Làm việc trong một thế giới của truyện tranh và bom tấn Hollywood – nơi những người đàn ông thống trị, cả Robertson-Dworet, Nicole Perlman và Kelly Sue DeConnick DeConnick đều đã từng phải trải qua những im lặng, dồn nén, bị đẩy sang một bên, phải cạnh tranh với các người phụ nữ khác hay là người phụ nữ duy nhất trong nhóm toàn phái mạnh.
Buổi sáng sau khi “Captain Marvel” được công chiếu tại Los Angeles, Kelly Sue DeConnick – tác giả truyện tranh đã xây dựng hình ảnh hiện tại của Carol Danvers chia sẻ: “Chúng ta đang sống trong một xã hội nơi mà cái gì làm ra tiền sẽ được coi trọng. Vậy nên tôi mong rằng ‘Captain Marvel’ sẽ có được doanh thu khổng lồ, điều đó sẽ thay đổi cách xã hội nhìn vào phụ nữ“.
Một tháng sau đó, mong muốn của DeConnick đã thành hiện thực. “Captain Marvel” chính thức trở thành bộ phim về nữ siêu anh hùng đầu tiên gia nhập câu lạc bộ tỷ đô phòng vé. Bước thành công đột phá đó đã mở ra cánh cửa rộng lớn cho cả những người phụ nữ đứng sau góp sức tạo nên Carol Danvers.
Những người phụ nữ đứng sau “Captain Marvel”
Trong các năm đầu thai nghén cho bộ phim nữ siêu anh hùng đầu tiên, Marvel Studios đã tìm vềnhững người phụ nữ tài năng không chỉ giúp thiết lập nên vị trí quan trọng của Carol trong Avengers, mà còn đặt mầm mống cho sự kết nối giữa họ ở dòng phim bom tấn. Năm 2014, Marvel tìm đến biên kịch Nicole Perlman (“Guardianss of the Galaxy“), người sẽ hợp tác với LeFauve (“Inside Out“) để xây dựng câu chuyện về Carol trong suốt hai năm 2015 và 2016. Năm 2017, Geneva Robertson–Dworet tiếp tục được mời đến để chắp nối những mảnh ghép trong kịch bản lại với nhau, còn tác giả truyện tranh DeConnick đưa ra nhiều góp ý trong suốt toàn dự án.
Làm việc trong một thế giới của truyện tranh và bom tấn Hollywood – nơi đàn ông thống trị, cả Robertson-Dworet, Perlman và DeConnick đều đã từng phải trải qua sự im lặng, dồn nén, bị đẩy sang một bên, phải cạnh tranh với phụ nữ khác hay là người phụ nữ duy nhất trong nhóm toàn đàn ông. “Tôi vẫn nhớ cảnh quay hành động đầu tiên của tôi, đó là một trường cảnh vô cùng tăm tối, bạo lực và quyết liệt. Thế nhưng sau đó, tất cả những gì đạo diễn nói là, ‘Ồ, tôi cần một cảnh quay nhiều cơ bắp hơn'”, Robertson-Dworet chia sẻ.
Theo Perlman, thay vì cạnh tranh với nhau để được chọn thành người duy nhất giữa một đội toàn đàn ông, họ đã tự tìm lấy nhau, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác cùng phát triển. Bằng cách đó, họ đã trở thành những người phụ nữ đứng đằng sau thành công của “Captain Marvel“, chịu trách nhiệm cho nền tảng của cả một vũ trụ siêu anh hùng rộng lớn, tự thành lập nên công ty Known Universe. “Sau khi hợp tác với Anna và Ryan, tôi nhận ra thực sự tuyệt vời khi có những người đồng hành lâu dài”, Robertson-Dworet hào hứng chia sẻ.
Cơ hội đang ngày càng mở rộng với đạo diễn, biên kịch nữ
Thành công thương mại của “Captain Marvel” và “Wonder Woman” đồng nghĩa rằng DC, Marvel và các nhà sản xuất khác sẽ càng gấp rút hơn trên đường đua của các nữ siêu anh hùng. Điển hình như Sony đã cho ra đời một vài “Spider-women” và các nhân vật phản diện nữ. Đạo diễn Patty Jenkins của “Wonder Woman” cũng tiết lộ được tăng gấp ba lần mức lương khi cầm trịch loạt phim này. Có thể khẳng định, cơ hội đang ngày càng rộng mở đối với các diễn viên, đạo diễn, biên kịch nữ. Trong trường hợp của bộ phim riêng về Harley Quinn “Birds of Prey” sắp ra mắt, nữ diễn viên – nhà sản xuất Margot Robbie cũng cố gắng đưa một đạo diễn nữ vào nhóm đạo diễn.
