Phim về tự kỷ: Lời an ủi từ Hollywood - Tạp chí Đẹp

Phim về tự kỷ: Lời an ủi từ Hollywood

Review

Một đề tài “khó nhằn”

Hội chứng tự kỷ (autism) nằm trong số những cơn ác mộng tồi tệ nhất mà không một ông bố bà mẹ nào muốn con cái mình gặp phải. Nhưng thật không may, hội chứng đó đang ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Chỉ khoảng 20 năm về trước, đại đa số chúng ta hiếm khi nghe nói đến khái niệm này, nhưng hiện nay, nó đã trở nên quen thuộc.

Với tình yêu thương vô điều kiện, hầu hết những gia đình có con cái bị tự kỷ đều dồn hết thời gian, công sức, tiền bạc tìm cách chữa cho con mình. Họ tìm hiểu về hội chứng tự kỷ từ mọi nguồn thông tin, những bộ phim miêu tả các nhân vật bị tự kỷ cũng nằm trong sự tìm kiếm ấy. Các nhà làm phim không bỏ lỡ đề tài xã hội nóng hổi này, họ đã dựng lên rất nhiều câu chuyện, hư cấu hoặc có thực, xúc động hay chân thực, dù không phải bộ phim nào cũng đáng xem.

Điều đầu tiên cần được làm rõ là làm phim về chứng tự kỷ không hề dễ dàng. Có hàng đống lí do khiến đề tài này trở nên khó nhằn hơn nhiều, đặc biệt là khi so sánh với các đề tài về nhân vật mắc những căn bệnh bất bình thường khác, như chứng rối loạn đa nhân cách (MPD), bệnh mất trí nhớ (alzheimer), chứng hoang tưởng (paranoia) hay bệnh điên (insanity).

Alfred Hitchcock làm nên tên tuổi của mình qua bộ phim kinh điển “Psycho”, trong đó khắc họa một kẻ giết người bị ám ảnh bởi hai trạng thái nhân cách, một ngây thơ, thánh thiện và một hung ác. Hay như nhân vật chính Tyler Durden trong “Fight Club” (đạo diễn: David Fincher) không phân biệt được mình đang sống trong hình hài nào. Những bộ phim tham dự Oscar gần đây như “Amour” của Michael Haneke hay “Still Alice” của Richard Glatzer đã khắc họa những nhân vật phải vật lộn với chứng mất trí nhớ theo các góc nhìn khác nhau, nhưng đều đầy tính nhân văn. Xa hơn nữa, Russell Crowe thể hiện rất thành công vai diễn nhà toán học hoang tưởng của mình trong “A Beautiful Mind” (2001). Cuối cùng, không thể không nhắc đến kiệt tác “One Flew Over the Cuckoo’s Nest” của Milos Forman và “A Clockwork Orange” của bậc thầy Stanley Kubrick về những người điên.

Vì đặc trưng riêng của chứng bệnh tự kỷ, trong đó bệnh nhân hầu như mất hết khả năng nhận thức với đời thực cũng như khả năng giao tiếp một cách bình thường với những người xung quanh, việc khai thác các nhân vật tự kỷ theo các góc nhìn khác nhau thật khó khăn. Điều đó càng khó khăn hơn khi áp lực thoát khỏi cliché (thuật ngữ để chỉ những chi tiết, mô típ trong nghệ thuật được lặp đi lặp lại quá nhiều đến mức trở nên sáo rỗng) từ những bộ phim đi trước đè nặng lên các bộ phim về sau này.

Rất khó để các nhà viết kịch bản thoát ra khỏi lối mòn “nhân vật tự kỷ giúp thay đổi nhận thức những người xung quanh và giúp họ sống tốt hơn”. Một lựa chọn tốt hơn cho họ đơn giản là… chuyển đề tài, nói về những căn bệnh khác dễ viết hơn và cũng ít nhạy cảm hơn so với chứng tự kỷ.



“Rain Man”

Nhưng với Hollywood, không gì là không thể!

Những người quyết định đi tiếp sẽ phải trải qua rất nhiều khó khăn, từ khâu viết kịch bản, dựng phim, cho đến diễn xuất, và cam go nhất là quá trình tiếp nhận của công chúng. Ở đề tài đặc biệt này, công chúng có xu hướng đi vào tiểu tiết: so sánh xem liệu từng hành động, cử chỉ, cách ứng xử của nhân vật có sát với người bị bệnh trên thực tế không, hay bộ phim có chi tiết nào mang tính xúc phạm những người bị tự kỷ không… Xu hướng ấy tất nhiên có thể bắt gặp ở bất cứ đề tài nào của phim dạng này, nhưng có vẻ như nó trầm trọng hơn nhiều đối với phim về chứng tự kỷ.

