cho rằng bản lồng tiếng sẽ không bao giờ hay bằng bản gốc, nhất là đối với những bộ phim nhạc kịch.
Tuy nhiên, những con số doanh thu lại cho thấy điều ngược lại. Chúng chứng minh rằng việc lồng tiếng vẫn có sứ mệnh riêng, giúp khán giả lớn tuổi và nhỏ tuổi đều có thể nắm rõ toàn bộ nội dung phim.

• Từ 2012-2019, CGV đã lồng tiếng cho 12 bộ phim hoạt hình và 4 bộ phim live-action (phim người đóng) từ Disney

• Hơn ½ khán giả đến rạp lựa chọn bản lồng tiếng thay vì bản phụ đề

• Doanh thu bản lồng tiếng chiếm 47% tổng doanh thu các phim

• 4 phim có doanh thu bản lồng tiếng cao hơn bản phụ đề: “The Incredibles 2” (51%), “Ralph Breaks The Internet – Wreck It Ralph 2” (56%), “Toy Story 4” (58%) và “Dumbo” (68%)

• Số suất chiếu bản lồng tiếng phim “Aladdin” chỉ chiếm 20% nhưng doanh thu vẫn ngang bằng doanh thu bản phụ đề

Bài: Phương Thảo

Sản xuất: Hellos.

Nhiếp ảnh: Lâm Nguy

Trợ lý: Huey

Đọc thêm
Đại Nghĩa: “Nhiều người chưa xem phim lồng tiếng đã gõ phím chê bai”
“Phù thủy lồng tiếng” Đạt Phi: “Thù lao lồng tiếng phim điện ảnh cao gấp 100 lần phim truyền hình”
Võ Hạ Trâm: tại Việt Nam không nhiều người có thể vừa hát vừa lồng tiếng


From the same category