“Một trong những kịch bản hành động bạo lực nhưng cũng thông minh, hài hước nhất tôi từng đọc là bản thảo ‘Birds of Prey’ của Christina Hodson“, Robertson-Dworet chia sẻ, “10 năm về trước, có lẽ người ta sẽ cho rằng chỉ có đàn ông mới có thể viết ra chúng. Đó là lý do chúng tôi thành lập công ty để mở thêm nhiều cánh cửa cho những người biên kịch không đi theo lối mòn, kiểu mẫu”.
Đa số cá nhân tham gia sản xuất “Captain Marvel” đều đưa ra những trích dẫn đầy cảm hứng về hy vọng tôn vinh phụ nữ trẻ của bộ phim, nhưng DeConnick lại có cái nhìn sâu sắc và chân thực hơn với những thành tựu phim đạt được: “Theo nghiên cứu, phụ nữ sẽ mua những thứ được sản xuất, tiếp thị bởi đàn ông, bởi đàn ông có chỗ đứng cao trong xã hội. Ngược lại, đàn ông thường không mua những thứ được tạo ra bởi phụ nữ bởi chẳng ai muốn đảo ngược địa vị của mình”.
“Tư tưởng đó đã dẫn đến loạt phim siêu anh hùng sinh ra cho đàn ông. Trước sự xuất hiện của ‘Captain Marvel’, phụ nữ vẫn sẵn sàng ra rạp xem những tác phẩm hướng đến đối tượng khán giả nam. Ngược lại, đàn ông sẽ hiếm khi xem phim thể loại chick-flick phục vụ đối tượng khán giả nữ”, DeConnick chia sẻ thêm, “Phụ nữ chiếm 51% dân số thế giới nhưng chỉ có 24% nhân vật chính là nữ mà thôi“.
Tuy nhiên, theo Robertson-Dworet, Perlman và DeConnick, việc họ muốn đưa phái yếu trở thành nhân vật chính không có nghĩa rằng phụ nữ sẽ thế vào vị trí của những nhân vật nam điển hình trước đó. Ví dụ như trong “Captain Marvel”, Carol Danvers sở hữu sức mạnh bậc nhất nhưng hoàn toàn không tách rời với tính nữ. “Cô ấy không đơn thuần là một nhân vật chỉ có sức mạnh, cứng cỏi và không có cảm xúc,” Perlman chia sẻ.
Perlman trích dẫn câu nói của huyền thoại sản xuất Hollywood Lindsay Doran từ bài phát biểu có tên “The Quagmire of the Female Character“, trong đó chỉ ra rằng sự tiến bộ sẽ cho phép những người phụ nữ mạnh mẽ thể hiện mặt mềm yếu của họ. Robertson-Dworet đã mang chính những điều mềm mại trong cuộc sống của mình vào phim, thậm chí đặt lên nhân vật Nick Fury của Samuel L. Jackson: “Chồng của tôi cực kỳ yêu mèo, điều đó tạo cảm hứng cho tôi xây dựng nhân vật Nick Fury yêu mèo và luôn muốn cưng nựng chúng“.
Song song đó, yếu tố mà cả Perlman, Robertson-Dworet và DeConnick đều muốn nhấn mạnh trong “Captain Marvel” là mối quan hệ giữa Carol Danvers và người bạn thân phi công Maria Rambeau (Lashana Lynch). Ở một tác phẩm hành động siêu anh hùng, hai người phụ nữ đã có thể hình thành một tình bạn đẹp đẽ thuần túy chứ không bị đặt vào mối quan hệ cạnh tranh hay tranh giành tình cảm từ người đàn ông nào như những bộ phim thông thường khác.
Sau “Captain Marvel“, cả ba đều có nhiều kế hoạch tương lai. Perlman sẽ ra mắt bộ phim ngắn “The Slows” trong vai trò đạo diễn. Dù DeConnick không là thành viên chính thức của Know Universe, cô và Robertson-Dworet vẫn cộng tác với nhau trong một tác phẩm hành động của Gal Gadot. Đồng thời, DeConnick tiếp tục bận rộn với công việc tư vấn cho các phim điện ảnh, viết truyện tranh “Aquaman“, “Pretty Deadly“, “Bitch Planet” và phát hành bộ truyện về lịch sử của Amazons.
Song quan trọng nhất, cả ba người phụ nữ đều rất mong đợi cơ hội để hợp tác và kết hợp điểm mạnh của mỗi cá nhân, “Thông điệp mà Avengers muốn truyền tải luôn là: nếu mỗi người mang theo nhiều điểm mạnh riêng và làm việc cùng nhau, chúng ta có thể vượt qua mọi thứ. Đó là một tình bạn mà tôi rất hạnh phúc khi là một phần trong đó“, DeConnick cho hay.
Bài: Thảo Cao