Nhưng dù sao, với sức sống mãnh liệt của mình, điện ảnh nói chung và Hollywood nói riêng vẫn dựng nên được rất nhiều bộ phim đáng chú ý về “câu chuyện khó nhằn” này. Bộ phim nổi bật nhất, không phải bàn cãi gì nhiều, là “Rain Man” của đạo diễn Barry Levinson. Trong đó, nhân vật chính Charlie Babbitt (do Tom Cruise đóng) trong chuyến đi giành tài sản thừa kế của cha mình bất ngờ phát hiện ra mình có một người anh bị tự kỷ. Trong cơn phẫn nộ và bối rối vì lòng tham, Charlie bắt cóc người anh, Raymond Babbitt (Dustin Hoffman đóng), trên một hành trình dài từ Ohio đến Los Angeles.
  
Hai tính cách trái ngược, một khôn ngoan, lọc lõi, ích kỉ, tham lam, một ngây thơ, ngơ ngác, liên tục va chạm với nhau. Nhưng dần dần, cái bất biến đã thắng cái “vạn biến”, Charlie được cảm hóa và trở nên yêu mến Raymond. “Chuyện tiền bạc bây giờ không quan trọng nữa”, như Charlie nói. Anh em họ cuối cùng vẫn phải chia cách, trở về nơi họ thuộc về, nhưng tình cảm thì ở lại.

Ở đề tài đặc biệt này, công chúng có xu hướng đi vào tiểu tiết: so sánh xem liệu từng hành động, cử chỉ, cách ứng xử của nhân vật có sát với người bị bệnh trên thực tế không, Hay bộ phim  có chi tiết nào mang tính xúc phạm những người bị tự kỷ không… Xu hướng ấy tất nhiên có thể bắt gặp ở bất cứ đề tài nào của phim dạng này, nhưng có vẻ như nó trầm trọng hơn nhiều đối với phim về chứng tự kỷ.
“Rain Man” có thể được coi là thắng lợi lớn nhất trong sự nghiệp làm phim của Barry Levinson, bộ phim mang về 4 giải Oscar bao gồm Phim hay nhất, Nam chính xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản gốc xuất sắc nhất. Mặt khác, nó cũng là một cái bóng đè nặng lên tất cả những bộ phim làm về chứng tự kỷ sau này. Mô típ “nhân vật tự kỷ thay đổi nhận thức những người xung quanh khiến họ sống tốt hơn” cũng bắt đầu từ đó. Nó tạo ra một ấn tượng bất di bất dịch (stereotype) cho khán giả, rằng những bệnh nhân tự kỷ đều là thiên tài toán học giống như nhân vật Raymond Babbitt trong phim. Cho dù, thực tế, chứng tự kỷ có nhiều dạng, và những người thuộc dạng tự kỷ bác học (autistic savants) chỉ chiếm số ít trong đó.

Ngoài “Rain Man”, Hollywood cũng có thêm một vài bộ phim đáng chú ý về chứng tự kỷ như: “Nell” (1994), “The Boy Who Could Fly” (1986), “Mozart and the Whale” (2005), “Snow Cake” (2006), “Mary and Max” (2009), “Temple Grandin” (2010),… Và trong những năm gần đây, đề tài về những bệnh nhân tự kỷ có một hướng đi mới, đó là xây dựng các bộ phim tài liệu dựa trên câu chuyện có thật nhưng mang hơi hướng nghệ thuật như: “The Horse Boy” (2009), hay “Too sane for this world” (2011),..

The Horse Boy

Mặc dù không phải lúc nào điện ảnh cũng đem đến góc nhìn chính xác về một vấn đề, nhất là các vấn đề phức tạp và nhạy cảm, nhưng những bộ phim này vẫn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những ông bố bà mẹ đang phải vật lộn để giành lại đứa con của mình từ sự trớ trêu của số phận. Truyền cảm hứng, đó vẫn luôn là việc mà điện ảnh làm tốt nhất… 

Mở rộng vòng tay dành cho những người mắc triệu chứng tự kỷ là nội dung chiến dịch “Vòng tay tự kỷ” do do nhóm cha mẹ có con Tự kỷ phối hợp cùng các nhà chuyên môn và trường Chuyên biệt Tuổi Ngọc tổ chức. Với mong muốn nâng cao nhận thức và kết nối để truyền đi những thông điệp nhân văn, Đẹp online tổ chức một chuyên đề về góc nhìn tự kỷ, như một lời sẻ chia gửi đến những người đang và đã đồng hành với người tự kỷ suốt thời gian qua.
Đọc thêm:
– Các ngôi sao phải đối mặt với chứng tự kỷ
Bí mật sau thành công của Susan Boyle và Justin Timberlake

  Bài: Phi Hoàng Trịnh

logo

Thực hiện: depweb

27/04/2015, 18:03